Quốc hội thảo luận dự án sân bay Long Thành: Vay nhiều, rủi ro lớn

Dự án sân bay Long Thành chậm tiến độ, chậm giải ngân. Ảnh: P.V
Dự án sân bay Long Thành chậm tiến độ, chậm giải ngân. Ảnh: P.V
TP - Thảo luận về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành giai đoạn 1, nhiều đại biểu đề nghị phân tích làm rõ việc vay vốn đầu tư tác động thế nào đến nợ công.

“ACV (Tổng Cty Cảng hàng không Việt Nam) là doanh nghiệp do nhà nước chi phối, nên dù huy động vốn dưới hình thức nào thì Nhà nước vẫn có trách nhiệm trong việc xử lý khi có rủi ro đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu ý kiến.

Gặp rủi ro: Nhà nước phải gánh

Báo cáo trước Quốc hội về Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết: Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4,779 tỷ USD (khoảng 111.689 tỷ đồng). Nguồn vốn thực hiện là từ doanh nghiệp hàng không và các loại vốn khác. Cũng theo ông Thể, thực hiện dự án trên, nếu theo quy định phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Thời gian thực hiện sẽ mất thêm khoảng 1,5-2 năm. Do đó, việc giao cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư, khai thác là hợp lý. Vì ngoài đơn vị này khó có đơn vị nào đủ điều kiện về năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia.

Quốc hội thảo luận dự án sân bay Long Thành: Vay nhiều, rủi ro lớn ảnh 1 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể và các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe giới thiệu Quy hoạch sân bay quốc tế Long Thành ngày 17/10/2019. Ảnh: Hoàng Quỳnh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý, đây là dự án thuộc đối tượng được bảo lãnh Chính phủ nên các khoản vay sẽ được tính vào nợ công. Mặt khác, ACV là doanh nghiệp do nhà nước chi phối, nên dù huy động vốn dưới hình thức nào, Nhà nước vẫn có trách nhiệm trong việc xử lý khi có rủi ro đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. “Kể cả việc Chính phủ không cấp bảo lãnh đối với khoản vay này thì cũng cần có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền đối với hoạt động vay, sử dụng vốn vay của ACV”, ông Thanh nói. Chủ nhiệm UB Kinh tế lưu ý cân nhắc khả năng huy động vốn của ACV, khi phải đồng thời thực hiện đầu tư mở rộng Cảng hàng không Tân Sơn Nhất cũng như các cảng hàng không khác trên cả nước.

Chung mối lo, ĐB Phạm Phú Quốc (TPHCM) băn khoăn phương án tài chính trong báo cáo của Chính phủ. Theo đó, ACV cho biết vốn tự có là 1,94 tỷ USD (chiếm khoảng 37%), còn lại là đi vay. Muốn như vậy, Chính phủ phải bảo lãnh cho doanh nghiệp vay gần 3 tỷ USD. “Việc bảo lãnh phải tính vào nợ công. Cần có đánh giá tác động ảnh hưởng đến nợ công như thế nào, có đụng trần hạn mức của Chính phủ hay không”, ông Quốc nói. ĐB Phạm Phú Quốc phân tích: Trong báo cáo ACV cho biết có 1,94 tỷ USD (Tổng vốn dự án 4,779 tỷ USD) trong giai đoạn 2019-2025, song đó chỉ là chuyện ở “thì tương lai”. Hơn nữa, khi đưa Long Thành vào khai thác, sân bay này sẽ chia sẻ lượng khách với nhiều sân bay khác, do đó hiệu quả kinh doanh tại các sân bay mà ACV đang khai thác giảm xuống. Từ đó dẫn đến các nguồn thu sẽ giảm, huy động tiền sẽ khó khăn hơn.

Giám sát chặt để không mất tiền, mất cán bộ

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) lo tiến độ dự án khi đặt mục tiêu hoàn thành chậm nhất vào 2025. “Muốn triển khai dự án ngay năm sau thì phải có đất sạch, trong khi tiến độ giải phóng mặt bằng đang rất chậm chạp, ảnh hưởng đến tiến độ dự án”, ông Ngân nói. ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) đề nghị quan tâm vấn đề đầu cơ bất động sản. Ông lưu ý trong thời gian tới cần có giải pháp, để tiền đền bù đến tận tay người có đất, không để giới đầu cơ trục lợi. “Tôi đề nghị Chính phủ có quyết sách, không cho giao dịch đất đai vào thời điểm này và trong quá trình triển khai dự án, còn việc canh tác thì vẫn bình thường”, ông Kim nói.

Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) băn khoăn mỗi lần có quy hoạch, triển khai dự án lại có nỗi lo về đất đai. “Chưa xin chủ trương dự án, đất đai đã phức tạp. Chính vì vậy, khi làm sân bay Long Thành cần phải khoanh lại. Để hạn chế tối đa tình trạng đầu cơ, kinh phí đền bù cho dân phải được làm trước”, ông Sơn đề nghị.

Cho rằng đây là dự án trọng điểm quốc gia, có liên quan đến an ninh, quốc phòng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đồng tình với phương án giao cho các doanh nghiệp nhà nước có chức năng quản lý, đủ thẩm quyền thực hiện. Tuy nhiên, ông lưu ý công tác giám sát, quản lý phải hết sức chặt chẽ ngay từ giai đoạn thiết kế, giao thầu đến thi công. “Kinh nghiệm, thực tế thấy, nếu chúng ta không quan tâm ngay từ giai đoạn đầu của dự án, khi xảy ra những vụ việc phải xử lý, hậu quả sẽ khó lường”, Tổng Thanh tra nói.

Ông Khái đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Kế hoạch - Đầu tư hết sức quan tâm đến công tác kiểm tra, thanh tra trong quá trình thực hiện, đặc biệt là khâu giám sát. Có thể thuê giám sát nước ngoài để loại trừ hết tất cả các mối quan hệ có thể tác động đến việc tổ chức thi công dự án. "Nếu chúng ta kiểm tra, kiểm soát trấn chỉnh kịp thời thì khắc phục hậu quả, sai sót, hạn chế nếu có sẽ dễ hơn. Vừa không mất tiền của nhà nước của xã hội, vừa không phải xử lý, không mất cán bộ”, Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Quốc hội thảo luận dự án sân bay Long Thành: Vay nhiều, rủi ro lớn ảnh 2

Việc giao cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư, khai thác là hợp lý. Vì ngoài đơn vị này khó có đơn vị nào đủ điều kiện về năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia".

                        Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể 

MỚI - NÓNG