Quốc hội và lòng dân

Quốc hội và lòng dân
Kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XIII đang diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Kinh tế thế giới phục hồi đà tăng trưởng nhưng vẫn còn chậm và vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Kinh tế trong nước đang chuyển biến tích cực nhưng kinh tế vĩ mô còn chưa ổn định, những yếu kém nội tại của nền kinh tế chậm được khắc phục, khó khăn trong sản xuất- kinh doanh còn lớn và đang xuất hiện những khó khăn mới. Quan ngại hơn, tình hình ở biển Đông cũng đang diễn biến phức tạp khó lường.

Việc Trung Quốc đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, cùng với sự hộ tống, trong đó có cả tàu chiến và máy bay quân sự bảo vệ là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông; bất chấp cả những thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng và hai Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc. Hòa bình và an ninh đang bị đe dọa nghiêm trọng. 

Có thể nói chưa có kỳ họp nào mà hai từ “biển Đông” được nhắc nhiều đến thế trong ngày khai mạc. Sáng qua, không dưới 10 lần từ “biển Đông” được nhắc đến trong các nội dung được trình bày trực tiếp qua sóng truyền hình, phát thanh trước cử tri và nhân dân cả nước. 

Từ phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Báo cáo tình hình kinh tế- xã hội của Chính phủ, nội dung thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hai từ “biển Đông” như điệp khúc, như đồng vọng cứ thế vang lên.

Không chỉ trong hội trường, tại những cuộc phỏng vấn bên lề Quốc hội “biển Đông” cũng luôn thường trực trong những câu hỏi của phóng viên nghị trường. Trả lời báo chí bên lề Quốc hội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, chúng ta vẫn tiếp tục các biện pháp đấu tranh ngoại giao và cho đến nay khoảng 20 cuộc giao thiệp với phía Trung Quốc đã diễn ra. Tại đó, Việt Nam cương quyết đấu tranh, đòi phía Trung Quốc phải rút giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Đó là lập trường kiên quyết của chúng ta. Thế nhưng đến nay phía Trung Quốc vẫn duy trì giàn khoan và ngày càng tăng cường thêm số lượng tàu hộ tống tại khu vực này cho thấy họ vẫn ngoan cố không chịu rút. Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Mão và đại biểu Dương Trung Quốc đều chia sẻ với báo chí rằng, lần này Quốc hội nên ra Nghị quyết riêng về biển Đông, trong đó nhấn mạnh: Quốc hội hoan nghênh nhân dân đã tỏ rõ lòng yêu nước cao cả, biểu dương những chiến sỹ, ngư dân đang làm việc, hoạt động nơi đầu sóng. Quốc hội thể hiện chính kiến của mình vừa với chức năng là tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân, vừa với chức năng là cơ quan giám sát tối cao. Hơn nữa, Nghị quyết này còn tác động tới cuộc đấu tranh ngoại giao bởi tiếng nói ngoại giao nhân dân bao giờ cũng có sức mạnh.

Hai tiếng “biển Đông” từ lòng dân đã lan tỏa vào nghị trường khiến Quốc hội và cử tri, nhân dân gần nhau hơn bao giờ hết. Cử tri và nhân dân đã gửi sự bất bình về hành động hạ đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc tới Quốc hội và Quốc hội đã phản ánh được đầy đủ ý chí, nguyện vọng của cử tri. Đó là sự đồng tâm tạo nên sức mạnh của cả dân tộc. Sức mạnh ấy kết hợp với truyền thống đoàn kết, anh dũng, kiên cường, nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam thì độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ sẽ được bảo vệ và mãi trường tồn.


MỚI - NÓNG