Quốc hội phê chuẩn Việt Nam gia nhập WTO

Quốc hội phê chuẩn Việt Nam gia nhập WTO
TPO - 15h45 chiều nay (28/11), Quốc hội đã biểu quyết phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới với sự nhất trí cao. Như vậy, Việt Nam đã hoàn tất  mọi thủ tục để chính thức là thành viên thứ 150 của WTO.

>> Tờ trình của Chính phủ về kết quả đàm phán gia nhập WTO

Trong buổi làm việc tại Quốc hội sáng nay, chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã trình bày trước Quốc hội Nghị định thư đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Tiếp đó Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển trình bày bản báo cáo kết quả đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam dày 17 trang cùng những cam kết đa phương của Việt Nam trong các lĩnh vực cùng những đánh giá tác động đối với Việt Nam khi gia nhập WTO.

Theo khẳng định của Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, phần lớn các cam kết đa phương là phù hợp với luật pháp và đường lối đổi mới của Việt Nam nên sẽ không gây ra tác động lớn. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, việc gia nhập WTO cũng đặt ra một số thách thức như: Môi trường kinh doanh sẽ trở nên cạnh tranh hơn, gây sức ép không nhỏ đối với nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đã quen với sự trợ giúp của Nhà nước.

Sẽ kiểm soát được việc mở cửa thị trường

Nhận xét về tác động của việc mở cửa thị trường dịch vụ, Bộ trưởng Thương mại cho rằng cam kết về dịch vụ của ta về cơ bản là tương đương với BTA và phù hợp với hiện trạng trong nước nên sẽ không gây ra tác động lớn. Những ngành phải chịu sức ép nhiều nhất có lẽ là kinh doanh chứng khoán, ngân hàng, phân phối và hỗ trợ vận tải biển.

“Chúng ta có một thời gian chuyển đổi để chuẩn bị và cũng có một số công cụ để kiểm soát. Nếu có sự chuẩn bị tốt và vận dụng linh hoạt các công cụ mà ta bảo lưu được trong Biểu cam kết dịch vụ thì tác động của việc mở cửa thị trường là có thể kiểm soát được”- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển khẳng định.

Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cũng khẳng định không có chuyện giảm thuế làm thất thu ngân sách như một số ý kiến. Theo Bộ trưởng, tổng thu từ thuế nhập khẩu hiện chỉ chiếm 9% tổng thu ngân sách trong khi kim ngạch nhập khẩu chịu ảnh hưởng của cắt giảm thuế chỉ chiếm 20% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng năm. Bên cạnh đó, việc cắt giảm lại theo lộ trình, bình quân khoảng 5 năm, nên ước tính phần này chỉ giảm trên dưới 2.000 tỷ/năm, tức chưa đầy 1% tổng thu ngân sách.

Theo Bộ trưởng Trương Đình Tuyển bộ văn kiện gia nhập WTO của  dày hơn 1.000 trang, riêng phần cam kết đa phương dày 204 trang với những cam kết về 30 nhóm vấn đề.

Tiếp phần báo cáo kết quả đàm phán gia nhập WTO, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Vũ Mão công bố báo cáo thẩm tra Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam. Ủy ban đối ngoại đánh giá những cam kết về chính sách chung của Việt Nam qua các cuộc đàm phán đa phương là phù hợp với đường lối, chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên cũng có một số điều cần phải quan tâm trong đó có việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Ủy ban đối ngoại khẳng định việc thực hiện những cam kết đòi hỏi các DNNN phải hoạt động theo tiêu chí thương mại, xóa bỏ các trợ cấp của Nhà nước sẽ là động lực thúc đẩy mạnh mẽ việc cổ phần hóa các DNNN.

Theo đánh giá của Ủy ban đối ngoại, đoàn đàm phán đã chưa thật linh hoạt trong đàm phán về thuế tiêu thụ nội địa. Điều này chứng minh bằng việc trong năm 2005 theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thuế giá trị gia tăng để phục vụ cho đàm phán gia nhập nhưng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia không được đề nghị sửa đổi. Chính vì vậy điều này đã gây trở ngại cho đàm phán đến phút cuối cùng và ta vẫn phải chấp nhận yêu cầu của các đối tác.

Về vấn đề trợ cấp phi nông nghiệp, Ủy ban đối ngoại cho rằng việc ta không phải cam kết gì về trợ cấp cho các DNNN cũng  là một thuận lợi so với một số nước có nền kinh tế chuyển đổi khác. Tuy nhiên, trong tương lai gần đề nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh cũng phải tính tới việc điều chỉnh dần chính sách trợ cấp để tiến tới loại bỏ hoàn toàn trợ cấp xuất khẩu đổi với hàng phi nông nghiệp, phi nông sản. 

Về hàng dệt may, Ủy ban đối ngoại đề nghị Chính phủ giải thích rõ về cơ chế áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt trong lĩnh vực dệt may cũng như phân tích rõ vai trò của Nhà nước và các doanh nghiệp dệt may phải chuẩn bị như thế nào để đối phó với tình hình này.

Ủy ban đối ngoại cũng nhất trí với Chính phủ về cam kết bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cam kết mở cửa thị trường hàng hóa. Tuy nhiên theo đánh giá của UB đối ngoại thì một số cam kết về mức thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xe tải nguyên chiếc là khá cao và lộ trình cắt giảm hơi dài trong khi mức thuế nhập khẩu phụ tùng xe tải lại thấp. Chính phủ cần xử lý mối quan hệ giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu cũng như nghiên cứu điều chỉnh mức và thời hạn bảo hộ nhằm tăng khả năng cạnh tranh cao hơn.

Kết thúc phần báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm UB Đối ngoại Vũ Mão cũng đề nghị Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới của Việt Nam; Cho phép áp dụng trực tiếp các cam kết như Chính phủ đã đề nghị và có kế hoạch sửa đổi bổ sung, bãi bỏ, ban hành mới những văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện những cam kết theo lộ trình gia nhập WTO.

Cạnh tranh quốc tế khốc liệt hơn, nguy cơ phá sản một bộ phận DN

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, tham gia WTO nước ta sẽ có nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, do Việt Nam là nước đang trong quá trình phát triển ở trình độ thấp, quản lý Nhà nước còn nhiều bất cập, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân còn nhỏ bé lên cũng đặt nước ta trước những thách thức rất lớn:

Cạnh tranh quốc tế khốc liệt hơn, nguy cơ phá sản một bộ phận DN, nguy cơ thất nghiệp, sự phân hóa giàu nghèo tăng lên nếu chúng ta không có chính sách chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế. Hội nhập kinh tế càng sâu rộng cũng đặt ra những thách thức trong việc bảo vệ môi trường, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa...

Bên cạnh đánh giá cao thành công của Việt Nam trong việc đạt được kết quả khi gia nhập WTO, các đại biểu cũng lưu ý một số vấn đề mà Việt Nam cần phải tính đến khi gia nhập tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh này.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) băn khoăn về sự yếu kém về hạ tầng cơ sở gây cản trở cho sự thu hút đầu tư và phát triển của xã hội. Sự non yếu của khu vực doanh nghiệp, nhất là khu vực tư nhân là điều mà vị Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam hết sức lo lắng.

“Sự non yếu của các doanh nghiệp bộc lộ rất rõ: Yếu về thực lực tài chính, non kém về kinh nghiệm kinh doanh, thiếu sự liên kết. Lực lượng doanh nghiệp tuy đông nhưng thiếu sức cạnh tranh, nhất là cạnh tranh trong lĩnh vực quốc tế. Sự chậm trễ trong cải cách hành chính cũng là vấn đề rất lớn đối với chúng ta khi hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Nếu không có biện pháp đẩy mạnh quá trình cải cách hành chính thì rất có thể chúng ta sẽ bị lỡ nhịp vì những cản trở từ bên trong này”- Ông Lộc nhấn mạnh.

Cùng chia sẻ với những lo lắng của ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Lê Thị Dung (An Giang) có ý kiến Chính phủ cần sớm đề ra cơ chế, chính sách an sinh xã hội và chính sách hỗ trợ đầu tư đối với những nhóm người sẽ bị thiệt thòi. Bà cũng lưu ý Chính phủ cần lưu ý cho DN, người dân biết được họ sẽ được gì, sẽ gặp thách thức gì khi chúng ta gia nhập WTO.

Chính phủ cũng cần điều chỉnh chính sách hỗ trợ nông nghiệp nông thôn và đảm bảo đời sống của nông dân trong quá trình thực hiện cam kết gia nhập WTO. Bà cũng đề nghị tăng mức trợ cấp trực tiếp cho nông nghiệp từ 8 – 10%.

“Việc tăng mức trợ cấp này là hoàn toàn cần thiết. Chúng ta hoàn toàn có khả năng tăng mức trợ cấp này vì nếu chúng ta quản lý tốt, phòng chống tốt và thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng lãng phí tốt thì sẽ có đủ nguồn kinh phí để thực hiện”- Bà Dung khẳng định.

Cùng chia sẻ ý kiến với bà Dung, đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang) cũng tỏ ra khá bức xúc khi cho rằng vai trò của nhân dân được đề cập quá ít trong việc tham gia hội nhập kinh tế toàn cầu.

“Chính nhân dân mới là người quyết định chúng ta hoạt động thành công hay không khi gia nhập WTO vì cuối cùng là sản phẩm. Nếu sản phẩm không thành công thì chúng ta sẽ thất bại. Ai là người quyết định thắng lợi của ngành thủy sản. Đó là ngư dân. Vậy chúng ta phải chăm lo cho đời sống ngư dân”- Ông Ngoạn nói.

Góp ý nhằm đưa hàng hóa vào các thị trường khó tính được dễ hơn, bà Dung cũng cho rằng cần ban hành hệ thống tiêu chuẩn và quản lý chất lượng hàng hóa an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó Chính phủ cần có báo cáo định kỳ về tổ chức thực hiện sự phát triển Nghị định thư gia nhập WTO.

“Việc báo cáo kịp thời theo định kỳ (khoảng 6 tháng/lần) sẽ giúp chúng ta chấn chỉnh chủ trương và có điều chỉnh phù hợp. Lịch sử các thành viên gia nhập WTO cũng cho thấy không phải nền kinh tế nào cũng tận dụng được cơ hội để phát triển. Gana và Hàn Quốc cùng vào WTO với mức thu nhập bình quân đầu người là như nhau nhưng Hàn Quốc đã tận dụng tốt lợi thế để phát triển trong khi Gana gặp rất nhiều khó khăn. Đây là bài học mà chúng cần phải rút kinh nghiệm”- Bà Dung nói.

Phát biểu kết thúc việc thông qua Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập WTO của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao việc các đại biểu Quốc hội đã thông qua Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới giúp hoàn tất những thủ tục pháp lý cuối cùng để Việt Nam chính thức là thành viên của tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh.

“Việc gia nhập WTO vừa có lợi ích lớn vừa có thách thức không nhỏ. Thành công nhiều hay ít phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực chủ quan  của chúng ta. Nếu chúng ta không tận dụng cơ hội vươn lên thì lợi ích thu được sẽ rất ít thậm chí có thể phải đối mặt với sự trừng phạt của các thành viên khác”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Phạm Tuyên ghi

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.