TPHCM triển khai cơ chế đặc thù:

Quý 2, xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh

TPHCM sẽ xem xét đề án huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng trong tháng 9 để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.
TPHCM sẽ xem xét đề án huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng trong tháng 9 để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.
TP - Liên quan đến Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù, phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết trong quý II, TPHCM sẽ triển khai xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh, Trung tâm mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược về kinh tế xã hội của thành phố, Trung tâm an toàn thông tin và Kho dữ liệu dùng chung, phát triển hệ sinh thái mở thuộc đề án đô thị thông minh.

Phát biểu khai mạc hội nghị thứ 16 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM (khóa X) vào ngày 17/4, Bí thư thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết hội nghị sơ kết 3 tháng đầu tiên thực hiện Nghị quyết 54 (NQ 54) của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Theo ông Nhân, đối với việc triển khai thực hiện NQ 54, bên cạnh việc khai thác tốt nhằm tăng nguồn lực tài chính thì cần vận dụng cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy nguồn lực con người gắn với sáng tạo. “Thời gian qua, TPHCM đã phát huy được nguồn lực này nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu”, ông Nhân nhận xét.

Bí thư Thành ủy TPHCM đánh giá NQ 54 đã được TPHCM triển khai rộng khắp với sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể, địa phương, các tầng lớp nhân dân.

“Với 21 đề án UBND TPHCM đã xây dựng, bước đầu, HĐND TPHCM đã thông qua 4 đề án liên quan đến cơ chế chính sách đặc thù và sẽ tiếp tục xem xét 6 đề án khác trong  tháng 7 và 7 đề án tiếp theo trong tháng 9 tới”, ông Nhân cho hay.

Liên quan đến NQ 54, theo ông Lê Thanh Liêm, với phương châm quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, UBND TPHCM và các sở ngành khẩn trương xây dựng kế hoạch, chủ động tổ chức nghiên cứu các nội dung, đề án được giao. Ngày 15/1/2018, khi NQ 54 của Quốc hội có hiệu lực, tất cả đề án đã hoàn chỉnh đề cương và kế hoạch nghiên cứu. HĐND TPHCM đã thông qua 6 nghị quyết liên quan.

6 nội dung, đề án trình tại kỳ họp HĐND TPHCM vào tháng 7 sẽ hoàn thành trước ngày 15/5, trong đó có Đề án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, giao quyền tự chủ, xã hội hóa ở một số lĩnh vực và Đề án mô hình cơ quan chuyên trách quản lý vốn doanh nghiệp Nhà nước tại TP (hoàn thành trong tháng 4/2018).

Đối với 7 nội dung, đề án dự kiến trình tại kỳ họp HĐND TPHCM bất thường tháng 9/2018 sẽ hoàn thành trước ngày 1/7, trong đó có Đề án phối hợp các bộ ngành Trung ương thực hiện rà soát việc sắp xếp lại và xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn thành phố; Đề án sắp xếp lại tổng thể tổ chức bộ máy của chính quyền (hoàn thành trong tháng 7 năm 2018); Báo cáo đề án huy động tổng thể các nguồn lực để phục vụ cho đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn giai đoạn 2018 - 2022; Nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh tăng mức thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số nhóm mặt hàng; Đề án chính sách thu hút tài năng đặc biệt.

Ông Lê Thanh Liêm cho biết, thời gian tới, TPHCM tiếp tục mời gọi các chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực theo các chính sách thu hút mới được HĐND TPHCM thông qua để nghiên cứu, đề xuất tranh thủ tối đa các cơ chế, chính sách mới, vượt trội hơn quy định pháp luật hiện nay và phù hợp với đặc thù của một đô thị đặc biệt mà NQ 54 cho phép để TPHCM có sự bứt phá trong quá trình phát triển.

Xác định có vi phạm là xử lý ngay

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết hội nghị sẽ nghe báo cáo chuyên đề nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Chuyên đề thực hiện yêu cầu của nghị quyết Trung ương, liên quan đến phát huy trách nhiệm của người đứng đầu; bố trí lại cán bộ đối với những người đứng đầu vi phạm quy định của đảng, nhà nước, có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức.

Theo ông Nhân, để kết luận một người tham nhũng rất khó vì theo quy định chỉ có tòa tuyên có tội hay không. Trong khi đó, thực tế những biểu hiện liên quan đến tham nhũng gắn với trách nhiệm người đứng đầu thì có thể kiểm tra, đánh giá. Qua đánh giá, nếu xác định có vi phạm thì cán bộ, đảng viên đó sẽ bị nhắc nhở hoặc sắp xếp lại vị trí công việc.

“Điều đó có nghĩa là không đợi đến lúc ra tòa mà khi có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức là sắp xếp, bố trí lại cán bộ”, ông Nhân khẳng định.

Khiển trách Chủ tịch quận 12 Lê Trương Hải Hiếu

Tại hội nghị, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM đã thông báo kết quả xem xét kỷ luật đối với ông Lê Trương Hải Hiếu, Thành ủy viên, Chủ tịch UBND quận 12. Theo đó, ông Hiếu đã vi phạm trong việc có quan hệ tình cảm với một phụ nữ và có con chung nhưng chậm báo cáo với tổ chức. Ban thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo các tổ chức đảng có thẩm quyền tại Đảng bộ quận 12 tổ chức kiểm điểm, xem xét, xử lý kỷ luật đối với ông Lê Trương Hải Hiếu.

Đối chiếu với các quy định của Đảng, xét tính chất mức độ nguyên nhân vi phạm, trách nhiệm đảng viên và thái độ khắc phục, sửa chữa sai phạm của đảng viên, Ban Thường vụ quận ủy quận 12 đã quyết định kỷ luật ông Lê Trương Hải Hiếu bằng hình thức khiển trách.

MỚI - NÓNG