Quy định để bảo vệ chính cơ quan báo chí

Quy định để bảo vệ chính cơ quan báo chí
TP - "Trì hoãn, cản trở hoạt động báo chí; tin, bài không viện dẫn nguồn; cơ quan báo chí soi mói, thông tin đời tư các ngôi sao nếu không được sự đồng ý của người đó... Những hành vi này tới đây sẽ bị phạt".

Ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra Báo chí và Xuất bản (Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông), trả lời báo Tiền Phong về những quy định mới tại Nghị định 02, vừa được Chính phủ ban hành.

phaït
Ông Ngô Huy Toàn

Cản trở nhà báo: Phạt cao nhất 30 triệu đồng

Thưa ông, theo Nghị định 02, hành vi cản trở bất hợp pháp hoạt động báo chí sẽ bị phạt tiền cao nhất tới 30 triệu đồng. Vậy trong trường hợp này, những hành vi như thế nào sẽ bị xử phạt?

Hành vi được coi là cản trở bất hợp pháp hoạt động của báo chí rất rộng. Đây là điều khoản có thể phải ra thông tư hướng dẫn. Hiện trong nghị định đã đưa ra một số hành vi mang tính điển hình như: Xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà báo khi đang hoạt động nghiệp vụ; cản trở nhà báo tác nghiệp đúng luật; thu giữ trái phép, cố tình huỷ hoại, làm hư hỏng phương tiện hành nghề của nhà báo; đe dọa, uy hiếp tính mạng của nhà báo…

Trong trường hợp này sẽ xử phạt ai, làm sao thu thập được chứng cứ, thưa ông?

Chẳng hạn, một đơn vị tổ chức sự kiện, nhưng khi nhà báo vào thu thập thông tin, chụp ảnh lại bị bảo vệ thu máy ảnh, không cho vào. Trường hợp này đơn vị tổ chức sẽ bị xử phạt. Còn chứng cứ, trong hoạt động thực tiễn, nó cũng muôn hình muôn vẻ. Thế nên, tùy từng trường hợp cụ thể, có thể yêu cầu lập biên bản (kể cả đơn vị vi phạm không ký thì mời nhân chứng ký).

Ngoài ra, nhà báo có thể chụp ảnh, quay video, ghi âm để làm chứng, sau đó gửi đơn cùng chứng cứ cho cơ quan thanh tra chuyên ngành báo chí-xuất bản. Vụ việc xảy ra ở đâu thì phản ánh đến cơ quan thanh tra chuyên ngành ở địa phương đó hoặc gửi cho Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông.

Từ chối cung cấp thông tin cho báo chí: Phạt

Nghị định lần này có quy định mức phạt cao nhất tới 3 triệu đồng đối với hành vi cản trở hoặc không cung cấp thông tin cho báo chí. Cụ thể là sao?

Trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của tổ chức, cá nhân đã được quy định trong Luật Báo chí. Tuy nhiên, lâu nay chưa có chế tài xử lý nên thực tế, khi các nhà báo bị cản trở hoặc từ chối cung cấp thông tin, dù nhà báo có đề nghị hợp pháp, song cũng không bị xử lý. Lần này, hành vi đó đã có chế tài xử lý.

Hành vi nào bị coi là cản trở hoặc không cung cấp thông tin và sẽ bị xử phạt, thưa ông?

Không cung cấp thông tin thì rõ rồi. Ví dụ, khi cơ quan báo chí phát hiện một loại thực phẩm chất lượng kém, làm chết người, yêu cầu Bộ quản lý chuyên ngành trả lời nhưng bộ này từ chối. Hay như khi nảy sinh vấn đề gây bức xúc trong dư luận, cơ quan báo chí yêu cầu cơ quan A, B phải trả lời, tuy họ không từ chối cung cấp thông tin nhưng họ kiếm cớ trì hoãn việc cung cấp thông tin, cũng bị coi là cản trở cung cấp thông tin và sẽ bị xử phạt.

Cẩn trọng khi đụng đến đời tư

Thưa ông, theo Nghị định 02, khi báo chí tiết lộ đời tư mà chưa được sự đồng ý của người đó hoặc thân nhân người đó (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác) cũng sẽ bị xử phạt?

Cái này lâu nay báo chí hơi lạm dụng. Ví dụ, có khi người chồng phạm tội, lập tức đời tư người vợ, người thân trong gia đình cũng bị nêu trên báo; hay chuyện báo chí soi mói quá nhiều đời tư các sao... Những trường hợp này tới đây, nếu thông tin đời tư mà không được sự đồng ý của người đó đều bị xử phạt.

Lâu nay, báo chí thường xuyên thông tin đời tư các sao, đăng hình ảnh của họ. Vậy những thông tin nào bị coi là vi phạm?

Với những đối tượng là các nhà chức trách, hoặc người của công chúng, theo tôi, khi họ tham gia các hoạt động biểu diễn hoặc đăng đàn công khai thì báo chí có quyền được thông tin, đăng hình ảnh hoạt động chính thức của họ. Nhưng khi anh theo dõi đời tư người ta, ví dụ như quay clip, chụp hình ảnh riêng tư của họ, đưa những chuyện riêng không liên quan gì đến công việc của họ, nếu không được phép của họ sẽ bị coi là vi phạm.

Buộc phải dẫn nguồn tin

Về các quy định liên quan đến nguồn tin, tên tác giả ở các bài viết, theo ông Toàn, cơ quan thanh tra chỉ xử phạt (cao nhất tới 3 triệu đồng) khi các bản tin dẫn nguồn không rõ ràng (theo cơ quan chức năng) hoặc không dẫn nguồn tin. Việc dẫn nguồn tin riêng cũng được chấp nhận.

"Quy định như vậy là để bảo vệ chính cơ quan báo chí, chứ không phải cơ quan chức năng siết chặt hoạt động báo chí như một số người nhận định", ông Toàn nói.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 25-2-2011 

Bá Kiên - Phạm Anh

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG