Quy định rõ trách nhiệm trong giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ

Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận nguyên là các lãnh đạo của PVC bị khởi tố.
Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận nguyên là các lãnh đạo của PVC bị khởi tố.
TP - Theo ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, lâu nay khi xảy ra các sai phạm trong công tác bổ nhiệm thì các cá nhân thường tìm cách đổ vấy trách nhiệm cho tập thể. Nhưng với quy định mới mà Bộ Chính trị vừa ban hành thì thẩm quyền và trách nhiệm của từng khâu, từ tham mưu, đề xuất đều rõ ràng, minh bạch hơn.

Bộ Chính trị vừa ban hành quy định 105 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, trong đó nêu rõ, cá nhân, tập thể quyết định về cán bộ theo thẩm quyền phải chịu trách nhiệm về đề xuất, tham mưu, thẩm định, quyết định của mình?

Quy định như thế là phù hợp. Như thế sẽ ngăn chặn được tình trạng nể nang, né tránh, “dĩ hòa vi quý” khi xem xét các vấn đề về nhân sự. Trong nguyên tắc tập trung dân chủ cũng nói tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Nhưng bấy lâu nay khi xảy ra các vụ việc thì thường tìm cách đổ vấy cho tập thể theo kiểu “thường vụ quyết định rồi, không bàn nữa”. Nhưng giờ với quy định trên thì sẽ không còn kiểu trách nhiệm chung chung nữa mà sẽ rõ trách nhiệm của từng khâu, ví như ai trình ra thường vụ, ai đề xuất, ai kết luận, ai ký ban hành kết luận về công tác cán bộ thì những nơi đó sẽ phải chịu trách nhiệm… Căn cứ vào đó để truy trách nhiệm của từng khâu, từng cá nhân.

Thực tế, những vụ việc mà vừa qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận như ở Thanh Hóa, Quảng Nam cho thấy công tác cán bộ đang có nhiều lỗ hổng. Cũng vì những lỗ hổng như thế mới có chuyện bổ nhiệm “thần tốc”, ưu ái, vun vén cho người này, người kia. Hay như như vụ Trịnh Xuân Thanh, dù có vi phạm, khuyết điểm, kỷ luật nhưng vẫn leo cao, được luân chuyển làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang… Do đó, việc ban hành các quy định một cách chặt chẽ, rõ ràng về thẩm quyền và trách nhiệm như thế này sẽ chấn chỉnh, ngăn chặn được tình trạng sai phạm như vừa qua.

Nhiều ý kiến cho rằng, để xảy ra những vụ việc tiêu cực như ở PVN, Đà Nẵng, Thanh Hóa mà dư luận đang phản ánh cũng… đều bắt nguồn từ công tác cán bộ mà ra?

Đúng là như thế. Bây giờ phải chấn chỉnh lại công tác cán bộ. Nếu ai không thấy đủ tiêu chuẩn, tiêu chí thì nên thay ngay. Ngược lại những ai thấy mình không còn xứng đáng nữa thì cũng nên xin rút khỏi nhiệm vụ. Còn 3 năm nữa đến Đại hội Đảng lần thứ 13 nhưng tôi cho rằng, ngay từ bây giờ Đảng cần phải chấn chỉnh mạnh mẽ những vi phạm trong công tác cán bộ. Các cơ quan của Đảng phải chỉ ra rõ ràng hơn nữa các địa chỉ tiêu cực và xử lý nghiêm minh, không để “lọt lưới” những người có biểu hiện vi phạm, suy thoái leo cao vào bộ máy.

Vấn đề thứ hai là qua những vụ việc xảy ra ở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và các địa phương khác thì câu hỏi đặt ra là tổ chức Đảng ở đây đã làm gì mà không phát hiện ra các vi phạm. Để rồi rất nhiều lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí vướng vòng lao lý. Cái này cũng cần rút ra bài học kinh nghiệm.

Quy định rõ trách nhiệm trong giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ ảnh 1 Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Một trong những vụ việc mà dư luận đang rất quan tâm là vụ việc ông Vũ “nhôm” (Đà Nẵng). Nhiều người cũng đang đặt vấn đề là vì sao ông này lại nhận được nhiều “ưu ái” trong việc mua bán chuyển nhượng đất đai, tài sản đến vậy?

Theo phản ánh của báo chí thì toàn bộ những lô đất có giá trị đều “rơi” vào tay Vũ “nhôm” với giá rẻ. Sau đó ông này đem bán lại cho các trường hợp khác với giá cao gấp nhiều lần so với trước. Như thế ở đây, có sự ưu ái, có chống lưng không. Còn ưu ái thế nào, ra sao thì tới đây cần phải tiếp tục làm rõ và công khai cho dư luận biết.

Ông cha ta vẫn nói là “há miệng mắc quai”. Nếu lãnh đạo quản lý mà “bắt tay” với nhóm lợi ích hoặc bị nhóm lợi ích chi phối thì khi đó các quyết định của họ sẽ không còn bảo đảm được sự công minh, trong sáng.

Một vấn đề khác cũng được dư luận đặt ra là tại sao ông Vũ “nhôm” lại bỏ trốn được? Chúng ta đã từng có bài học của Trịnh Xuân Thanh, Dương Chí Dũng rồi mà sao vẫn còn để xảy ra điều trên cho nên tất cả những vấn đề đã làm được mới chỉ là bước đầu cần phải tiếp tục làm thêm nữa.

Cán bộ bị kỷ luật từ khiển trách trở lên thì không được quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức vụ cao hơn trong thời gian ít nhất một năm kể từ khi có quyết định kỷ luật. Đảng viên bị kỷ luật cách chức trong vòng một năm kể từ ngày có quyết định, không được bầu vào cấp ủy, không chỉ định, bổ nhiệm vào các chức danh tương đương và cao hơn. Cán bộ đang trong thời gian xem xét kỷ luật thì chưa đưa vào quy hoạch; chưa xem xét bổ nhiệm, hoặc giới thiệu ứng cử chức vụ cao hơn. (Nguồn: quy định 105 của Bộ Chính trị).

Cá nhân, tập thể đề xuất; cơ quan tham mưu; cơ quan thẩm định; tập thể quyết định về cán bộ theo thẩm quyền phải chịu trách nhiệm về đề xuất, tham mưu, thẩm định, quyết định của mình…Quy định chỉ rõ, cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm trực tiếp quản lý và sử dụng cán bộ đang công tác, sinh hoạt trong tổ chức mình (kể cả các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng) theo các nội dung quản lý cán bộ trong phạm vi được phân cấp và chịu trách nhiệm trước cấp ủy, thủ trưởng cấp trên về cán bộ thuộc quyền quản lý, sử dụng của mình.(Nguồn: quy định 105 của Bộ Chính trị).

MỚI - NÓNG