Xung đột công nông nghiệp ở nông thôn:

Quy hoạch chưa theo kịp thực tiễn

TP - Trên số báo ra ngày 17/7, Tiền Phong có chuyên đề: “Công và nông nghiệp ở nông thôn: Giằng xé và xung đột” nêu những bất cập trong phát triển các làng nghề hiện nay. Trao đổi với Tiền Phong, GS. Đặng Hùng Võ (ảnh), nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng việc người dân thiếu mặt bằng sản xuất phải xây dựng trên đất nông nghiệp là một thực tế, đòi hỏi phải thay đổi quy hoạch cho phù hợp.  

Ông đánh giá như thế nào về xung đột công nông nghiệp tại nông thôn hiện nay, thể hiện ở việc người dân xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp? 

Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn khác, tốc độ đô thị hóa rất nhanh, kéo theo việc các xưởng sản xuất phát triển mạnh ở ngoại thành. Ở những nơi này, do canh tác nông nghiệp mang lại thu nhập thấp, trong khi làm những mặt hàng tiểu thủ công nghiệp hoặc công nghiệp có hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần nên việc nhiều hộ dân mở ra các xưởng sản xuất là hệ quả tất yếu.

Quy hoạch chưa theo kịp thực tiễn ảnh 1 GS. Đặng Hùng Võ


Người dân cần làm nhà xưởng mà thiếu mặt bằng, trong khi đồng ruộng lại bỏ hoang dễ dẫn đến việc họ xây dựng trên đất nông nghiệp. Việc làm này, trước hết là vi phạm pháp luật khiến nhà nước không thu được tiền thuế, quy hoạch bị phá vỡ. Trong khi đó, do tâm lý bất an, nên các chủ nhà xưởng thường không dám xây dựng kiên cố, bởi phải tính chuyện nếu chính quyền cương quyết tháo dỡ thì sao? Hệ lụy của tình trạng này là tạo ra sản xuất tạm bợ, tạm thời, gây ô nhiễm môi trường, an toàn lao động không bảo đảm…

Thực tế đó đang đòi hỏi lượng đất phi nông nghiệp nhiều hơn quy hoạch hiện nay?

 Sản xuất mặt hàng công nghiệp phải có chỗ làm kho tàng và dịch vụ hỗ trợ nên cần mặt bằng rất lớn. Nếu cứ phá dỡ, cấm đoán việc xây dựng nhà xưởng thì người dân không sản xuất được, còn các cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn để xử lý. Trước thực tế đòi hỏi lượng đất phi nông nghiệp nhiều hơn quy hoạch hiện nay, nhiều địa phương hiện đang rất lúng túng, chưa biết xử lý sao cho thật hiệu quả.

Sở dĩ có tình trạng trên là do quy hoạch chưa theo kịp thực tiễn, thưa ông?

Đúng vậy. Giải pháp cho vấn đề này là cần đánh giá lại thực tiễn để điều chỉnh quy hoạch sao cho phù hợp với cuộc sống. Tuy nhiên, khi điều chỉnh quy hoạch cũng cần chú ý, tránh trường hợp lợi dụng biến đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp để trục lợi. Bởi khi nắm rõ được nhu cầu thực để phát triển sản xuất, rồi quy hoạch sát với thực tế thì mọi việc sẽ trong tầm kiểm soát. Như vậy, nhà nước sẽ có thêm nguồn thu, doanh nghiệp phát triển ổn định, sản xuất bền vững… Bên cạnh đó, khi quy hoạch đã khả thi, đối với trường hợp vi phạm, lợi dụng quy hoạch sẽ bị lật tẩy và xử lý dứt khoát. Như thế, sẽ không lẫn lộn trường hợp do thiếu đất sản xuất thật mà buộc phải làm sai với trường hợp lợi dụng việc này để trục lợi.

Khi tiến hành lập quy hoạch, có cần lấy ý kiến của cộng đồng dân cư tại địa phương không, thưa ông?

Theo kinh nghiệm của các nước phát triển, việc quy hoạch phải có ý kiến của cộng đồng dân cư, xem dân đang muốn gì để sử dụng đất làm sao có hiệu quả. Các nước vẫn coi quy hoạch là một bản khế ước xã hội giữa chính quyền và cộng đồng dân cư. Từ đó, lựa chọn nguyện vọng thực của người dân để đưa vào quy hoạch, còn điều không đúng thực tế sẽ bị gạt ra. Trong khi đó, ở ta thì nhiều khi thuê một tư vấn, vẽ xanh đỏ lên và thuyết minh bản quy hoạch rất hay nhưng chưa sát với thực tế. Việc quy định lấy ý kiến hiện nay gần như chỉ là làm phép, chứ không phải ý kiến thật để xem cư dân đang muốn gì trên phần đất tại địa phương mình. Hay nói cách khác, lấy ý kiến được đề cập trong luật, nhưng triển khai thực tế thì chưa tốt. Đây chính là vấn đề tồn tại của quy hoạch hiện nay.

Cảm ơn ông! 

MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.