Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Quy hoạch để báo chí làm tốt hơn vai trò của mình

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng quà cho các đại biểu. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng quà cho các đại biểu. Ảnh: TTXVN
TP - Chiều 19/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có buổi gặp mặt lãnh đạo các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2015). Đạo đức nghề nghiệp và vấn đề quy hoạch báo chí được quan tâm nhiều nhất tại buổi gặp mặt.

Sớm triển khai Đề án quy hoạch báo chí

Là người đầu tiên nêu ý kiến, nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư, cho rằng, yếu tố kinh tế thị trường đang là một cạm bẫy rất lớn đối với những người làm báo hiện nay. Bên cạnh đó, báo chí đang phải sống chung với thế giới mạng ẩn danh với những tin đồn xấu tốt, thật giả lẫn lộn. Nhà báo Hữu Thọ cũng phản ánh tình trạng “làm báo sau laptop”, ngồi một chỗ sao chép được tất cả thông tin, khiến phóng viên lười và không cần đi thực tế. Rồi còn thực trạng làm báo a dua, “đánh hội đồng”, ủng hộ cái này, phản đối cái kia… tạo ra một luồng dư luận “khó đỡ”. 

“Có 3 thế lực đang chi phối đất nước, thế lực chính trị, thế lực tài chính và thế lực truyền thông, trong đó 2 thế lực kia luôn tìm cách gây ảnh hưởng lên thế lực truyền thông làm mất đi cái tâm, sự trong sáng và con đường đúng đắn của nó. Ngòi bút người làm báo phải phò chính, trừ tà, thấy việc làm đúng đắn tốt đẹp phải hết lòng ủng hộ, thấy việc ác độc bất nhân phải cực lực phê phán”, nhà báo Hữu Thọ nói.

Đề cập cơ chế cung cấp, trao đổi thông tin, nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong, kiến nghị cần phải nhanh hơn nữa. Nếu để mạng xã hội, hay truyền thông nước ngoài đưa thông tin trước, sau đó báo chí chính thống chạy theo thì sẽ bị rơi vào thế bị động. “Một thông tin chỉ sống được vài giờ, cùng lắm cũng chỉ một ngày mà chúng ta phải mất vài ngày để xác định thông tin thì sẽ không còn là thông tin nữa”, nhà báo Lê Xuân Sơn nói. Tổng Biên tập báo Tiền Phong đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành lưu tâm đến cơ chế phát ngôn, cởi mở hơn nữa trong việc cung cấp thông tin cho báo chí.

Một vấn đề khác được nhiều cơ quan báo chí quan tâm hiện nay là Đề án quy hoạch báo chí. Nhà báo Lê Xuân Sơn đề nghị cân nhắc, nếu loại bỏ nhiều cơ quan báo chí sẽ ảnh hưởng đến quyền được tiếp cận thông tin của người dân. Nếu cơ quan báo chí nào mạnh, có đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước thì có lý do để tồn tại, mặc dù thuộc một cơ quan chủ quản cùng với một vài tờ báo khác. Nhà báo Phạm Văn Huấn, Tổng Biên tập báo Quân đội Nhân dân, bày tỏ mong muốn đề án này sớm được thực hiện. 

“Tâm sáng, lòng trong, bút sắc. Đó là sự bất biến của cái nghề cao quý mà chúng tôi đã lựa chọn. Dù thời đại nào, dù khoa học công nghệ có tiến bộ tới đâu thì những người làm báo trẻ như chúng tôi cũng luôn tâm niệm điều ấy. Mong các vị lãnh đạo, nhà quản lý tiếp tục tạo điều kiện để chúng tôi có được môi trường làm báo thuận lợi với những chính sách thông thoáng, cởi mở, được cụ thể hóa bởi quy hoạch báo chí, hay bởi Luật Báo chí sửa đổi tới đây”, nhà báo Đà Trang, báo Tuổi Trẻ TPHCM, nói.

Đi tìm câu trả lời từ thực tiễn cuộc sống

Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao vai trò của báo chí. Thủ tướng khẳng định, trong 90 năm qua, dù đất nước đứng trước nhiều giai đoạn, nhiều bước ngoặt lịch sử, nhưng báo chí luôn trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta qua các giai đoạn, thời kỳ. Báo chí luôn năng động, sáng tạo, không ngừng phấn đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, đóng góp to lớn vào thành tựu chung của đất nước…

Thủ tướng mong muốn người làm báo đề cao trách nhiệm của mình với xã hội, với đất nước, tự mình rèn luyện, phấn đấu để nâng cao đạo đức nghề nghiệp. Thủ tướng cũng đề nghị phải đề cao trách nhiệm của các cơ quan chủ quản, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Liên quan cơ chế cung cấp thông tin cho báo chí, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, phiên họp Chính phủ nào cũng đề nghị các bộ, ngành phải chủ động cung cấp thông tin nhanh nhạy, kịp thời và chính xác cho các cơ quan báo chí. “Nếu không cung cấp thông tin kịp thời sẽ gay go, sai sót của báo chí cũng do chậm cung cấp thông tin. Nếu ta không đưa tin thì người khác cũng đưa, mà người khác đưa rồi, lúc đó nói lại cũng rất khó”, Thủ tướng đánh giá.

Đề cập Đề án quy hoạch báo chí Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, mục đích của đề án này làm sao để báo chí làm tốt hơn chức năng nhiệm vụ, vai trò của mình, để phát triển nhanh mà vững chắc hơn. Thủ tướng cho biết, tới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ làm việc với từng cơ quan, lắng nghe đề xuất sắp xếp thế nào, nội dung, yêu cầu, giải pháp lộ trình ra sao… để tổng hợp. Trên cơ sở đó, Thủ tướng sẽ phê duyệt, để tạo ra sự đồng thuận cao, trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Thủ tướng mong muốn việc sửa đổi Luật Báo chí, hay đề án quy hoạch báo chí tới đây “sẽ tìm ra được câu trả lời từ thực tiễn”. “Chúng ta có khoảng 18 nghìn phóng viên, 35 nghìn người làm trong lĩnh vực báo chí. Không thể quy hoạch mà đẩy họ ra đường, không có việc làm”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.