Tân bộ trưởng bộ thông tin - truyền thông Lê Doãn Hợp:

Quy hoạch, hình thành những tập đoàn báo chí mạnh

Quy hoạch, hình thành những tập đoàn báo chí mạnh
TP - Dự kiến, Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ có 31 nhiệm vụ, quản lý 6 mảng vấn đề lớn, gồm: báo chí, xuất bản, phát hành, in ấn, bưu chính, viễn thông.
Quy hoạch, hình thành những tập đoàn báo chí mạnh ảnh 1

Tân bộ trưởng bộ thông tin - truyền thông Lê Doãn Hợp

"Tôi nghĩ đây là một trong những Bộ chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó có những lĩnh vực mang tính thời đại gắn với sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế của đất nước”.

Tân Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Lê Doãn Hợp đã trao đổi với báo giới như trên, trong giờ giải lao của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XII, diễn ra sáng qua (3/8).

Làm tốt 10 chữ...

Thưa Bộ trưởng, ông đã có những ý tưởng nào trên cương vị mới?

Tôi nghĩ mình phải suy nghĩ rất kỹ để xác định trọng tâm, trọng điểm của lĩnh vực này. Về tổng thể, ngành thông tin, truyền thông phải làm tốt 10 chữ: Đoàn kết, trí tuệ, đổi mới, hội nhập, phát triển.

Riêng về góc độ thông tin, phải làm tốt 10 chữ: Trung thực, dũng cảm, thận trọng, nhanh nhạy, hướng thiện.

Tương tự như vậy, mảng truyền thông cũng phải hướng đến làm tốt 10 chữ: Cơ chế, chính sách, công nghệ, cốt cán, cơ sở.

Tóm lại, Thông tin và Truyền thông là ngành dịch vụ cho toàn xã hội, phải làm sao để ngành vươn lên, vừa đáp ứng và phục vụ yêu cầu của xã hội, lại vừa kinh doanh và cũng là cung cấp thông tin, hiểu biết cho toàn dân.

Cụ thể hoá tất cả những vấn đề của thời đại để cuộc sống thích ứng, đồng thời tiếp cận những cái mới để góp phần đưa đất nước tiến cùng thời đại như lời hứa của Thủ tướng trước Quốc hội, cũng là trước nhân dân.

Theo Bộ trưởng, cần làm gì để xây dựng tốt bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực? 

Để xây dựng bộ đa ngành, phải làm việc rất quyết liệt mà trước hết là hoàn chỉnh cơ chế.

Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng phải làm tốt việc phân cấp, cấp trên chỉ làm những việc mà cấp dưới không làm được. Việc tăng thẩm quyền là tăng tính chủ động cho cấp dưới, đồng thời phân cấp cũng là để đẩy nhanh tiến độ công việc.

Hiện trên nhiều bình diện, việc triển khai công việc còn chậm. Phân cấp cũng nhằm giảm tiêu cực, trước đây công việc phải đi hai “cửa”, nay giảm xuống chỉ đi một “cửa”, trước đây công việc phải đi qua hai người, nay chỉ một người.

Vì thế, tôi cho rằng nhiệm vụ quan trọng khi nhận chức vụ Bộ trưởng của một bộ đa ngành là phải bàn lại vấn đề phân cấp, phân công.

“Hai rõ, một cao”

Theo cơ cấu tổ chức Chính phủ mới, mảng báo chí và xuất bản của Bộ Văn hoá - Thông tin trước đây sẽ được chuyển sang Bộ Thông tin -Truyền thông, thưa Bộ trưởng?

Mảng báo chí, xuất bản, phát hành, in ấn và cả thông tin cơ sở, nói chung là toàn bộ mảng thông tin của Bộ Văn hoá - Thông tin được chuyển sang Bộ Thông tin - Truyền thông.

Vấn đề không chỉ chuyển chức năng mà chúng ta tổ chức lại bộ máy và hoàn chỉnh lại cơ chế quản lý.

Từ nay đến cuối năm, tôi sẽ dồn sức hoàn chỉnh tất cả các quy chế quản lý, để khi Bộ Thông tin - Truyền thông thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, sẽ có hành lang rộng hơn, thoáng hơn, nhưng trách nhiệm cá nhân cũng cao hơn.

Tôi thường nói cuộc phấn đấu của chúng ta là phấn đấu “hai rõ để có một cao”. Đó là rõ trách nhiệm, rõ lợi ích, để có đỉnh cao sáng tạo. Có như thế, chúng ta mới có sự bứt phá nhanh hơn trong thời đại thông tin, đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước.

Xin Bộ trưởng cho biết quản lý nhà nước về báo chí tới đây sẽ được thực hiện như thế nào?

Về mặt báo chí, chúng tôi sẽ tập trung thực hiện 5 giải pháp lớn. Thứ nhất, hoàn chỉnh các giải pháp mang tính cơ bản. Theo đó, có 3 việc lớn phải làm:

Sửa đổi một số quy định của Luật Báo chí; Quy hoạch lại báo chí, hình thành những tập đoàn báo chí mạnh với nhiều loại hình báo chí, chứ không rải ra nhiều loại hình mà không có đầu mối chung; Và đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ từ cấp tổng biên tập cho đến phóng viên.

Thứ hai, hoàn chỉnh các quy chế quản lý, để mỗi người trên mỗi cương vị đều quản lý đúng trách nhiệm của mình.

Đơn cử như: Quy chế trách nhiệm của Tổng biên tập, nếu không nêu cao trách nhiệm quản lý của Tổng biên tập thì Cục Báo chí có đông bao nhiêu cũng không làm được; Quy chế quản lý các phóng viên thường trú; Quy chế cộng tác viên; Quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm các tổng biên tập; Quy chế quản lý tài chính...

Thứ ba, kiện toàn các cơ quan làm nhiệm vụ quản lý nhà nước, gọn nhẹ nhưng phải có chuyên môn sâu, có bản lĩnh và chịu trách nhiệm quản lý.

Thứ tư, phân cấp đầy đủ, gẫy gọn chức năng quản lý cấp trên, bao gồm 3 cơ quan quan trọng nhất. Đó là Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Thông tin - Truyền thông và cơ quan chủ quản. Trong đó, làm rõ trách nhiệm của mỗi cơ quan;

Thứ năm, tăng cường hội nhập với thế giới trên lĩnh vực báo chí...

Như vậy, tới đây sẽ có nhiều quy chế quản lý liên quan đến báo chí được ban hành?

Ban hành các quy chế quản lý báo chí chính là để chúng ta tự do hơn. Lâu nay chúng ta quản lý theo mệnh lệnh. Chúng ta hoàn toàn có tự do nếu đi đúng lề đường bên phải và chúng tôi cố gắng làm sao để các nhà báo đi vào lề đường đó.

Tới đây, khi tổng biên tập làm tốt trách nhiệm, tôi đang suy nghĩ có thể tôn vinh các tổng biên tập. Danh hiệu và cách thức tôn vinh chúng tôi đang bàn, nhưng sẽ được làm hằng năm.

Việc này sẽ góp phần có nhiều hơn các tổng biên tập giỏi và để các tờ báo phát triển tốt hơn.

Cảm ơn Bộ trưởng!

MỚI - NÓNG