Bộ NN&PTNT làm việc với TP Hà Nội:

Quy hoạch rừng Sóc Sơn gắn với sinh thái, du lịch, nghỉ dưỡng

Quy hoạch rừng Sóc Sơn gắn với sinh thái, du lịch, nghỉ dưỡng
TP - Theo Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu nên quy hoạch rừng Sóc Sơn thành vườn rừng-lâm viên để rừng phát huy hiệu quả, rừng gắn bó với người dân Thủ đô hơn.
Quy hoạch rừng Sóc Sơn gắn với sinh thái, du lịch, nghỉ dưỡng ảnh 1
Ngoài đê sông Hồng là 18 vạn dân đang sinh sống

Trong buổi làm việc sáng 11/10, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và lãnh đạo Thành ủy, UBNDTP Hà Nội đã bàn thảo một số vấn đề về phát triển nông nghiệp-nông thôn của Thủ đô. Tại cuộc họp, có 2 vấn đề quan trọng được đặt ra: Quy hoạch, quản lý rừng Sóc Sơn; và Quy hoạch tuyến thoát lũ sông Hồng - đoạn qua thành phố.

Quy hoạch rừng thành vườn bách thảo

“Phải quan tâm đến người làm rừng vốn rất nghèo khó. Làm cho người dân yêu rừng, gắn bó với rừng thì mới bảo vệ được rừng, rừng mới phát triển xanh tươi” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nêu vấn đề.

Theo Bí thư Thành ủy, rừng Sóc Sơn là vốn quý của Hà Nội, cần được quản lý, sử dụng hợp lý để rừng phát huy hiệu quả. Dù quy hoạch thế nào cũng phải có quy định rõ ràng về cơ chế quản lý, chính sách cho người dân gắn bó lâu năm với rừng.

Vì ở đây dân có trước rừng, dân là người trồng ra rừng! “Khai thác rừng Sóc Sơn- theo tôi hiểu - là khai thác lợi ích du lịch, sinh thái, môi trường do rừng mang lại, không phải là chặt phá rừng lấy gỗ” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu nói: “Nên quy hoạch rừng thành vườn rừng-lâm viên để rừng phát huy hiệu quả, rừng gắn bó với người dân Thủ đô hơn”.

Mặc dù có hơn 4.500 ha rừng, nhưng Hà Nội vẫn chưa có công viên rừng xứng tầm để phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái của nhân dân.

Vừa qua, thành phố đã có báo cáo về hiện trạng, định hướng quy hoạch và đang chờ thỏa thuận của Bộ NN&PTNT về việc quy hoạch lại rừng Sóc Sơn.

Còn theo báo cáo mới nhất của Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), diện tích rừng Hà Nội có giới hạn khống chế khoảng 5.112 ha, với 3.600ha rừng phòng hộ, 1.512 ha rừng sản xuất.

Tháng 9/2006, Bộ đã có Chỉ thị số 86/2006/CT-BNN về quản lý việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Chỉ thị yêu cầu, đình chỉ ngay những trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp (đất rừng) sang mục đích khác.

Tuy nhiên, Bộ đã đồng ý với đề xuất của thành phố là, có thể quy hoạch rừng Sóc Sơn thành một loại là rừng phòng hộ bảo vệ môi trường. Những diện tích đất lâm nghiệp đã trồng cây ăn quả, chè, không có cây rừng (có thể phát triển thành rừng), nên xem xét chuyển mục đích sử dụng thành đất sản xuất nông nghiệp, nếu không còn khả năng chuyển lại thành đất lâm nghiệp.

Hiện rừng Sóc Sơn có hơn 3.000 hộ dân sinh sống, họ là người gắn bó với đất rừng và đã trồng hàng ngàn ha rừng trong vòng hai chục năm qua. “Người dân làm ra rừng, nhưng cuộc sống rất khó khăn, ngoài tiền hỗ trợ trồng rừng từ các dự án trước đây, họ chưa được hưởng lợi từ rừng trồng”- Ông Trần Đức Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn nói.

“Bản chất rừng Sóc Sơn là rừng phòng hộ, vừa có thể khai thác, vừa kết hợp mục đích nông-lâm nghiệp. Trăn trở của Thành phố là phát huy hiệu quả rừng, giúp người dân đỡ cơ cực”-Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Quý Đôn nói.

Căn cứ hiện trạng, mục tiêu phát triển, Thành phố đề xuất Bộ NN&PTNT thống nhất quy hoạch rừng Sóc Sơn thành rừng phòng hộ, với mục tiêu bảo vệ môi trường-sinh thái, gắn với khai thác lợi thế du lịch-nghỉ dưỡng, nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng.

Về chủ trương trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đánh giá, tuy diện tích nhỏ nhưng rừng Sóc Sơn rất có ý nghĩa với Hà Nội, đặc biệt là môi trường sinh thái. Nên quy hoạch lại rừng để khai thác được khía cạnh du lịch-sinh thái hơn là sản xuất lâm sản.

Nếu là rừng phòng hộ, có thể để lại diện tích làm đường, người dân được khai thác rừng, xây dựng công trình kiến trúc, du lịch theo quy hoạch. “Với quy hoạch này, rừng được bảo vệ tốt nhất, về lâu dài, rừng chính là một lâm viên, một vườn bách thảo lớn của Thủ đô”- Ông Phát gợi ý.

Ổn định cuộc sống cho dân vùng thoát lũ

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, vùng thoát lũ ngoài đê sông Hồng (từ chân Cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì) có hơn 18 vạn dân sinh sống, hơn 2,5 vạn ngôi nhà, công trình công cộng. Hàng năm có thêm hàng trăm công trình xây mới vi phạm (có người còn làm cả biệt thự), nhưng không xử lý được. “Nếu không sớm có chính sách thì vỡ chợ”- Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu nói.

Theo ông Triệu, chính quyền đúng là có chỗ chưa nghiêm, nhưng dân khó khăn quá thì dân phải làm. Thực tế, đất đai của dân cơ bản là hợp pháp. Dân ở ngoài đê từ trước khi có Pháp lệnh Đê điều.

“Vì vậy, bên cạnh việc giải quyết vùng  thoát lũ trên bờ, Bộ nên chú ý tới việc khơi thông dòng chảy  để thoát lũ”- Ông Lê Quý Đôn kiến nghị. Ngoài ra, phải xác định rõ ràng tuyến thoát lũ. Có như vậy mới xây dựng được quy hoạch sử dụng đất và ổn định được cuộc sống cho người dân.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, thoát lũ sông Hồng là vấn đề Bộ rất quan tâm. Những vướng mắc của Hà Nội liên quan đến vùng thoát lũ sẽ được giải quyết sau khi Luật Đê điều được Quốc hội thông qua. Luật này sẽ được thực hiện ngay vì quy định rất cụ thể.

Ông Phát cho biết, về nguyên tắc, ngoài bãi sông vẫn có thể xây dựng công trình, nhưng phải theo đúng 3 loại quy hoạch: Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch thoát lũ; và quy hoạch xây dựng.

Tuy nhiên, công trình nằm trong phạm vi thoát lũ, bảo vệ đê  thì phải di dời (trường hợp chưa di dời thì chỉ được sửa chữa theo nguyên trạng). Liên quan đến dự án kè thí điểm bờ sông Hồng, ông Phát cho biết, kè phải phù hợp quy hoạch, không ảnh hưởng đến dòng chảy.

Kết quả điều tra rừng Sóc Sơn năm 2005: Tổng diện tích đất đồi gò là 5.817 ha, trong đó đất lâm nghiệp hơn 4.500 ha (rừng: 4.360ha, vườn ươm: 5,5ha, 191 ha không có rừng). Ngoài ra là một số dự án chiếm (163ha), khu vực quân đội, khu dân cư (947ha). Lãnh đạo Thành phố Hà Nội và Bộ NN&PTNT đã thống nhất chủ trương quy hoạch rừng Sóc Sơn thành rừng phòng hộ gắn với phát huy lợi thế du lịch-sinh thái.

MỚI - NÓNG