Quỹ phòng chống thiên tai ở địa phương 'có tiền mà không tiêu được'

Bộ trưởng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường
Bộ trưởng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường
TPO - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt câu hỏi với 8/48 quỹ ở địa phương chưa sử dụng được tiền cho hoạt động phòng chống thiên tai? Có phải vì 8 địa phương không chi mà phải thành lập quỹ ở trung ương để điều phối không?  

Ngày 9/9, Phiên họp thứ 37 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, quỹ phòng chống thiên tai được quy định tại Điều 10, Luật hiện hành, thành lập ở cấp tỉnh, chưa có ở Trung ương nên có một số vướng mắc khi tình huống thiên tai nghiêm trọng xảy ra.

Trên cơ sở đó, cơ quan soạn thảo đề nghị bổ sung Quỹ phòng, chống thiên tai ở trung ương để tiếp nhận nguồn hỗ trợ nhân đạo, phi Chính phủ từ quốc tế (không bao gồm nguồn vốn viện trợ), đóng góp tự nguyện ngoài ngân sách nhà nước. Quỹ này sẽ được sử dụng khi có tình huống thiên tai khẩn cấp hoặc cần hỗ trợ ngay cho các địa phương chịu ảnh hưởng thiên tai nghiêm trọng, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng. 

Đáng lưu ý, theo ông Cường, hiện cả nước có 61/63 tỉnh thành lập Quỹ phòng chống thiên tai, thu được 2.500 tỉ đồng nhưng mới chi 1.000 tỉ đồng, 1.500 tỉ đồng vẫn chưa chi được. Vì vậy, cần có Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương để làm công tác điều phối.

Đề xuất lập quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương được Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường ủng hộ, vì quỹ sẽ giúp có thêm nguồn lực ngoài ngân sách, đặc biệt là nguồn lực quốc tế cho công tác phòng chống thiên tai ở Việt Nam. Tuy nhiên, cần làm rõ nguồn thu, cơ chế sử dụng quỹ để không chồng chéo với nguồn tài trợ, hỗ trợ theo Luật Ngân sách nhà nước; việc điều chuyển giữa quỹ trung ương và quỹ địa phương.

Cho rằng việc thành lập Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương là cần thiết, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu để phù hợp thực tế, quy định rõ cơ chế điều hòa, sử dụng để tránh chồng chéo và địa phương không băn khoăn.

Tuy nhiên, cho ý kiến về việc này, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định lại tỏ ra e ngại khi quỹ các địa phương là do người dân và doanh nghiệp đóng góp. Còn Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thì cho rằng, việc thành lập thêm Quỹ phòng chống thiên tai ở trung ương là “rườm rà, không cần thiết”. Ông cho rằng, việc quan trọng hiện nay là cần làm tốt việc tiếp nhận, phân bổ các khoản viện trợ vì hiện chưa có bộ phận chuyên nghiệp xem người dân cần cái gì, để điều hòa, phân bổ.

Cùng cho ý kiến về việc này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga dẫn chứng, có 8/48 quỹ địa phương chưa sử dụng được tiền cho hoạt động phòng chống thiên tai. Bà đặt câu hỏi, nguyên nhân chưa sử dụng tiền là gì? Nếu tỉnh không có thiên tai thì cũng phải chi phòng ngừa. Có phải vì 8 địa phương không chi mà phải thành lập quỹ ở trung ương để điều phối không?

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng cho rằng, phải làm rõ đầu mối tiếp nhận, phân bổ viện trợ để điều hành hiệu quả, tránh việc tiếp nhận quần áo cho vùng lũ lụt thì để quần riêng, áo riêng, dẫn đến việc có nơi nhận viện trợ toàn áo, nơi thì nhận toàn quần.

MỚI - NÓNG