73 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9:

Quy trình 'mờ ảo' sẽ không trọng dụng được hiền tài

Quy trình 'mờ ảo' sẽ không trọng dụng được hiền tài
TP - “Muốn có chính phủ kiến tạo, liêm chính hành động thì trước hết cần phải có cơ chế liêm chính, mang tính kiến tạo và hành động trong việc tuyển chọn, sử dụng hiền tài của đất nước, tạo dựng nguyên khí của quốc gia. Hãy làm những điều mà Bác Hồ đã rong xây dựng nhà nước thực sự là của dân”, GS.TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện nghiên cứu pháp luật và Kinh tế ASEAN nói về những bài học từ Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9.

Đất nước không thiếu người tài

Ngay trong những ngày đầu dựng nước, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tư tưởng và quyết tâm xây dựng một Nhà nước của dân, do dân và vì dân như thế nào, thưa ông?

Thường thì mỗi khi giành chính quyền, các vương triều mới hoặc các chính đảng trong xã hội hiện đại thường bắt đầu củng cố quyền lực của phe mình. Với các vương triều mới thì phân đất, phân tước hiệu cho các công thần để tạo chỗ dựa. Các chính đảng khi giành được chính quyền thì sắp xếp các nhân vật quan trọng trong Đảng vào bộ máy cầm quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh thì khác. Khi lãnh đạo thế hệ những người cộng sản ưu tú của Việt Nam giành chính quyền từ tay người Pháp thì việc Bác làm là xây dựng một Nhà nước thực sự của dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tất cả các nhân sỹ, trí thức, cả quan lại của triều đình phong kiến tham gia Chính phủ miễn là nhận thấy ở họ lòng yêu nước, thương dân, khát vọng bảo vệ nền độc lập và chủ quyền của đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo xây dựng Hiến pháp, xây dựng các văn bản pháp luật với tư tưởng xuyên suốt: Chính quyền phải là của dân, do dân, vì dân. Đặt những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm trong bối cảnh đất nước mới độc lập, chính quyền rất non trẻ, thù trong giặc ngoài đang lăm le lật đổ mới thấy được tầm nhìn vĩ đại của Người về một nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân và sự kiên định, dũng cảm của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng một chính quyền của dân, do dân, vì dân chỉ có thể hình thành từ một nền dân chủ thực sự.

Hiện tại Đảng đang chỉ đạo cuộc vận động làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Vậy thì chúng ta hãy thử làm kiên quyết, triệt để công tác cán bộ để có một đội ngũ công chức liêm chính, biết lo cho dân, cho lợi ích của đất nước. Đất nước không thiếu những con người như vậy. Chỉ cần đừng quá hình thức, đừng quá bị cột chặt với chủ nghĩa “lý lịch”, đừng sử dụng những qui trình mờ ảo và nhất là đừng để xảy ra nạn tham nhũng quyền lực thì sẽ có được đội ngũ công chức như thế.

Quy trình 'mờ ảo' sẽ không trọng dụng được hiền tài ảnh 1 Sáng ngày 19/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp mặt hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học trẻ người Việt tiêu biểu ở nước ngoài về nước tham dự Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam ảnh: quang hiếu 
Ngoài công tác cán bộ, thì trong thời gian đầu dựng nước, chính quyền cách mạng non trẻ cũng rất quan tâm đến việc bảo đảm quyền tự do dân chủ, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Điều này có ý nghĩa thế nào trong việc phát huy sức mạnh của nhân dân trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, thưa ông?

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, do Quốc hội không thể họp được nên không có luật nào được ban hành. Sau khi chúng ta giành được thắng lợi,  trong số 8 luật được quốc hội thông qua giai đoạn từ 1954 -1959, có 5 luật liên quan đến quyền tự do dân chủ của công dân, gồm: Luật tự do hội họp, Luật tự do lập hội, Luật Chế độ báo chí, Luật Đảm bảo quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín của nhân dân, Luật công đoàn… 5 luật này được ban hành năm 1957, tức là chỉ ba năm sau khi kết thúc kháng chiến. Quyền tự do dân chủ, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được tiếp tục khẳng định bởi Hiến pháp 1959, 1980, 1992 sửa đổi năm 2001 và được mở rộng rất nhiều trong Hiến pháp năm 2013.

Như thế cho thấy, những nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trước đây, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh cực kỳ quan tâm đến việc hiện thực hóa các quyền tự do dân chủ của người dân.

Không để những kẻ tham lam bén mảng đến quyền lực

Thời gian gần đây, dư luận tiếp tục bức xúc về một bộ phận “công bộc” quan cách, cửa quyền, những “biệt phủ” của “công bộc” mọc lên ở nhiều nơi, rồi nhiều quan chức dính dáng đến tham nhũng, tiêu cực, “bảo kê” cho tội phạm… Ông nghĩ sao về tình trạng này và nguyên nhân vì sao dẫn đến điều đó?

Đó là sự yếu kém của công tác cán bộ, bộ máy chưa tạo được một đội ngũ cán bộ liêm chính, thực sự vì dân, vì nước. Những vụ việc liên quan đến ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, Vũ “nhôm”, Trịnh Xuân Thanh… đặt ra nhiều câu hỏi về công tác cán bộ trong thời gian qua(?).

Điều đáng lo hơn nữa là việc kiểm soát quyền lực của công chức rất lỏng lẻo. Việc thực hiện quyền lực hiện nay chưa được đặt trong một cơ chế kiểm soát hiệu quả. Vào không được ra, lên không được xuống, trách nhiệm đối với những sai trái, vi phạm được hòa tan trong dung môi “nghị quyết của tập thể”, “chỉ đạo của cấp trên”. Nhiều vi phạm nghiêm trọng đã bị xử lý song trách nhiệm của những người đã đưa họ lên những vị trí đó chưa bao giờ được nhắc tới.

Sẽ là thảm họa cho đất nước nếu công tác cán bộ không đủ mạnh để loại những kẻ mắc bệnh tham lam, không cho họ bén mảng đến quyền lực nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Bệnh tham lam - những người mắc bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó mà chỉ “tự tư tự lợi” dùng của công làm của tư. Dựa vào Đảng để theo đuổi lợi ích riêng của mình. Sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi, tiền bạc ở đâu ra? Không “xoay” của Đảng thì “xoay” của đồng bào thậm chí làm chợ đen buôn lậu. Không sợ mất danh giá của mình”.

Những năm gần đây, Chính phủ đã và đang thể hiện quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động. Vậy những tư tưởng, bài học gì của ngày đầu dựng nước có thể suy ngẫm, áp dụng để đạt được mục tiêu nêu trên?

Những gì mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, đã làm trong những năm đầu của chế độ dân chủ nhân dân chính là câu trả lời. Chính phủ phải được thực sự do dân, vì dân. Công chức của Chính phủ phải liêm chính và được chọn dựa trên tài, đức của họ.

Rất mừng khi thấy Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các trí thức trẻ nước ngoài và kêu gọi họ đóng góp xây dựng đất nước. Thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh đang có những chủ trương để thu hút nhân tài. Cũng phải nói rằng những chủ trương, những lời kêu gọi tương tự được đưa ra từ lâu. Với Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 mới đây có thể có những giải pháp hữu hiệu hơn. Hy vọng rằng những nhân tài có tâm với đất nước không bị chạm phải “vòng kim cô” của qui trình tuyển chọn cán bộ đánh bật ra…

Cảm ơn ông.

Sẽ là thảm họa cho đất nước nếu công tác cán bộ không đủ mạnh để loại những kẻ mắc bệnh tham lam, không cho họ bén mảng đến quyền lực nhà nước.
GS.TS Lê Hồng Hạnhch, diễn giải...

MỚI - NÓNG