Quy trình xử lý đại biểu Quốc hội 'có quốc tịch Síp' ra sao?

Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc (đoàn TPHCM)
Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc (đoàn TPHCM)
TP - Trong quá trình làm đại biểu Quốc hội, nếu có thay đổi về lý lịch, đại biểu phải báo cáo với cơ quan quản lý. Tuy nhiên, đến nay Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa nhận được báo cáo nào của đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc (đoàn TPHCM) về việc có thêm quốc tịch Cộng hòa Síp.

Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định

Trả lời trên báo chí, đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc thừa nhận ông “có quốc tịch Síp, do gia đình bảo lãnh” vào giữa năm 2018. Trước sự việc này, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy cho biết, đến thời điểm ngày 26/8, cá nhân ông và Ban Công tác đại biểu chưa nhận được báo cáo nào nói về việc đại biểu Phạm Phú Quốc có hai quốc tịch.

Trong khi đó, theo quy định, trong quá trình làm đại biểu Quốc hội, nếu có thay đổi về lý lịch, đại biểu phải báo cáo với cơ quan quản lý. Trong trường hợp này, các cơ quan chức năng sẽ phải xác minh, làm rõ thời điểm ông Phạm Phú Quốc nhận hộ chiếu Cộng hòa Síp là khi nào để đối chiếu vào các quy định của pháp luật.

Về quy trình xử lý, ông Túy cho biết, trước tiên phải chờ xác minh từ cơ quan quản lý hộ chiếu, hộ tịch, xem đại biểu Phạm Phú Quốc có hai hộ chiếu, hộ tịch hay không. Sau đó, Ban Công tác đại biểu mới đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, yêu cầu Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, cơ quan tổ chức hiệp thương giới thiệu ông Phạm Phú Quốc ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV cho ý kiến về việc này.

Sau đó, Ban Công tác đại biểu sẽ tập hợp toàn bộ hồ sơ trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Ông Trần Văn Túy nhấn mạnh, chỉ có Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có thẩm quyền đưa ra quyết định cuối cùng về trường hợp của ông Phạm Phú Quốc.

ÐBQH chỉ nên có một quốc tịch

Về quy trình xử lý vụ việc, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ đợi hồ sơ báo cáo của Ban Công tác đại biểu và sẽ xem xét theo quy định. Trao đổi với phóng viên, một số đại biểu Quốc hội viện dẫn các dự án luật liên quan để phân tích về sự “đúng sai” trong trường hợp đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc có hai quốc tịch.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nếu vào thời điểm ứng cử Quốc hội năm 2016, ông Phạm Phú Quốc chỉ có một quốc tịch Việt Nam thì phù hợp với quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam. Nếu ông ấy có quốc tịch thứ hai vào năm 2018 như đã thừa nhận trên báo chí, theo Luật Tổ chức Quốc hội chưa được sửa đổi lúc đó thì chưa bổ sung quy định về quốc tịch. Đến nay, luật sửa đổi đã bổ sung yêu cầu đại biểu Quốc hội “có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”, nhưng luật này chính thức có hiệu lực từ 1/1/2021.

Tuy nhiên theo ông Hòa, đại biểu Quốc hội chỉ nên có một quốc tịch, vì đại biểu là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Mặt khác, đại biểu Phạm Phú Quốc phải có trách nhiệm báo cáo trung thực với tổ chức khi có sự thay đổi về lý lịch. “Bất kể ai, là cán bộ nhà nước hay đại biểu Quốc hội, khi thay đổi lý lịch cũng như sở hữu hộ chiếu thứ hai đều phải báo cáo giải trình”, ông Hòa cho hay.

Cũng liên quan đến vấn đề quốc tịch, trước đây, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) đã không được công nhận tư cách đại biểu Quốc hội khoá XIV dù đã trúng cử. Lý do bà Hường sở hữu 2 quốc tịch Việt Nam và Malta, nhưng khai báo thiếu trung thực trong hồ sơ ứng cử.

Điều 4 luật Quốc tịch Việt Nam quy định nguyên tắc quốc tịch: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp luật này có quy định khác”.

Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quốc tịch (năm 2014) cho phép một số công dân được mang 2 quốc tịch: người được Chủ tịch nước cho phép; trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam; người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn giữ quốc tịch Việt Nam; trẻ em là con nuôi.

Tối 26/8, trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Du Lịch, nguyên Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh nói rằng, ông không có ý kiến gì về trường hợp của đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh), người được cho là có hai quốc tịch Việt Nam và Síp. “Tôi cũng chỉ biết việc này qua báo chí và việc này Quốc hội đang làm việc, xử lý nên tôi không có bình luận gì”.

Ông Lịch cũng cho biết, Đoàn ĐBQH chỉ là nơi tổ chức các hoạt động mang tính chuyên môn như tổ chức giám sát, lấy ý kiến xây dựng dự thảo luật, tổ chức họp hành liên quan… Các đại biểu Quốc hội (không chuyên trách) hoạt động độc lập, không chịu sự quản lý của Đoàn ĐBQH ở địa phương. “Các đại biểu, đều là cán bộ, mỗi người một ngành nghề, một công việc. Họ chịu sự quản lý cả về mặt Đảng lẫn chính quyền ở đơn vị nơi họ công tác”- ông Lịch nói. Những việc còn lại do Ban công tác Đại biểu Quốc hội quản lý. Đại Dương

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.