Quyền chuyển đổi giới tính: Nhiều tranh cãi

Theo ĐB Nguyễn Sơn (Hà Nội), khi người ta sinh ra không hoàn hảo, bị thiệt thòi thì nên cứ để cho họ chuyển đổi giới tính, đó cũng là sự nhân đạo. Ảnh: Như Ý.
Theo ĐB Nguyễn Sơn (Hà Nội), khi người ta sinh ra không hoàn hảo, bị thiệt thòi thì nên cứ để cho họ chuyển đổi giới tính, đó cũng là sự nhân đạo. Ảnh: Như Ý.
TP - Thảo luận về Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) sáng 10/6, các đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) thể hiện quan điểm khá khác nhau xung quanh quy định về quyền chuyển đổi giới tính.

Cho xác định lại giới tính

Theo ĐB Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh), trên thế giới nhiều nước đã thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, ở nước ta không nên thừa nhận, vì văn hóa dân tộc chưa cho phép. “Chúng ta chỉ thừa nhận những người nào đã chuyển đổi giới tính trước khi luật này có hiệu lực. Còn về sau thì không nên thừa nhận việc chuyển đổi giới tính nữa”, ông Dũng nói.

“Đối với những trường hợp có suy nghĩ lệch lạc, hay do cách sống ảo tưởng là nữ nhưng nghĩ mình là nam, hay là nam nhưng nghĩ mình là nữ nên đòi chuyển đổi giới tính thì không nên cho phép chuyển đổi giới tính”, ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) kiến nghị.

Tuy nhiên, ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cho rằng, người ta đã lặn lội sang Thái Lan để chuyển đổi, nếu không thừa nhận thì dẫn đến pháp luật không phù hợp. Luật cần xuất phát từ đối tượng điều chỉnh để mà quy định. Vì thế việc thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính là hợp lý. “Mọi người dân đều được bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, nếu pháp luật không quy định với các trường hợp chuyển giới thì sẽ gây phức tạp xã hội. Do vậy cần sửa cả Luật Hôn nhân và Gia đình về đăng ký sống chung giữa những người chuyển giới để thống nhất giữa luật chung và luật chuyên ngành”, ĐB Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ) thể hiện quan điểm.

Không đặt tên tây, ta lẫn lộn

Đề cập đến Điều 26 trong Dự thảo Bộ luật Dân sự quy định: “Tên của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên của một người không được vượt quá 25 chữ cái”, ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đề nghị cần xem xét lại vì đặt quá 25 chữ cái không ảnh hưởng gì đến an ninh trật tự, cuộc sống, xã hội. Nếu đưa quy định như vậy vào trong luật thì Ban soạn thảo phải giải thích vì sao? Nên giải thích để người dân hiểu, nếu đặt tên như vậy sẽ gặp khó khăn như thế nào đó trong cuộc sống để người dân hiểu thôi chứ không nên ghi vào trong luật.

ĐB Nguyễn Kim Hồng (Đồng Tháp) thì đề nghị cần quy định cụ thể việc đặt tên, nếu không sẽ sinh ra tùy tiện, tên tây, ta lẫn lộn, như trường hợp một số ca sĩ bây giờ. Theo ĐB Hồng, vấn đề này tuy không ảnh hưởng đến vấn đề an ninh quốc phòng, song lại ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục.

MỚI - NÓNG