Bức bí tại các cửa ngõ TPHCM - Bài 3:

Quyền lợi người dân “treo” theo cửa ngõ

Kẹt xe trên đường Cộng Hòa ở quận Tân Bình, TPHCM. Đường đang “cõng” 4 siêu thị dù chỉ dài chưa đầy 4km.
Kẹt xe trên đường Cộng Hòa ở quận Tân Bình, TPHCM. Đường đang “cõng” 4 siêu thị dù chỉ dài chưa đầy 4km.
TP - Tình trạng tắc nghẽn tại các cửa ngõ đã diễn ra từ nhiều năm trước, tiếc thay việc tháo gỡ để triển khai quá chậm gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và quyền lợi của hàng nghìn hộ dân.

Vi phạm quy hoạch

Có một thực tế khá nhức nhối là vì lợi ích trước mắt, chính quyền địa phương qua các thời kỳ đã cấp phép mở hàng loạt nhà hàng, siêu thị, trung tâm ngoại ngữ, thương mại… tại các khu vực đông đúc, trong đó không ít vị trí nhạy cảm, thậm chí là “gót chân Asin”.

Đường Trường Chinh độc đạo nối cửa ngõ Tây Bắc TPHCM với tỉnh Tây Ninh và cửa khẩu Mộc Bài, huyết mạch lớn nhất nối QL22 với Campuchia. Có vai trò quan trọng, là cửa ngõ giao thương quốc tế nên nhiều năm trước, con đường được mở rộng lên 60 m với 10 làn xe. Tuy nhiên, do giải phóng mặt bằng khó khăn nên chỉ mở đoạn từ An Sương đến Ngã ba Mũi Tàu. Đoạn còn lại chỉ 4 làn xe, trở thành “nút thắt cổ chai”.

Vì vậy, đường Cộng Hòa rộng 6 làn xe trở thành trục chính của cửa ngõ Tây Bắc vào trung tâm thành phố. Tuyến đường cũng liên thông với cửa ngõ phía Tây qua ngã QL 1A - Lê Trọng Tấn – Tân Kỳ Tân Quý và liền kề với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất nên càng sầm uất, đông đúc hơn. Hầu như ngày nào cũng xảy ra kẹt xe, kể cả thứ bảy, chủ nhật.

“Hằng năm, TPHCM mất đi khoảng 18.307 tỷ đồng (0,83 tỷ USD), tương đương mức tăng GDP hằng năm, hay nói cách khác, ùn tắc giao thông đã kìm hãm toàn bộ sự tăng trưởng của TPHCM”.

 PGS. TS Phạm Xuân Mai,

nguyên trưởng Khoa 

Kỹ thuật Giao thông 

ĐHBK TPHCM

Tình hình kẹt xe càng trầm trọng hơn sau khi hàng loạt nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại được cấp phép hoạt động. Năm 2013, UBND TPHCM đã quyết định trích ngân sách xây hai cầu vượt dầm thép chống kẹt xe cấp bách. Cầu thứ nhất nối từ đường Cộng Hòa đến đường Hoàng Văn Thụ qua vòng xoay Lăng Cha Cả với chiều dài hơn 244 m gồm 2 làn xe, kinh phí đầu tư hơn 121 tỷ đồng. Cầu thứ hai dài 238 m cũng 2 làn xe, đặt tại ngã tư Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám với tổng kinh phí đầu tư 245 tỷ đồng. 

   

Tuy nhiên, tình hình kẹt xe chỉ lắng xuống một thời gian ngắn rồi bùng phát trở lại. Theo ghi nhận của Tiền Phong, đoạn đường Cộng Hòa chỉ dài khoảng 4 km nhưng có ít nhất bốn siêu thị lớn gồm Maximark, Lotte Mart, siêu thị Nhật, Pandora – BigC… hoạt động nhộn nhịp từ sáng đến gần nửa đêm, thu hút người dân từ các nơi đổ về mua sắm.

Chuyên gia Nguyễn Phương Nguyệt Minh (khoa Đô thị học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM) cho rằng, việc thành phố bố trí nhiều siêu thị gần nhau trên một tuyến đường như hiện nay là vi phạm quy hoạch mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại của Bộ Công Thương. 

Theo quy định, các trung tâm thương mại, siêu thị gồm khoảng cách giữa các siêu thị, trung tâm thương mại cùng hạng tại các đô thị, vùng đô thị lớn phải từ 20 km trở lên đối với siêu thị, trung tâm thương mại hạng II, từ 6 km trở lên đối với siêu thị, trung tâm thương mại hạng 3. Điều này có thể thấy qua việc có hai siêu thị được đặt tại vị trí nhạy cảm (Pandora – BigC tọa lạc ngay Ngã ba Mũi Tàu, còn Lotte Mart nằm gần chốt đèn giao thông trên đường Cộng Hòa) nên dễ gây ách tắc giao thông.

“Thành phố cần phải quy hoạch lại một cách có hệ thống bằng cách dàn trải tại nhiều khu dân cư khác nhau hoặc phải quy hoạch theo đúng quy định. Nếu Củ Chi, Bình Tân, Tân Phú có các rạp chiếu phim, trung tâm thương mại, bệnh viện chất lượng cao thì người dân khu vực đó sẽ không đổ vào trung tâm thành phố vào buổi tối hoặc ngày cuối tuần”, bà Minh nói.

Đi không được, ở không xong

So với nạn tắc đường, tai nạn giao thông, quy hoạch “treo” cũng là một trong những nỗi ám ảnh của người dân TPHCM. Dự án cầu đường Bình Triệu 2 tháo gỡ ách tắc cửa ngõ phía Bắc TPHCM đến nay là một trong những dự án “treo” lâu nhất ở TPHCM với thời gian tròn 16 năm. Nhiều người dân mắc kẹt với các dự án treo này, phải ở trong những ngôi nhà có nguy cơ đổ sập do không được cấp phép xây dựng. Nhiều người muốn chuyển đi nơi khác nhưng nhà bán không ai mua, thế chấp cũng không được.

Do thời gian kéo dài nên vốn đầu tư dự án cầu đường Bình Triệu đã tăng gấp nhiều lần so với phê duyệt ban đầu. Theo số liệu đại diện Công ty CP đầu tư hạ tầng kỹ thuật (CII) cung cấp, lúc mới tiếp quản từ Sở GTVT vào tháng 7/2007, vốn đầu tư của dự án đã tăng lên 3.493 tỷ đồng. Đến năm 2011, vốn tiếp tục “đội” lên 4.723 tỷ đồng và đến nay đã vọt lên hơn 5.500 tỷ đồng.

Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, QL13 đoạn qua TPHCM rộng 60 m và có tuyến đường sắt đô thị (metro) 3b ở giữa. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên Sở GTVT đã nghiên cứu các phương án “bóp” lại.

 Cụ thể: Nếu giảm bề rộng mặt đường xuống còn 53 m thì kinh phí đầu tư khoảng 4.400 tỷ đồng. Giảm xuống 42 m thì vốn đầu tư sẽ giảm còn 3.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới đây, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng không đồng ý các phương án trên nên Sở GTVT đang xây dựng phương án huy động vốn để thực hiện dự án.

Đáng lưu ý, CII được giao làm chủ đầu tư giai đoạn 2 của dự án từ năm 2005 nhưng hai năm sau mới trình thẩm định điều chỉnh dự án cho UBND thành phố xem xét. Tháng 7/2011, UBND TPHCM chấp thuận cho CII triển khai thực hiện giai đoạn 2 của dự án. Như vậy, các sở ban ngành và chủ đầu tư phải mất hơn 7 năm để triển khai dự án trên giấy.

______________

(còn tiếp)


MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.