Dự án “tháp hải đăng” Đà Nẵng:

Quyết đâm “Hà bá” trên sông Hàn?

Một đoạn sông Hàn nhìn từ trên cao
Một đoạn sông Hàn nhìn từ trên cao
TP - Việc Đà Nẵng nghiên cứu cho đầu tư xây dựng ngay giữa dòng sông Hàn một “tháp hải đăng” để làm nhà hàng, khách sạn cao đến 25 tầng, đang khiến dư luận xôn xao, được coi là hành vi “đâm Hà bá” đáng lo ngại…

Ngày 25/12/2014, Cty CP Đầu tư DHC (DHC Group) trình thành phố Đà Nẵng 2 phương án xin đầu tư xây dựng “tháp hải đăng” Marina trên sông Hàn, cách bờ đông sông Hàn 30m (nay điều chỉnh xuống 20 - 25m), phần đế có diện tích 400m2, xây trên cọc nhồi. Lãnh đạo UBND thành phố cũng như các sở, ban, ngành có liên quan cơ bản đồng ý. Tuy nhiên, nhiều KTS, chuyên gia quy hoạch, xây dựng và người dân đã bày tỏ sự không đồng tình với công trình “kỳ quặc” này. 

Nhiều lo ngại

Các kỹ sư, chuyên gia xây dựng cho rằng, việc xây dựng ngọn hải đăng như tháp Marina trên sông Hàn là không hợp lý, phá vỡ cấu trúc, cảnh quan, gây ảnh hưởng đến môi trường và dòng chảy.

“Chưa lấy ý kiến rộng rãi đối với các KTS, chuyên gia… mà đã đồng ý chủ trương cho xây dựng một công trình quy mô như thế, đâm thẳng xuống lòng sông Hàn là quyết định vội vã”, KTS Hoàng Quang Huy - Chủ tịch Hội Quy hoạch Đà Nẵng, cho biết.

Trao đổi với Tiền Phong, một KTS ở Đà Nẵng (xin giấu tên) cho rằng, xét về mặt kiến trúc, ngọn tháp này sẽ phá vỡ cảnh quan liên kết trên một đoạn sông. “Nó che lấp cầu Rồng chứ không phải tạo điểm nhấn, không có sự liên kết nào giữa cầu Rồng và cầu sông Hàn bằng một ngọn tháp. 

Thứ 2, với diện tích 400m2 mà chiều cao thấp nhất bằng một tòa nhà 25 tầng là bất cập. Nếu thành phố muốn tạo điểm nhấn cho sông Hàn thì tốt nhất đừng để một công trình đâm vào lòng sông như thế. Trên thế giới, chưa có thành phố nào người ta làm công trình đâm vào lòng sông như thế” - vị KTS này nói.

Về ảnh hưởng đến dòng chảy, địa chất, thủy văn và vệ sinh môi trường, ông Hà Văn Thái - Giám đốc Xí nghiệp môi trường đô thị Đà Nẵng, cho rằng, công trình chắc chắn sẽ ảnh hưởng và thay đổi dòng chảy. Đặc biệt vào mùa lũ ảnh hưởng đến móng cầu sông Hàn và cầu Rồng. “Vì sông Hàn là đoạn cuối của sông Vu Gia và địa hình khu vực miền Trung nói chung là ngắn và rất dốc nên việc thay đổi dòng chảy sẽ ảnh hưởng lớn đến các khu vực thuộc vịnh Đà Nẵng. Riêng phần nước thải, vệ sinh thì một công trình 400m2 bình thường đã khá phức tạp, nay nằm trên sông thì lại càng phải tuân thủ nghiêm ngặt nếu không muốn nói ảnh hưởng đến môi trường là khó tránh khỏi” - ông Thái nói.

Quyết đâm “Hà bá” trên sông Hàn? ảnh 1 Phối cảnh tháp hải đăng trên sông Hàn
Ông Thái Ngọc Trung - Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Đà Nẵng cho hay, tạm thời đơn vị đang chờ các ý kiến phản biện của giới kiến trúc sư, xây dựng… để tổng hợp, sau đó đưa ra quan điểm tham mưu cho lãnh đạo. Ông Trung thừa nhận, trong quy hoạch Đà Nẵng không có phần cho ngọn hải đăng mà chỉ có phần của bến du thuyền Marina.

Chủ đầu tư nói gì

Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Minh Đức - Chủ tịch DHC Group - chủ đầu tư dự án cho biết, mục tiêu đặt ra là xây dựng tại đây một điểm nhấn kiến trúc đặc trưng nằm tại khu vực bến du thuyền có các công năng như ngắm cảnh, triển lãm, nhà hàng, lưu trú ngắn ngày. Sau khi có nhiều ý kiến đóng góp, chủ đầu tư đã điều chỉnh khoảng cách ven bờ từ 30 xuống còn 20 - 25m. 

Ông Đức lý giải là để tạo cho tòa tháp đẹp hơn khi về đêm nhưng vẫn đảm bảo các yếu tố như không cản dòng chảy và vẫn nằm trong phần lõm của bờ sông. “Hiện lãnh đạo thành phố đã đồng ý chủ trương quy hoạch. Riêng phần kiến trúc và vị trí sẽ có sự tham gia của các kiến trúc sư đóng góp để xây dựng cho dự án vào cuộc họp tới đây”.

Trả lời về việc tháp hải đăng có thể phá vỡ cảnh quan ven bờ sông Hàn, Chủ tịch Tập đoàn DHC cho rằng, việc xây dựng phải đáp ứng được về mặt thẩm mỹ, cảnh quan, tạo điểm nhấn cho bờ đông, thu hút khách du lịch. “Nếu tòa tháp không đẹp thì bản thân chúng tôi cũng sẽ bị ảnh hưởng đến mục tiêu đầu tư. Nếu đặt mục tiêu chỉ là khách sạn thì tôi nghĩ không nhà đầu tư nào không hiểu làm một công trình như nhà thiết kế đưa ra tốn kém mức nào, nhất là nó nằm trên sông”- ông Lê Minh Đức nói.

Trả lời PV Tiền Phong về dự án tháp hải đăng, ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết đã giao cho Sở Xây dựng thu thập các ý kiến đóng góp, phản biện của các chuyên gia xây dựng, quy hoạch, các nhà văn hóa… để cuộc họp vào ngày 8/1 tới đây thành phố đi đến quyết định chính thức. “Bản thân tôi cũng đang chờ Sở Xây dựng đây”, ông Tuấn nói.

Một nhà nghiên cứu Phương Đông học trao đổi với PV Tiền Phong về công trình trên, đã cho rằng việc đâm xuống lòng sông một cái tháp khổng lồ như vậy chắc chắn khiến dòng chảy bị thay đổi tiêu cực. Còn về phong thủy, đây là một hình thức trấn dòng chảy như một kiểu “trấn yểm” bất lợi.

Tạm dừng, nghiên cứu vị trí khác phù hợp hơn

Sáng nay (8/1), trao đổi với Tiền Phong qua điện thoại, Bí thư thành ủy Trần Thọ cho biết, tạm thời chỉ đạo dừng dự án để tiếp tục nghiên cứu vị trí khác phù hợp hơn.

Theo ông Thọ, lãnh đạo thành phố mới chỉ đồng ý về mặt chủ trương cho nhà đầu tư triển khai trên sông Hàn chứ chưa phải đã chính thức quyết định.

Được biết, sau nhiều ý kiến phản đối của các chuyên gia, kiến trúc sư… trên báo chí, chiều 7/1, Bí thư thành ủy Trần Thọ dù đang họp ở Hà Nội nhưng đã chỉ đạo cho UBND TP Đà Nẵng và các ban liên quan tạm dừng dự án Tháp Hải đăng trên sông Hàn.

Tại cuộc họp bàn công khai về các đồ án quy hoạch kiến trúc Đà Nẵng (chiều 25/12), dự án Tháp Hải đăng trên sông Hàn đa phần được lãnh đạo UBND thành phố cũng như các Sở, Ban ngành đồng ý về vị trí xây dựng, quy mô…

Liệu một dự án lớn, có vị trí “nhạy cảm” như Tháp Hải đăng có được trình cho Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng xem xét trước khi lãnh đạo UBND thành phố đồng ý về mặt chủ trương?

Ông Trần Thọ cho hay, ông đang họp nên chưa nói kỹ hơn về điều này. “Tạm thời cứ biết là dừng đã, khi tôi về sẽ nói kỹ hơn chuyện này” – ông Thọ cho biết.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.