Quyết định của Thủ tướng có nên đưa vào Luật?

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
TPO - “Thủ tướng ra văn bản hành chính là chỉ thị, hay chỉ đạo, xử lý, hay các quyết định của thủ tướng để lãnh đạo chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ… Quan trọng như thế mà các đồng chí lại không đưa vào đây?”, Chủ tịch Quốc hội nêu khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật ban hành quyết định hành chính ngày 25/9.  

Văn bản vừa ban hành đã thu hồi gây tác động xấu

Về việc kiểm tra tính pháp lý đối với dự thảo quyết định hành chính có liên quan đến lợi ích công cộng, phía Chính phủ đồng tình với quan điểm, cần phải kiểm tra tính pháp lý trước khi ban hành quyết định hành chính có liên quan đến lợi ích công cộng. Các quyết định hành chính có liên quan đến lợi ích công cộng có tác động, ảnh hưởng rất lớn, do vậy, cần thiết quy định trách nhiệm.

“Việc kiểm tra tính pháp lý nhằm kiểm soát ngay từ đầu hạn chế ảnh hưởng bất lợi từ các quyết định này đến cộng đồng, đồng thời, làm tăng tính chuyên nghiệp, pháp quyền trong hoạt động của nền hành chính.

Thực tế vừa qua cho thấy, do việc kiểm soát quyết định hành chính không được chặt chẽ dẫn đến một số quyết định hành chính liên quan đến lợi ích công cộng ngay khi mới ban hành đã phải thu hồi, gây tác động xấu đến xã hội, giảm lòng tin của người dân”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nêu.

Phải bao quát hết

Liên quan đến việc quy định đối tượng áp dụng, riêng đối với quyết định hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vẫn còn hai loại ý kiến khác nhau, có ý kiến cho rằng không nên áp dụng, ngược lại luồng ý kiến khác cho rằng cần thiết phải đưa vào trong luật này.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Chính phủ đồng ý với ý kiến thứ nhất là luật này không nên áp dụng đối với quyết định hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bởi theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì nhiệm vụ, quyền hạn chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là quản lý, điều hành và quyết định những vấn đề có tính chất quan trọng, vĩ mô nên việc ban hành quyết định hành chính cá biệt tác động ra bên ngoài không nhiều.

Cũng theo Bộ trưởng Cường, theo quy định của Luật khiếu nại, Luật tố tụng hành chính thì quyết định hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không phải là đối tượng bị khiếu nại, khởi kiện.

Không tán thành với chủ trương này, Thường trực Uỷ ban Pháp luật – đơn vị thẩm tra dự án cho rằng, chủ thể ban hành quyết định hành chính rất rộng, không chỉ bao gồm các cơ quan hành chính nhà nước, mà còn các cơ quan, cá nhân khác như: Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước…

“Dự thảo luật không quy định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là chủ thể ban hành quyết định hành chính cũng cần được cân nhắc, vì Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất và Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu cơ quan này.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định hành chính, tác động ra bên ngoài, liên quan đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân, thậm chí còn có tầm ảnh hưởng rộng lớn đến lợi ích của nhiều người và thẩm quyền ban hành các quyết định này cũng được quy định trong các văn bản pháp luật”.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu, đồng thời đề nghị bổ sung các chủ thể này vào dự thảo luật: “Ai ban hành quyết định hành chính thì phải tuân thủ luật này, nếu trừ thì trừ hết và sẽ không bao quát hết, lại sinh ra sự nghi ngờ trong nhân dân”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng tỏ ra không hài lòng khi dự thảo luật đã loại bỏ và không quy định với Thủ tướng, Chủ tịch nước, Tòa án… “Thủ tướng ra văn bản hành chính là chỉ thị, hay chỉ đạo, xử lý, hay các quyết định của thủ tướng để lãnh đạo chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ… Quan trọng như thế mà các đồng chí lại không đưa vào đây?”, Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ và đề nghị luật ban hành phải “bao quát hết”, không có loại trừ.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu ban soạn thảo chuẩn bị lại dự thảo rồi trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến sau đó mới trình ra Quốc hội.

MỚI - NÓNG