Quyết tâm kiện!

Quyết tâm kiện!
TP - Ông Lương Văn Tự-Chủ tịch Hiệp hội cà phê-Ca cao Việt Nam trả lời Tiền Phong xung quanh vấn đề kiện đòi quyền sỡ hữu thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột.

> Vì sao Việt Nam mất hai thương hiệu cà phê nổi tiếng?

Ông Lương Văn Tự-Chủ tịch Hiệp hội cà phê-Ca cao Việt Nam
Ông Lương Văn Tự-Chủ tịch Hiệp hội cà phê - Ca cao Việt Nam.

Thưa ông, Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam có những phản ứng thế nào về việc Trung Quốc đăng ký độc quyền thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột của Việt Nam?

Đây không phải là thương hiệu thông thường mà là vấn đề chỉ dẫn địa lý, chỉ dành cho các vùng được công nhận, nên việc chiếm đoạt là không đúng. Hiệp hội sẽ phối hợp với tỉnh Đắk Lắk để kiện đòi lại quyền này.

Khả năng đòi lại có cao không, thưa ông?

Bây giờ bắt đầu làm, nên không nói cao hay thấp. Trước nhất phải có quyết tâm kiện đòi lại. Muốn hay không mình phải theo luật pháp của các nước, và theo quy định thông thường của quốc tế về vấn đề thương hiệu, nhãn hiệu và bản quyền. Điều đầu tiên mình phải quyết tâm đã, nếu không quyết tâm thì mình đúng vẫn không giành lại được.

Theo tiên liệu của ông, việc đi kiện sẽ vấp phải khó khăn gì?

Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam bị vi phạm bản quyền. Ngày trước nhãn hiệu thuốc lá Vinataba của Việt Nam bị một công ty của Indonesia đăng ký, sau đòi lại mãi cũng được. Tôi nghĩ đối với cà phê cũng thế, chúng ta đòi lại phải có thời gian đấu tranh, phải kiên quyết.

Các điều kiện cần thiết, thứ nhất mình phải am hiểu luật bản quyền thế giới; thứ hai là phải am hiểu luật bản quyền của nước sở tại; thứ ba là phải sử dụng rất nhiều kênh khác nhau để xử lý vấn đề này, ví dụ thông qua kênh sứ quán, thương vụ của Việt Nam ở Trung Quốc, các hiệp hội ngành hàng của Trung Quốc để giải thích cho họ rằng việc DN Trung Quốc đăng ký thương hiệu độc quyền cà phê Ban Mê Thuột của Việt Nam là không đúng.

Có những bước gì để đi kiện, thưa ông?

Điều thứ nhất là Đắk Lắk phải chuyển những nội dung mà mình bị người khác chiếm của mình bằng văn bản chính thức cho hiệp hội. Căn cứ vào đó Hiệp hội sẽ gửi những văn bản cần thiết cho Sứ quán và thương vụ của Việt Nam tại Trung Quốc để cùng can thiệp. Thứ ba, Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam liên hệ với hiệp hội cà phê phía Trung Quốc để xử lý. Đó là những bước phải đi, còn đi nhanh hay chậm, ngắn hay dài tùy vào cái chân của mình.

Chỉ dẫn địa lý bị mất sẽ gây tác hại gì?

Chỉ dẫn địa lý là quyền của mình đó. Tác hại đầu tiên là mình mất quyền, thứ hai là khi mình bán sản phẩm ra phải qua đơn vị đã cướp quyền của mình. Thứ ba, khi kiện thì mình mất thời gian.

Cà phê Buôn Mê Thuột là chỉ dẫn địa lý đối với cà phê nhân. Muốn được hưởng ưu đãi đó, Đắk Lắk phải đăng ký ở các nước, người ta bảo hộ quyền đó cho anh, khi được bảo hộ mà anh đảm bảo chất lượng tốt thì tự nhiên giá được cộng thêm, đó là lợi ích.

Chỉ dẫn địa lý không phải vùng nào muốn làm cũng được. Ngoài Buôn Mê Thuột còn một vài vùng nữa như Lâm Đông-vùng cao trồng cà phê Acabica thì có thể làm được. Sản phẩm phải có đặc trưng vùng miền, chất lượng, tính chất của sản phẩm.

Hai nhãn hiệu “BUON MA THUOT & chữ Tàu” và “BUON MA THUOT COFFEE 1896 & logo” gắn liền với nhiều sản phẩm trong đó có cà phê, đã được Trung Quốc cấp chứng nhận bảo hộ độc quyền cho Công ty Guangzhou Buon Ma Thuoc Coffee Co.,ltd. Hai nhãn hiệu này được đăng ký lần lượt vào ngày 14-11-2010 và 14-6 năm nay, tại tỉnh Quảng Đông.

Một thương hiệu khác nổi tiếng về cà phê ở VIệt Nam là Đăk Lăk cũng đã bị công ty ltm Entreprises (Société Anonyme) ở Pháp đăng ký độc quyền nhãn hiệu dưới tên của mình. Chứng nhận do cơ quan Sở hữu trí tuệ Pháp cấp từ ngày 25-9-1997, được đăng ký bảo hộ ở hơn 10 quốc gia khác.

 

Đại Dương thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG