Quyết tâm, quyết liệt hơn nữa để thực hiện mục tiêu kép

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
TP - Ngày 1/8 tại Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).  

Theo Bộ KH&ĐT, trong 6 tháng đầu năm 2020, do tác động của dịch COVID-19, cũng như cả nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế của ĐBSCL bị ảnh hưởng. GDP 6 tháng đầu năm của vùng đạt 1,2%, chỉ cao hơn vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, nhưng thấp hơn 4 vùng còn lại và thấp hơn bình quân cả nước (1,81%). Trong đó, ngành nông - lâm - thủy sản được xem là thế mạnh của vùng lại tăng trưởng âm 0,49%, nguyên nhân do tác động kép của hạn hán, xâm nhập mặn và đại dịch COVID-19. Đây cũng là vùng duy nhất trên cả nước tăng trưởng âm ở nhóm ngành này.

Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, tính đến ngày 30/6, toàn vùng đã giải ngân trên 19.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,9%, cao hơn mức bình quân chung cả nước (33,9%), nhưng vẫn thấp hơn so với bình quân cả nước khối địa phương (35,5%) và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019 (35,89%). Có 7 tỉnh trong vùng đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân cả nước, gồm: Tiền Giang, Sóc Trăng, An Giang, Cà Mau, Long An và Bến Tre…  

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các địa phương đã ứng phó, khắc phục tốt hơn đối với tình hình hạn mặn, phòng chống COVID-19 quyết liệt, hiệu quả. Song, việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, để không đứt gãy nền kinh tế đang đặt ra càng nặng nề hơn với cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng.

“Càng khó khăn, chúng ta càng phải quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để thực hiện tốt mục tiêu kép. Đây là cứ điểm chiến lược về nông nghiệp, vùng sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy sản, là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế cả nước, nếu cả nước phát triển mà vùng ĐBSCL không phát triển hay phát triển chậm hơn thì sẽ là trách nhiệm rất lớn của chúng ta” - Thủ tướng nói, đồng thời lưu ý các địa phương phải kịp thời tháo gỡ khó khăn, không để đổ vỡ hệ thống doanh nghiệp địa phương, quan tâm đến người nghèo, đồng bào dân tộc, công nhân, người lao động gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19; triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ, bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nêu vấn đề, tại sao ở ĐBSCL có tỉnh giải ngân tốt nhưng có tỉnh lại giải ngân chậm. “Có tiền đó mà không giải ngân được thì làm sao tăng trưởng được, chúng ta không thể để một lượng vốn nằm như vậy mãi. Các địa phương cố gắng thúc đẩy mọi giải pháp để có tăng trưởng dương, không thấp hơn trung bình cả nước. Bằng mọi biện pháp giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%; Bí thư, Chủ tịch phải ra tay để có mặt bằng cho thi công...” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Dịp này, Thủ tướng đã chứng kiến công bố quyết định và ra mắt Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL. Bộ TN&MT đề xuất Hội đồng vùng nên sớm tổ chức phiên họp để quyết định ngay hai vấn đề là quy hoạch vùng và các dự án đầu tư liên vùng. Còn theo Bộ GTVT, cần chọn ra các dự án mang tính đột phá cho ĐBSCL, bộ nhất trí sẽ phối hợp với các địa phương trong vùng để triển khai đường ven biển cũng như một số tuyến cao tốc, đồng thời khẳng định sẽ hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công năm nay.

MỚI - NÓNG