Ra mắt Hội Phát hành Báo chí VN

Ra mắt Hội Phát hành Báo chí VN
TP - Ngày 10/4, tại Hà Nội, Hội Phát hành Báo chí VN sẽ ra mắt, góp phần chuyên nghiệp hóa hoạt động phát hành báo chí và xóa bỏ cạnh tranh không lành mạnh hiện nay.

Cả nước hiện có hơn 700 cơ quan báo chí với hàng nghìn đầu báo, tạp chí, bản tin. Mỗi ngày, hàng triệu bản báo được đưa đến tay bạn đọc. Bên cạnh kênh phát hành truyền thống của Công ty Phát hành báo chí T.Ư và hệ thống phát hành của từng tờ báo,  còn có lực lượng phát hành tư nhân.

Theo con số do Ban vận động Hội Phát hành Báo chí VN cung cấp, về đội ngũ phát hành tư nhân, TPHCM có số lượng nhiều nhất với 200 đại lý, 1.600 quầy sạp, đấy là chưa kể một đội ngũ bán bán dạo khá đông đảo. Hà Nội đứng thứ hai với 60 đại lý và 700 quầy sạp.

Hệ thống phát hành báo chí nhà nước có mạng lưới phát hành đến nhiều vùng sâu, vùng xa chịu trách nhiệm xã hội rất lớn. Trong khi đó, hệ thống phát hành của các tòa soạn  lại có tính tương tác với bạn đọc, sớm nắm bắt, tìm hiểu nhu cầu bạn đọc để điều chỉnh nội dung. Một số tờ báo đã quan tâm, đầu tư cho công tác phát hành như báo Lao động, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Thanh Niên...

Tuy nhiên, số tờ báo làm tốt công tác này chưa nhiều. Tính tương tác của nhiều tòa soạn với bạn đọc không cao, do sự đầu tư còn manh mún, nhỏ lẻ. Nhiều tờ báo chưa thực sự coi trọng đầu tư cho phát hành, chưa  xem báo chí là một sản phẩm cần được quảng bá đúng mức.

Trong bối cảnh như vậy, một số công ty tư nhân với bộ máy gọn nhẹ, linh hoạt, nhạy bén với thị trường đã khai thác hiệu quả nhu cầu khách hàng, khai thác mạnh ở một số thành phố lớn, tỏ rõ vượt trội. Điển hình như Công ty Trường Phát có 300 nhân viên, phát hành hơn 80 loại báo tới 63 tỉnh, thành.

Mong mỏi gì ở Hội

Sự cạnh tranh trong phát hành báo chí bên cạnh những mặt tích cực cũng bộc lộ không ít hạn chế, tiêu cực. Nhiều tờ báo có mức chiết khấu phát hành và chính sách hỗ trợ khác nhau, dẫn đến hệ thống phân phối cũng cạnh tranh nhau.

Từ đó, cũng xuất hiện tình trạng: nhiều tờ báo có nội dung tốt nhưng lại không ăn khách và không phát hành được. Trong khi đó, những tờ báo chạy theo xu hướng thương mại hóa thì bán rất chạy.

Vấn đề văn hóa phát hành báo chí cũng hết sức đáng quan tâm, nhất là ở những đô thị, trung tâm lớn. Phương tiện phát hành báo chí hiện nay vẫn thô sơ, ảnh hưởng mỹ quan đô thị, lấn chiếm vỉa hè, lộn xộn, mất trật tự giao thông. Do lợi nhuận mà báo chí ở nhiều vùng nông thôn, miền núi, khu công nghiệp vẫn còn là một khoảng trống cần khỏa lấp.

Trong bối cảnh phát hành báo chí phát triển tự phát và thiếu định hướng như trên cũng như trước sức ép giành thị phần của báo mạng, sự ra đời của Hội Phát hành Báo chí VN sẽ là rất cần thiết nhằm đưa hoạt động phát hành báo chí chuyên nghiệp, hiện đại.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện một số cơ quan báo chí cho rằng, khi đi vào hoạt động, Hội cần tiến hành khảo sát, đánh giá lại thực trạng công tác phát hành của các cơ quan báo chí và hệ thống phát hành trong cả nước, từ đó có kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước ban hành những chính sách phù hợp với hoạt động phát hành báo chí.

Đặc biệt, chú ý đến công tác đào tạo vì lâu nay, tại một số trường ĐH, CĐ, mới  tập trung đào tạo phát hành sách mà bỏ ngỏ chuyên ngành đào tạo phát hành báo chí.

Hội cần nhanh chóng phối hợp với các cơ quan báo chí, công ty phát hành, đại lý phát hành để làm tốt công tác tuyên truyền vận động, phát triển hội viên.

Hội cũng cần tăng cường hợp tác quốc tế để tìm hiểu thông tin và kinh nghiệm ở những quốc gia có nền báo chí và phát hành báo chí mạnh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lực hệ thống phát hành.

MỚI - NÓNG