Đồng Nai:

Ra “tối hậu thư” với các cơ sở gây ô nhiễm

Những cơ sở sản xuất đá xây dựng, chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường ở khu dân cư TP Biên Hòa nằm trong danh sách phải di dời.
Những cơ sở sản xuất đá xây dựng, chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường ở khu dân cư TP Biên Hòa nằm trong danh sách phải di dời.
TP - Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai vừa ra tối hậu thư buộc các cơ sở gây ô nhiễm trong khu dân cư di dời gấp trước ngày 30/12/2015  sau gần một năm gia hạn cho các cơ sở nhưng vẫn “án binh bất động”.

Đến thời hạn nói trên, các cơ sở không thực hiện, tỉnh sẽ buộc ngưng hoạt động.

Năm 2012, UBND tỉnh Đồng Nai ra nghị quyết đến thời hạn năm 2014, 479 cơ sở sản xuất, chăn nuôi, sản xuất gốm sứ... gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch buộc phải di dời. Tuy nhiên sau gần hết một năm gia hạn, mới có 88 cơ sở ra đi. Theo thống kê trong 479 cơ sở phải di dời thì chăn nuôi có đến 294 cơ sở, nhưng mới chỉ có 23 cơ sở thực hiện di dời vào vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi đã được quy hoạch. Tuy nhiên, các chủ trang trại cho rằng họ không di dời được do các chủ đất trong khu quy hoạch lại đẩy giá lên cao nên không đủ khả năng mua đất.

Ông Nguyễn Văn Diệp, chủ cơ sở chăn nuôi heo ở xã Gia Tân (huyện Thống Nhất) cho biết, tính phương án di dời từ nhiều năm trước, nhưng khu vực quy hoạch chăn nuôi xa khu dân cư, đường vận chuyển và điện lại không có thì không thể nào phát triển chăn nuôi được.  Nhiều hộ chăn nuôi khác thì cho rằng đã đầu tư hệ thống chăn nuôi hàng tỷ đồng, nếu di dời theo quy định thì coi như mất trắng, trong khi đó để đầu tư vào khu vực mới cũng cần có số vốn không nhỏ, điều này quá sức với đa số người chăn nuôi. 

Trong khi cụm công nghiệp Gốm sứ Tân Hạnh (thành phố Biên Hòa) đã được quy hoạch, nhưng cho đến nay vẫn chưa có cơ sở nào thực hiện di dời vào khu quy hoạch tập trung. Lý giải điều này, ông Vòng Khiềng, Tổng thư ký hiệp hội gốm Đồng Nai cho rằng do các cơ sở thiếu vốn. “Để xây dựng mới một cơ sở sản xuất gốm, mỗi cơ sở cần có 196 tỷ đồng và thêm số vốn để sản xuất tương đương như vậy nên rất khó với các cơ sở trong khi doanh nghiệp đang trông chờ vào nguồn vốn ưu đãi”- ông Khiềng nói. Liệu trong thời gian hơn 1 tháng còn lại chủ trương cương quyết của tỉnh Đồng Nai đối với hơn 300 cơ sở trong danh sách di dời có thực hiện được khi mà những vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ?

MỚI - NÓNG