Ra trường, đi hát rong, hái ớt...

Ứng viên trả lời phỏng vấn nhà tuyển dụng.
Ứng viên trả lời phỏng vấn nhà tuyển dụng.
TP - Mỗi năm Tây Nguyên có hàng nghìn sinh viên các trường cao đẳng, đại học và trung cấp chuyên nghiệp tốt nghiệp ra trường. Số ít may mắn kiếm được việc làm phù hợp, còn phần lớn phân vân trước nhiều ngã rẽ: Học tiếp để “trốn” thất nghiệp, về nhà hưởng “trợ cấp” tại gia hay làm đủ nghề để tích lũy kinh nghiệm lập thân lập nghiệp.

Muôn nẻo mưu sinh

Khi màn đêm buông xuống, thành phố Buôn Ma Thuột rực rỡ ánh đèn, cũng là lúc Ngô Hoàng Bảo (22 tuổi) ở huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cùng người anh đồng hương Nguyễn Văn Minh (25 tuổi) cựu sinh viên trường Đại học Tây Nguyên tất bật chuẩn bị cho chuyến hát rong mưu sinh khắp các quán nhậu.

Bảo khẩn trương kiểm tra, chỉnh sửa dàn máy âm thanh, còn Minh phụ trách công việc chuẩn bị hàng hóa bán trong đêm. “Gọi hàng hóa cho oách chứ những thứ tụi em bán đơn giản lắm, vài gói thuốc lá, ít dây đậu phộng, kẹo cao su…  Số vốn bỏ ra chỉ vài ba trăm nghìn đồng. Làm nghề hát rong, ngoài miệng dẻo còn phải chú trọng đến khâu chọn nhạc và hát hay. Khán giả nghe “lọt tai” mới mua hàng ủng hộ, bằng không nài nỉ mỏi miệng cũng ế chỏng chơ thôi”, Minh tiết lộ.

“Ở trường tụi em học lý thuyết nhiều, ít có cơ hội thực hành, cọ xát thực tiễn. Xin phụ việc ở gara tuy vất vả, lương thấp nhưng đổi lại em có kiến thức thực tế sau này cơ hội đến em tự tin ứng tuyển ngay”,

 Đỗ Văn Huy

Chuẩn bị xong, hai chàng ca sĩ bất đắc dĩ đẩy loa, bật máy hát mời mua hàng quanh các quán nhậu. Dù hát khan cả họng, mời mỏi cả miệng, di chuyển hết quán này đến quá nọ suốt 3 tiếng đồng hồ nhưng bán chẳng được bao nhiêu. “Mọi hôm bán được nhiều lắm nhưng nay chẳng hiểu sao nài bán gần chục quán mới được hơn 200 nghìn đồng”, Bảo thở dài.

Đưa tay xếp từng tờ tiền chẵn - lẻ đếm doanh thu tối nay, Minh tâm sự: Em học ngành Giáo dục Chính trị, tốt nghiệp gần ba năm nay nhưng chưa xin được việc ở trường nào cả. Ở nhà nóng ruột, em quyết định quay lại phố mượn tiền người thân, sắm dàn máy âm thanh hết 3 triệu để vừa hành nghề hát rong vừa săn việc.

 “Thời buổi này kiếm việc gì cũng khó, với những đứa học ngành Sư phạm Vật lý như em càng khó hơn. Cả lớp chỉ có trên 10 bạn xin được việc nhưng cũng chỉ làm hợp đồng. Số còn lại đều long đong như em. Có việc làm để kiếm sống qua ngày, không chìa tay xin tiền ba mẹ là may rồi. Ban ngày em nhận làm gia sư cho 2 bạn lớp 11, mỗi tháng được 700 nghìn đồng. Tối đến cùng anh Minh hát dạo kiếm thêm thu nhập, hy vọng sớm thoát kiếp thất nghiệp”, Bảo cho hay.

Không cố bám trụ thành phố làm đủ nghề mưu sinh, nhiều cựu sinh viên về nhà treo bằng nối nghiệp cha ông. Vũ Kiều Anh (26 tuổi) trở về xã Krông Ana (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) phụ gia đình thu hoạch ớt. “Em là sinh viên trường Đại học Tây Nguyên khoa Giáo dục Tiểu học. Suốt 4 năm, học kỳ nào em cũng được nhận học bổng. Năm 2012, sau khi tốt nghiệp em đã nộp hồ sơ ở nhiều nơi nhưng tới nay vẫn không xin được việc. Thôi đành ở nhà phụ giúp ba mẹ làm vườn và chờ cơ hội”, Kiều Anh nói.

Ông Vũ Đình Sơn (55 tuổi) bố Kiều Anh cho hay: Nhà có 5 người con, 4 gái, 1 trai đều học đại học và học rất giỏi. Tuy nhiên, ra trường, chật vật lắm mới có việc làm ổn định. Đứa con gái đầu mất 3 năm mới được đi dạy ở tỉnh Long An. Đứa thứ hai, thứ ba cũng vậy. Kiều Anh ra trường 3 năm nay vẫn chưa xin được việc làm. Thằng út đang học Đại học Tây Nguyên khoa Nông Lâm, tôi bắt nghỉ giữa chừng cho đi xuất khẩu lao động vì học nhiều cũng chẳng ích gì, tốn tiền mà ra trường rồi lại thất nghiệp. Chúng tôi là nông dân, thu nhập của gia đình chỉ trông vào mấy sào ớt, chẳng quen biết ai để nhờ vả”, ông Sơn bùi ngùi.

Cần chiếc cầu nối

Sàn giao dịch việc làm định kỳ lần thứ 12 năm 2015 do Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk (thuộc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội) tuy tổ chức vào ngày chủ nhật nhưng lượng người đổ về tìm việc rất đông. Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm, Trưởng phòng Phòng Thông tin thị trường lao động cho hay: Cứ ngày 15 dương lịch hằng tháng, trung tâm mở phiên giao dịch việc làm một lần. Những phiên rơi vào ngày thứ 7, chủ nhật, lượng người tham gia ít hơn so với các ngày khác. Vào thời điểm thu hoạch nông sản cũng thưa người hơn.

Ra trường, đi hát rong, hái ớt... ảnh 1

Bảo, Minh bên gánh hát rong.

Các công ty có nhu cầu tuyển dụng thường trực tiếp đến Trung tâm phỏng vấn chọn người nhưng cũng có những lúc nhờ trung tâm giới thiệu cho. Người tìm việc cũng vậy, nếu họ không tham gia phiên nộp hồ sơ thì Trung tâm sẽ giúp liên hệ tìm việc làm khi có chỉ tiêu của nhà tuyển dụng.

Lần đầu tham gia phiên giao dịch, Đỗ Văn Huy (24 tuổi, ở huyện Krông Ana, Đắk Lắk) không giấu được vẻ hồi hộp căng thẳng: Em tốt nghiệp Cao đẳng nghề Đà Nẵng, chuyên ngành công nghệ ô tô đã hơn 2 năm. Lúc mới ra trường đi đến đâu xin việc họ cũng đòi hỏi kinh nghiệm, em quyết định xin phụ việc ở gara ô tô. “Ở trường tụi em học lý thuyết nhiều, ít có cơ hội thực hành, cọ xát thực tiễn. Xin phụ việc ở gara tuy vất vả, lương thấp nhưng đổi lại em có kiến thức thực tế sau này cơ hội đến em tự tin ứng tuyển ngay. Hy vọng em sẽ lọt vào mắt xanh nhà tuyển dụng, làm đúng ngành mình yêu thích, ổn định việc làm, dành tiền sau này lập gia đình”.

Đã bao lần ôm hồ sơ gõ cửa khắp nơi nhưng may mắn vẫn không mỉm cười với cô cử nhân kế toán Nguyễn Thị Thu Phương (23 tuổi, ở huyện Ea Kar, Đắk Lắk). Với tấm bằng tốt nghiệp đại học loại ưu, Phương háo hức đi tìm việc nhưng ngày càng cảm thấy hụt hẫng. Thương ba mẹ nghèo, quanh năm bám rẫy nuôi con ăn học, Phương gạt bỏ sĩ diện, nộp hồ sơ xin làm công nhân may mặc tận TPHCM. “Ra trường rồi em phải sống thực tế thôi. Tiền vay vốn hỗ trợ sinh viên lúc đi học đến giờ vẫn chưa trả, em cố gắng “cày kiếp công nhân” chứ “kén cá chọn canh” lấy gì có tiền trả nợ. Em cũng mong có việc ổn định rồi tính chuyện chồng con vì con gái có lứa có thì”.

Ra trường, đi hát rong, hái ớt... ảnh 2

Kiều Anh phụ gia đình thu hoạch ớt.

Dưới góc độ nhà tuyển dụng ông Đinh Văn Trường, Giám đốc kỹ thuật Cty TNHH chuyển giao công nghệ Trường Hải có địa chỉ tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) phân tích: Tiêu chí tuyển chọn lao động ngoài bằng cấp thì kinh nghiệm, năng lực thực tiễn là rất quan trọng. Ví dụ: Công ty đang cần tuyển 5-10 nhân viên kinh doanh phân bón, và 5-10 nhân viên kỹ thuật nông nghiệp. Tuy đề ra yêu cầu tuyển người lao động có trình độ trung cấp trở lên nhưng trong quá trình phỏng vấn chúng tôi đặc biệt chú ý đến kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn và kiến thức lĩnh vực nông nghiệp. Chỉ những người từng trải, am hiểu mọi vấn đề liên quan đến cây trồng mới làm tốt các khâu tư vấn, hướng dẫn người dân chọn giống, kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Nếu chọn được người như vậy thì dù là lao động phổ thông, thậm chí nông dân chúng tôi vẫn ưu tiên nhận. Đào tạo họ thêm 1 tuần sẽ thạo việc ngay. Đặt chỉ tiêu tuyển dụng nhiều vậy nhưng phiên giao dịch việc làm nào cũng không đạt kế hoạch.

 

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm cho biết: Mỗi năm Trung tâm tiếp nhận hàng nghìn hồ sơ xin việc làm của sinh viên Đắk Lắk và các tỉnh lân cận tốt nghiệp đại học – cao đẳng – trung cấp. Mười tháng đầu năm 2015, Trung tâm đã giới thiệu việc làm cho 3.126/8.238 người, phần lớn là người nội tỉnh.  Tuy nhiên đa phần là lao động phổ thông, làm trái ngành. Riêng ngành sư phạm và kế toán hầu như không có người liên hệ vì chỉ tiêu rất ít, thậm chí không có.

MỚI - NÓNG