Rắc rối quanh phương thuốc cai nghiện ma túy

Rắc rối quanh phương thuốc cai nghiện ma túy
TPO-Một loại thuốc hỗ trợ cắt cơn cai nghiện ma túy tên Bông Sen và loại thực phẩm chức năng tên Kháng Lạc Cao có tác dụng tương tự. Song, cả hai đều được cho do lương y Lương y Lưu Văn Xiên bào chế.
Lương y Lưu Văn Xiêm, người đầu tiên ở Việt Nam có phương thuốc cắt cơn nghiện ma túy, nay lại gặp rắc rối vì truyền nghề cho con. Ảnh: L.N
Lương y Lưu Văn Xiêm, người đầu tiên ở Việt Nam có phương thuốc cắt cơn nghiện ma túy, nay lại gặp rắc rối vì truyền nghề cho con. Ảnh: L.N.

Độc quyền

Lương y Lưu Văn Xiên (78 tuổi, ở TPHCM) được biết đến trong giới y học cổ truyền với bài thuốc cai nghiện ma túy bằng phương pháp đông y đầu tiên ở Việt Nam. Ông thừa hưởng từ ông nội của mình là cụ Lưu Văn Kỳ, một lương y có tiếng về bào chế thuốc đông y và cũng là người luôn đem thuốc của mình để cứu người.

Hơn 30 năm nay, lương y Lưu Văn Xiêm cũng theo con đường truyền thống của gia đình. Ông kể: “Khi việc sử dụng ma túy bắt đầu bùng phát ở lứa tuổi thanh niên, tôi bắt đầu chuyên tâm vào bào chế các phương thuốc để cai nghiện ma túy. Đó là những năm 1970”- lương y Lưu Văn Xiêm nhớ lại.

Sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu, năm 1988, lương y Lưu Văn Xiêm bào chế ra thuốc cai nghiện ma túy Kháng Lạc Cao hiệu “Bông Sen”. Các loại cây như đơn quy, nhục thung dung, nhân sâm, hải diêm, bạch truật, ô mai bắc...cùng một số tá dược khác đã được lương y Xiêm bào chế ra loại thuốc được ông gọi là loại cao màu nâu, vị ngọt mặn khi nếm nhưng lại rất thơm.

Sau bước thử nghiệm ban đầu trong những năm 1988, đến 1990, lương y Xiêm vui mừng khi ông được Sở Lao động- Thương binh và xã hội tỉnh Đồng Tháp, Cửu Long, An Giang mời đến để triển khai phương thuốc cai nghiện của mình cho những người nghiện ma túy.

“Ưu điểm của bài thuốc là khi điều trị bệnh nhân không bị dị ứng, không bị vật vã khi cắt cơn và sau một tuần đến mười ngày mất hẳn cảm giác thèm ma túy” - ông nói.

Đầu năm 1990, tại Trung tâm Nhân ái Hậu Giang, lương y Lưu Văn Xiêm đã tổ chức cai nghiện thành công cho các đối tượng nghiện ma túy được tập trung về đây. Sau khi cắt đứt cơn nghiện, số người nghiện tưởng chừng chỉ mãi ở trung tâm đã được đưa về làm việc tại công ty xuất nhập khẩu thủy đặc sản Hậu Giang và khu vực chợ Cần Thơ để họ tái hòa nhập với cộng đồng trở lại.

Tháng 7/1991, lương y Xiêm về Trung tâm cai nghiện ma túy thuộc Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa. 200 thanh niên ở trung tâm này tự nguyện cai nghiện bằng phương pháp của lương y Xiêm và 100% số đó đã chia tay với “ả phù dung”.

Ông Xiêm nhớ lại: “Ngày 16/12/1991, khi Giáo sư Lê Thế Trung - Viện Trưởng Học viện Quân y về thăm lại bệnh viện Tâm thần Biên Hòa đã yêu cầu bệnh viện này tập trung nghiên cứu để phát triển loại thuốc này bởi thuốc có hiệu quả”.

Rắc rối

Đến tháng 3/1994, Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường đã cấp “Bằng độc quyền giải pháp hữu ích” cho lương y Lưu Văn Xiêm về thuốc cai nghiện ma túy dạng cao lỏng này. Năm 2001, Hội đồng khoa học Bộ Y tế chính thức nghiệm thu đề tài và đề tài được đáng giá là xuất sắc.

Sau đó để sản xuất ra loại thuốc này, ông Xiêm đã kết hợp với bà Nguyễn Thị Phấn, Giám đốc công ty FATACO Bến Tre và cho ra đời “Thuốc hỗ trợ cắt cơn cai nghiện ma túy Bông Sen”.

Sáu năm sau, Cục quản lý Dược Việt Nam quyết định cấp phép thuốc hỗ trợ cắt cơn, cai nghiệm ma túy cho công ty FATACO Bến Tre được lưu hành trên toàn quốc.

Không để thất truyền bài thuốc độc đáo, lương y Xiêm đã truyền dạy lại kinh nghiệm, hướng dẫn cho con mình. Con ông Xiêm, dược sĩ đông y Thanh Hải - Giám đốc công ty Thiên Nam Dược, cũng vừa hoàn tất nghiên cứu sản phẩm thực phảm chức năng Kháng Lạc Cao, hỗ trợ trong điều trị cắt cơn nghiện ma túy. Kháng Lạc Cao là cái tên mà ông Xiêm ấp ủ từ lâu.

“Đây là phương thuốc được chiết xuất 100% từ thảo dược quý giúp đào tải độc tố của ma túy ra khỏi cơ thể, kích thích cơ thể sản xuất ra morphin nội sinh nên làm giảm sự vật vã và các hội chứng khi không sử dụng ma túy, khác với phương thuốc Bông Sen”- lương y Xiêm nói.

Mới đây, Kháng Lạc Cao được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bộ Y tế cấp phép. “Tôi đã dùng hình ảnh của bố mình, lương y Lưu Văn Xiêm in lên bao bì và tờ hướng dẫn sau khi được bố cho phép”- anh Hải nói.

Tuy nhiên, rắc rối xảy ra khi sản phẩm ra thị trường thì người sản xuất thuốc cai nghiện ma túy hiệu Bông Sen đã phản ứng vì cho rằng “ông Xiêm hợp tác với công ty FATACO Bến Tre nên không thể in hình ảnh của ông lên Kháng Lạc Cao được và bài thuốc này là của công ty FATACO Bến Tre”.

Trao đổi với Tiền Phong, lương y Lưu Văn Xiêm cho biết, ông rất bất ngờ bởi phía công ty FATACO Bến Tre phản ứng chuyện này. Theo ông, Kháng Lạc Cao do công ty của con mình sản xuất là thực phẩm chức năng, còn phía FATACO Bến Tre sản xuất là thuốc cai nghiện hiệu Bông Sen là thuốc. Hai loại khác nhau hoàn toàn.

“Hình ảnh của tôi thì tôi đã cho con tôi sử dụng toàn quyền, cũng như tôi hợp tác tư vấn cho con tôi thì không thể kiện cáo được”- ông nói.

Trong khi đó, trao đổi với Tiền Phong, trợ lý của bà Nguyễn Thị Phấn cho biết, chưa tiếp xúc báo chí vì đang chờ cơ quan chức năng giải quyết.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".