Râm ran sát hạch ông đồ

TP - Các cuộc thi sát hạch ông đồ đã râm ran từ mấy năm trước. Một điều trớ trêu: 70% ông đồ viết sai chữ quốc ngữ, còn phần sát hạch chữ Hán, chỉ có 11% đạt chuẩn.

Trong khi đó, ban giám khảo cuộc thi sát hạch “ông đồ” tiết lộ: Thi chữ Hán cũng rất dễ, mỗi vị chỉ phải viết 4 chữ, với những yêu cầu tối thiểu. Kết quả, có ông đồ viết sai tới tận 3 chữ. Trong tổng số 31 ông đồ dự sát hạch, chỉ có 3 vị đỗ, 1 vị đỗ vớt. Đó là kết quả năm 2015. 

Năm nay, kết quả vẫn tệ nhưng dù sao cũng sáng sủa hơn những năm trước, khi kết quả đỗ đã vươn tới hơn 50%. Cụ thể: 97 ông đồ tham gia sát hạch, có 55 người đỗ, đủ điều kiện cho chữ tại Hội chữ Xuân Mậu Tuất 2018, tại Hồ Văn, thuộc di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám. Thậm chí trong số 55 người đỗ, có 35 ông đồ được tham gia cho chữ liên tiếp trong 3 năm.

Rõ ràng, những ông đồ tham gia thi sát hạch để đủ điều kiện cho chữ ở Văn Miếu mỗi năm mỗi tăng về lượng. Ai cũng hiểu, cho chữ là cách gọi văn hoa, hiểu đúng bản chất là bán chữ. Có vẻ cuộc sống càng hiện đại bao nhiêu, nhu cầu mua chữ cổ về treo của người dân càng tăng bấy nhiêu. Nghề “cho chữ” càng ngày càng phát đạt, đắt khách. Ông đồ hết chịu cảnh “qua đường không ai hay”.

Những năm trước,  tôi có cuộc gặp gỡ cụ Nguyễn Văn Bách, người được mệnh danh là tứ đại thư pháp gia Việt Nam (cùng với Lại Cao Nguyên, Lê Xuân Hòa, Cung Khắc Lược). Rất ngỡ ngàng và thán phục, khi ở tuổi gần đất xa trời, cụ vẫn kiếm được vài trăm triệu đồng một năm từ nghề bán chữ, mặc dù cụ không đặt nặng vấn đề tiền, thậm chí có khi chỉ viết tặng. Thế nhưng cụ vẫn chỉ dám nhận mình là thợ viết chứ không phải thư pháp gia.

Đối với cụ Nguyễn Văn Bách, thư pháp gia rất hiếm khi xuất hiện, mỗi thời đại may ra chỉ có một, hai người. Không biết mỗi ông đồ ở Văn Miếu một ngày viết được bao nhiêu chữ, còn cụ Nguyễn Văn Bách có những chữ phải đánh vật cả năm, viết không ưng lại xé. Chỉ khi phấn khởi, tinh thần phóng khoáng cụ mới viết ra chữ đẹp.

Nhưng có lúc  tôi trộm nghĩ: Nếu không được giới thiệu “thương hiệu Nguyễn Văn Bách”, người ta có lầm chữ cụ Bách với các ông đồ mới cầm bút lông ở Văn Miếu? Bởi muốn thưởng thức được vẻ đẹp của bút lông, phải có trình độ nhất định. Chúng ta đã từng tranh cãi xung quanh chuyện đưa chữ Hán vào trường phổ thông. Rồi thì cũng không đi đến đâu…

Xu hướng thích chơi chữ dâng cao trong khi ông đồ giỏi thì thiếu, “thượng đế” phần đa lù mù, thích chữ theo phong trào, thế thôi.  Năm nay hoa đào vẫn nở, ông đồ ngồi ở Văn Miếu dự tính đông hơn, người thuê viết cũng lại như trảy hội nhưng không vì thế mà câu thơ Vũ Đình Liên hết buồn: “Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ?”.

MỚI - NÓNG