Ranh giới mong manh

Ranh giới mong manh
TP - Người dân hai thành phố lớn nhất nước là TPHCM và Hà Nội đang ít nhiều hy vọng giá cả dịp Tết sẽ đỡ căng thẳng hơn nhờ UBND HN và TPHCM đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) bình ổn thị trường Tết. Đây không phải năm đầu tiên một số DN nhận được khoản hỗ trợ này nhưng giá cả vẫn tăng đều...

250 tỷ đồng của HN và 422 tỷ đồng của TPHCM hỗ trợ DN bình ổn thị trường Tết tưởng như nhiều nhưng so với sức mua hàng chục ngàn tỷ trong dịp Tết thì số tiền trên chỉ như muối bỏ biển.

Hơn nữa đó cũng chỉ là tiền cho DN vay với lãi suất 0% trong sáu tháng để giúp DN bớt một phần chi phí, qua đó hàng hóa đến tay người tiêu dùng sẽ giảm hơn.

Cụ thể, TPHCM yêu cầu các DN được hỗ trợ bán giá thấp hơn 10% và HN là 3-5% so với mặt bằng chung. Đối với các DN có thị phần lớn, nguồn hàng ổn định và dồi dào, nhiệm vụ trên không quá khó.

Khó ở đây là ai và dựa vào cái gì để xác định mặt bằng chung trong dịp Tết, khi mà giá cả đang tăng chóng mặt. Nếu giá thị trường tăng mạnh và giá của DN được bình ổn niêm yết cũng tăng theo thì ý nghĩa bình ổn giảm đi khá nhiều.

Chưa kể ranh giới quá mong manh của 3 hay 5% hoặc thời điểm để thiết lập giá so sánh. Cái lợi mà người dân hưởng chưa rõ ràng nhưng ít nhất một DN như Vissan được vay 129 tỷ đồng không lãi trong sáu tháng cũng đã tiết kiệm được không dưới sáu tỷ đồng.

Không chỉ vào dịp Tết, mỗi khi thị trường biến động, giá cả nhiều mặt hàng lại “tát nước theo mưa” nhưng rất ít DN bị xử lý. Chính động thái quá nhẹ tay này của các cơ quan quản lý đã khiến giá cả tăng mạnh mỗi khi lương tăng Tết về mà kẻ đẩy giá không hề e ngại.

Người viết từng chứng kiến giá thịt các loại, trái cây cúng Tết và nhất là tàu xe, tăng gấp 2-4 lần vào dịp Tết và cuối cùng cũng chỉ là “Tết mà”. Có công cụ quản lý, luật pháp trong tay, nhưng các cơ quan chức năng đã xem nhẹ việc này. Nay thì hàng trăm tỷ đồng đã được quảng bá và xem như một biện pháp hữu hiệu để bình ổn giá Tết!

Một khi giá xăng dầu, tỷ giá đôla, thuế nhập khẩu, chi phí, tiền lương tăng, chưa kể nguồn cung nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu sụt giảm và khan hiếm thì liệu vài trăm tỷ đồng trên có giúp ích được nhiều?

Nếu các biện pháp bình ổn khác như ngăn chặn đầu cơ, kiểm soát giá thành, chi phí hợp lý hơn, các DN lớn chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận, cơ quan quản lý mạnh tay… không khả thi, có lẽ hy vọng giá Tết ít leo thang vẫn sẽ biến thành thất vọng như mọi năm dù có nhiều tỷ đồng hơn nữa hỗ trợ DN bình ổn giá Tết.

MỚI - NÓNG