Rao bán trang trại nghỉ dưỡng trái phép trên đất rừng

Các bungalow mọc trên đất nông lâm nghiệp
Các bungalow mọc trên đất nông lâm nghiệp
TP - Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Lâm Đồng khuyến cáo những người mua đất tại dự án “Trang trại nghỉ dưỡng bungalow Lâm Đồng Farmstay” sẽ gặp rủi ro 100% vì dự án này không được phép phân lô để bán.

Thời gian gần đây có nhiều trang mạng (muaban, batdongsan, banggiachudautu…) rao bán đất tại dự án này với lời mời gọi  hấp dẫn. Cùng những trang mạng này, tài khoản facebook Lâm Đồng-Farmstay, Trang trại nghỉ dưỡng bungalow Lâm Đồng dùng nhiều lời quảng cáo “trên mây”, hình ảnh và video tuyệt đẹp để chào bán hàng trăm lô đất thuộc dự án.

Trong vai người đi mua đất làm trang trại kết hợp nghỉ dưỡng, chúng tôi được một người tên là N.T giới thiệu rằng công ty đã mở bán được hơn 130 lô trong mấy tháng gần đây. Mỗi lô có giá từ 370 triệu đến 410 triệu đồng. N.T giải thích sở dĩ có các mức giá khác nhau là do hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Theo N.T, chỉ với số tiền này người mua sẽ được sở hữu mảnh đất rộng 5.000m2.

Khi chúng tôi đến khu vực dự án, một người đàn ông tự giới thiệu tên L.V.H (khoảng 60 tuổi) mở cổng để khách vào tham quan. Ông cho biết L.P.D.P (con trai ông) mới nhận sang nhượng lại khu đất này từ Công ty TNHH Đại Hải. Ông lần lượt giới thiệu các khu trang trại, rừng sinh thái, chăn nuôi và cả khu dự kiến sẽ xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng. Trái với những hình ảnh và video được cắt ghép lung linh trên facebook, thực địa đa phần là những khoảnh rừng và đồi trọc.

Theo ông H, vào thứ bảy hàng tuần, công ty tổ chức cho hàng trăm người từ TPHCM lên Lâm Đồng để nghe giới thiệu cơ hội đầu tư và trải nghiệm thực tế dự án. Đợt 1 có 60 ha đất được chia thành hơn một trăm lô để bán và đã bán được khá nhiều, chỉ còn 30% số lô, nếu không quyết định mua nhanh sẽ không còn đất. Khi chúng tôi hỏi có tách sổ được không, ông H nói toàn bộ dự án chỉ có 1 sổ đỏ thôi, nhưng người mua đất sẽ chung sở hữu, cùng công ty làm du lịch sinh thái hoặc có thể sang nhượng lại để chốt lời. Dẫn khách đi xem hai khu vườn mẫu (mỗi khu rộng 5.000m2) trồng măng cụt, sầu riêng, được rào chắn bằng cây rừng, ông H thuyết minh: Sau khi khách hàng thanh toán tiền, công ty sẽ giao những lô đất có cổng và hàng rào như thế này.

Ông H còn giới thiệu với khách 3 loại bungalow với kích thước vài chục m2, tương ứng với các mức giá khoảng 200-260-290 triệu đồng.  Ông khẳng định nếu mua 5.000 m2, công ty tặng thêm 50m2 để đặt bungalow. Người sở hữu có thể dùng để nghỉ dưỡng, còn nếu không sử dụng thì phối hợp với công ty kinh doanh lưu trú.

Dấu hiệu vi phạm

 Theo lãnh đạo UBND huyện Bảo Lâm, sau khi nhận được thông tin về việc rao bán đất thuộc dự án này, huyện đã lập đoàn vào kiểm tra và yêu cầu đơn vị chấm dứt mọi hành vi quảng cáo không đúng sự thực, tháo gỡ các thông tin rao bán đất rừng trên mạng. Địa phương cũng đã tiến hành xử lý, buộc khôi phục nguyên trạng ban đầu tại những vị trí mà đơn vị đã tiến hành san gạt trái phép. Hiện Phòng Tài chính đang tiếp tục kiểm tra các hoạt động tại dự án này.

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Lâm Đồng cho biết, Công ty TNHH Đại Hải được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2008, giao 280 ha đất lâm nghiệp trong vòng 50 năm để thực hiện dự án bảo vệ rừng, trồng rừng, trồng cao su kết hợp chăn nuôi. Trong đó, gần 57 ha rừng phải bảo vệ, 170 ha để trồng rừng, 2,45 ha trồng thử nghiệm cao su, 6,45 ha trồng cỏ chăn nuôi bò, 41,37 ha sản xuất nông nghiệp kết hợp...

Đến nay đã 11 năm trôi qua, mục tiêu dự án không có gì thay đổi, không hề có chức năng du lịch, nghỉ dưỡng, do đó việc phân lô rao bán đất làm trang trại nghỉ dưỡng là trái pháp luật; mặt khác, nhà nước quản lý theo dự án tổng thể chứ không cho tách nhỏ dự án nên những người mua đất sẽ bị rủi ro 100%.

Ngày 5/8, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho biết có nghe thông tin về việc phân lô đất lâm nghiệp tại dự án này và rao bán trên các trang mạng nên đã chỉ đạo Sở TN&MT tiến hành kiểm tra làm rõ. Địa phương yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng mục tiêu giao đất giao rừng để bảo vệ rừng, trồng rừng, kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và chăn nuôi; không thể chuyển đổi dự án này sang làm du lịch sinh thái.   

Rao bán trang trại nghỉ dưỡng trái phép trên đất rừng ảnh 1 Một trang trại đã có người mua

Ngày 5/8, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho biết, có nghe thông tin về việc phân lô đất lâm nghiệp tại dự án này và rao bán trên các trang mạng nên đã chỉ đạo Sở TN&MT tiến hành kiểm tra làm rõ.

MỚI - NÓNG