Rau an toàn đã an toàn?

Rau an toàn đã an toàn?
TP - Hà Nội đã từng xây dựng nhiều mô hình trồng rau an toàn (RAT), tuy nhiên đến nay chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.

Thiếu đồng bộ

Hà Nội là thị trường tiêu thụ rau rất lớn. Số lượng rau đạt tiêu chuẩn an toàn (rau sạch) còn quá ít so với nhu cầu của dân. Một số mô hình RAT chưa đem lại hiệu quả là do chưa được quy hoạch đồng bộ, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp).

Mô hình trồng RAT ở xã Thụy Hương (Chương Mỹ, Hà Nội) nằm trong chương trình điểm xây dựng nông thôn mới của thành phố Hà Nội. Đây là mô hình được các cấp chính quyền quan tâm. Nhưng vùng trồng rau vẫn ở dạng xôi đỗ (ruộng trồng rau, ruộng trồng ngô) chưa quy hoạch thành một vùng chuyên rau, chưa có hệ thống tưới nước sạch, chưa có nhà lưới... Đặc biệt là thiếu nguồn lao động, người tham gia trồng rau chủ yếu là những người cao tuổi, còn thanh niên đi làm thuê, buôn bán hoặc làm công nhân cho các nhà máy.

Theo đại diện Công ty CP Đầu tư TonKin, các kỹ sư nông nghiệp phải đến từng nhà để phân tích cho bà con về hiệu quả của việc tham gia dự án RAT, đến nay có hơn 90 hộ tham gia sản xuất với 7,6ha ở thôn Chúc Đồng 1 và Chúc Đồng 2. Khi hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng diện tích sẽ tăng lên 10ha.

Ông Nguyễn Đức Học - Chủ tịch UBND xã Thụy Hương cho biết: “Dự án RAT do Công ty CP Đầu tư TonKin phối hợp với HTX Nông nghiệp Thụy Hương tổ chức thực hiện từ tháng 9-2010 đến nay”.

Một nhà đầu tư vào ngành rau than phiền, thành phố Hà Nội có chủ trương dành nơi bán hàng cho RAT nhưng đến nay chưa thấy triển khai. Một số huyện chúng tôi có gửi công văn đến nhưng sau 5 tháng không thấy hồi âm. Hiện tại chúng tôi phải thuê địa điểm ở Hà Nội để làm nơi sơ chế rau. Nơi tiêu thụ chủ yếu là các khách hàng quen như tổng công ty, nhà hàng, bệnh viện, trường học... Hiện các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về địa điểm bán RAT, không thể thuê địa điểm 30 triệu đồng/tháng chỉ để bán 5.000 đồng/mớ rau.

Khó khăn về sản xuất, tiêu thụ

Chia sẻ về nghề trồng rau, lãnh đạo xã Thư Phú (Thường Tín, Hà Nội) cho biết: “Người dân trong xã sống chủ yếu từ nghề rau, nhiều nhà trở nên khá giả cũng từ cây rau. Có những hộ đầu tư hàng trăm triệu đồng để san lấp đất trồng rau, chuyển đổi từ ruộng lúa sang rau cho hiệu quả cao hơn nhiều lần. Chính quyền địa phương và người dân đang mong muốn dự án RAT sớm được triển khai ở đây. Với tâm huyết và kinh nghiệm của người dân, dự án RAT sẽ thành công”.

Đối với người trồng rau tự phát cũng đang gặp khó khăn về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Một người trồng rau cho rằng, hiện nay, do không được đào tạo nên khi đi mua thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu nhiều lúc mất tiền mà không hiệu quả, phun mấy lần mà sâu không chết.

Tính đến hết tháng 12 - 2010, Sở NN&PTNT đã cấp được 51 giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT và 18 giấy chứng nhận đủ điều kiện sơ chế RAT. Hiện toàn TP đã có 17 dự án xây dựng vùng sản xuất RAT tập trung trình Sở NN&PTNT và UBND thành phố Hà Nội với tổng diện tích 2.097ha. Đã có 7 dự án được phê duyệt với tổng diện tích 359 ha.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG