Rau an toàn tại đồng bằng sông Hồng: Vẫn 'giậm chân tại chỗ'

Rau an toàn tại đồng bằng sông Hồng: Vẫn 'giậm chân tại chỗ'
TP - Việc triển khai quy hoạch sản xuất rau an toàn (RAT) ở khu vực đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) giậm chân tại chỗ.
Rau an toàn tại đồng bằng sông Hồng: Vẫn 'giậm chân tại chỗ' ảnh 1
Trồng rau an toàn ở khu vực đồng bằng sông Hồng - Ảnh: Phạm Anh

Đến nay mới chỉ có 670/14.000 ha trong quy hoạch RAT được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT, một con số khiêm tốn và không tăng so với diện tích của năm 2007.

Ông Doãn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hưng Yên cho biết, tỉnh này có khoảng 12.000 ha sản xuất rau hàng năm, nhưng đến nay vẫn chưa có quy hoạch vùng sản xuất RAT, dù dự án đã được Sở xây dựng từ năm 2004. Vì thế, việc tổ chức cấp giấy chứng nhận vùng đủ điều kiện sản xuất RAT cũng chưa có.

Ông Tuấn cho hay, sở dĩ việc quy hoạch vùng RAT còn chậm chạp, gặp nhiều khó khăn là vì đội ngũ cán bộ quản lý không đủ năng lực để xây dựng, ban hành các văn bản liên quan đến sản xuất RAT. Các dự án khi trình lại bị trả về do bộ phận thẩm định, duyệt dự án ban đầu chuyên môn chưa cao.

Trong khi đó, ông Phạm Đồng Quảng - Cục Phó Cục Trồng trọt, cho rằng, sự chậm trễ trên do các ngành, các cấp chưa quan tâm sát sao, việc đầu tư hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh RAT còn kém. Một số tỉnh thành có đề án nhưng vẫn chưa được phê duyệt.

Hiện, các tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh đã hình thành vùng liên kết sản xuất RAT hơn 10 năm nay, diện tích rau 100.000 ha.

Cần sự đồng bộ

Theo Cục Trồng trọt, tổng diện tích rau cả nước đến năm 2008 là 722.000 ha, trong đó, miền Bắc chiếm khoảng 390.000 ha.

Dù vậy, diện tích để sản xuất RAT tập trung của cả nước theo quy hoạch còn thấp, chỉ đạt 8-8,5 phần trăm.

Riêng ĐBSH diện tích quy hoạch RAT chỉ đạt hơn 14.000 ha, phần lớn tập trung ở Hà Nội (gần 7.000 ha); Hải Dương (3.000 ha); Hải Phòng (2.500 ha).

Trong Hội nghị phát triển RAT vùng ĐBSH diễn ra tại Hưng Yên ngày 28/7, nhiều ý kiến cho rằng, muốn sản xuất RAT phải đầu tư đồng bộ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Tuy nhiên, thời gian qua, khâu tổ chức sản xuất còn bị xem nhẹ; một số văn bản, quy định về sản xuất RAT chưa cụ thể, gần gũi với nông dân.

Theo TS Nguyễn Trí Ngọc - Cục Trưởng Cục Trồng trọt, muốn sản xuất RAT cần hiểu rõ thị trường, từ đó, tạo áp lực lên những người quản lý cũng như bà con nông dân. Lâu nay, có nhiều văn bản liên quan đến hỗ trợ, phát triển RAT từ T.Ư, nhưng cán bộ cơ sở lại lúng túng, không biết tham mưu, triển khai thế nào cho hiệu quả.

Ông Ngọc cho rằng, vấn đề sản xuất RAT không thể để đầu voi đuôi chuột, hô hào mà phải tạo sự đồng bộ từ T.Ư xuống địa phương.

Bên cạnh đó, sau gần 15 năm sản xuất RAT, việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT chỉ thực hiện cho khoảng tám phần trăm diện tích RAT. TS Lê Văn Bầm - Vụ Khoa học Công nghệ & Môi trường (Bộ NN&PTNT) cho rằng, nếu các khâu cứ tiến với tốc độ rùa như hiện nay thì còn lâu nước ta mới có được RAT.

MỚI - NÓNG