Rau Hoàng Mai : CQ quản lý “đá” nhau, nông dân lĩnh đủ

Rau Hoàng Mai : CQ quản lý “đá” nhau, nông dân lĩnh đủ
TP - Rất hiếm trong lịch sử quản lý chất lượng, an toàn và vệ sinh thực phẩm nước ta có hiện tượng 2 cơ quan quản lý nhà nước không chịu công nhận quan điểm và kết quả xét nghiệm của nhau.
Rau Hoàng Mai : CQ quản lý “đá” nhau, nông dân lĩnh đủ ảnh 1
Phun thuốc trừ sâu cho rau

Để rộng đường dư luận, Tiền phong xin đăng ý kiến của cả hai bên và tình trạng khó khăn của bà con trồng rau Hoàng Mai vì những kết luận trái chiều nhau của 2 cơ quan quản lý.

Chi cục BVTV Hà Nội: Không thể bảo vệ kết quả không có thật!

Trước thông tin Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm (FA) quyết định tiếp tục làm thêm một cuộc xét nghiệm nữa cho rau Hoàng Mai dù đã công nhận kết quả phân tích của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hoa - Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội - bộc bạch:

Tôi không hiểu tại sao FA cứ khư khư bảo vệ một kết quả không có thật. Ba loại hóa chất mà FA công bố có trong rau Hoàng Mai (BHC, Endrin, Heptachlor) đều là những chất có gốc clo độc hại và bị cấm sử dụng từ gần 20 năm nay rồi.

Chúng tôi cam đoan những chất này không còn trên thị trường Việt Nam. Năm ngoái, chúng tôi từng phải từ bỏ một số thí nghiệm (yêu cầu sử dụng một số chất cấm) vì không thể mua được. Xét nghiệm thấy một loại thuốc không còn tồn tại là điều phi lý.

Phi lý nữa là một loại rau mà FA phát hiện phun tới 4 – 5 loại thuốc trong khi rau đầu mùa làm gì có sâu mà phun lắm thế!

Chúng tôi cũng từng lo ngại rau đó được trồng trên nền kho thuốc cũ nên trong đất còn tồn dư hóa chất. Tuy  nhiên, 36 mẫu rau chúng tôi gửi đến 2 trung tâm hàng đầu về phân tích thuốc BVTV là Trung tâm Kiểm định thuốc BVTV phía Bắc (thuộc Cục BVTV) và Trung tâm Môi trường&Nhà đất (thuộc Sở Tài nguyên Môi trường&Nhà đất) đều không phát hiện loại thuốc nào.

Chỉ còn một loại gốc lân hữu cơ do FA công bố là chúng tôi không dám chắc còn hay không. Vì mặc dù năm 2005 không phát hiện vụ nào, nhưng năm 2004 chúng tôi vẫn bắt được một vụ sử dụng loại này.

Như vậy, nếu FA chỉ tiến hành phân tích lại loại thuốc gốc lân hữu cơ thì còn có lý. Bằng không, FA nhất quyết phân tích các mẫu thuốc gốc clo không còn tồn tại thì chỉ làm lãng phí tiền của Nhà nước.

Mặc dù công nhận kết quả của Chi cục BVTV, nhưng FA khẳng định họ cũng làm đúng quy trình.

Ông Hà - Thanh tra của Chi cục chúng tôi – là người tham gia buổi lấy mẫu hôm đó phát hiện FA lấy mẫu sai đối với rau muống khi cho lấy rau ở ruộng còn trong thời gian cách ly (chưa thu hoạch, chưa mang đi tiêu thụ). Khi đó, ông Hà có ý kiến về việc này nhưng phía FA vẫn cho giữ lại mẫu.

Kết quả phân tích sau đó được FA gửi cho chúng tôi chỉ ra rằng trên rau muống tồn dư tới 5  loại thuốc BVTV gốc clo. Ngay lúc đó, chúng tôi có ý kiến FA không nên vội vã công bố kết quả và cần xem lại việc phân tích.

Tuy nhiên, FA vẫn cho công bố. Đáng lưu ý là kết quả FA công bố cho báo chí lại khác kết quả đưa cho chúng tôi. Trong bản kết quả gửi chúng tôi, 5 mẫu thuốc BVTV đều có gốc clo trong khi bản công bố cho báo chí chỉ còn 3 loại gốc clo và loại thuốc gốc lân hữu cơ.

Như vậy có nghĩa là bà phủ nhận kết quả của FA?

Chắc chắn đó là kết quả không có thật. Ông Cục trưởng FA không có lý do gì đến thời điểm này không thừa nhận kết quả sai mà nguyên nhân có thể do sơ xuất trong khâu phân tích của Viện Dinh dưỡng (nơi tiến hành phân tích cho FA).

Có thể xem xét lại loại thuốc gốc lân hữu cơ do có thể đôi chỗ dân vẫn lén lút dùng. Tuy nhiên, việc này cũng khó xảy ra vì hiện nay họ đã thay thuốc này bằng thuốc kích thích tăng trưởng dễ kiếm hơn.

Còn với 3 loại thuốc gốc clo, chắc chắn không có. Chúng tôi sẽ bảo vệ quan điểm này đến cùng. Thuốc không còn lưu hành từ 20 năm nay mà đổ cho dân dùng thì oan cho họ quá.

Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm: Chúng tôi không sai!

Cục trưởng FA, TS Trần Đáng, quả quyết kết quả xét nghiệm của FA được thực hiện đúng quy trình của Nhà nước trên cơ sở các máy móc đạt chuẩn.

Chúng tôi có cuộc trao đổi thêm với ông Lê Văn Giang - Trưởng phòng Khoa học Kỹ thuật&Tiêu chuẩn của FA - về vấn đề này:

Chi cục BVTV Hà Nội cho rằng FA lấy mẫu ở ruộng rau còn đang trong thời gian cách ly. Một cán bộ của Chi cục BVTV đi cùng đoàn phản đối nhưng không được chấp thuận.

Chúng tôi cam đoan không làm sai vì người bán mẫu rau cho chúng tôi phải ký vào biên bản cam kết rau ở ruộng mình đang trong thời kỳ thu hoạch và hoàn toàn chịu trách nhiệm về cam kết này.

Những chữ ký đó còn lưu lại trong bộ hồ sơ mà Viện Dinh dưỡng đang giữ. Nếu bên nông nghiệp nói đó là ruộng còn trong thời gian cách ly và 2 ngày sau quay lại rau vẫn còn nguyên, chưa thu hoạch, họ cần xem lại có đúng ruộng đó, của nông dân đó hay không.

Hơn thế, tại buổi làm việc, chúng tôi không hề thấy ai có ý kiến phản đối. Nếu có phải nói ngay lúc đó và ghi lại trong biên bản làm việc chứ. Anh Hà- Cán bộ Chi cục BVTV - đi cùng đoàn hôm đó, không nói gì. Còn việc anh Hà nói ở đâu đó hoặc nói với ai thì chúng tôi không biết.

Căn cứ nào khiến FA công nhận kết quả xét nghiệm của Chi cục BVTV?

Chúng tôi thấy quy trình lấy mẫu, phương pháp, quy tắc làm phân tích, xét nghiệm của Chi cục BVTV là đúng.

Như vậy nghĩa là FA phủ nhận kết quả phân tích của mình?

Những gì y tế chúng tôi làm cũng hoàn toàn đúng quy trình. Ngay sau khi có sai lệch kết quả của Chi cục BVTV, FA tới ngay Viện Dinh dưỡng - nơi trực tiếp làm phân tích cho FA. Chúng tôi khẳng định quy trình phân tích được thực hiện đúng.

Mỗi lần tiến hành lấy mẫu phân tích nghe nói rất tốn kém?

Đúng vậy. Để phân tích một chỉ tiêu kim loại chúng tôi phải bỏ ra 300.000 – 400.000 đồng, chỉ tiêu thuốc trừ sâu 500.000 đồng… Vì thế chúng tôi không thể lấy nhiều mẫu.

Đắt thế có nhất thiết  tổ chức thêm một đợt lấy mẫu phân tích nữa không hay chỉ cần hai phía y tế, nông nghiệp  bàn lại lần nữa để thống nhất kết luận?

Tôi không bình luận gì về vấn đề này. Tuy nhiên, nếu có điều kiện, tội gì không làm. Thậm chí phải làm thường xuyên để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hơn thế nữa, dư luận đang băn khoăn không biết đúng sai thế nào. Đứng về phía người tiêu dùng, tôi cho rằng một đợt xét nghiệm nữa là phù hợp với mong muốn của dân.

Bao giờ FA sẽ tiến hành đợt lấy mẫu phân tích này?

Chúng tôi chưa nhận được lệnh từ phía Bộ Y tế.

Rau Hoàng Mai vẫn ế

Ngày nào cũng thế, 2 giờ sáng là bình minh của gia đình chị Lưu Thị Cải, thôn Bằng B (phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội). Vợ chồng chị và hai con cùng ra ruộng hái rau. Rau muống, rau cần, cải xoong, mồng tơi…, mùa nào thức nấy.

Mồng tơi 3 - 4 tháng mới hái được một lứa. Rau cần 2 tháng một lứa. Rau muống tháng rưỡi. Cải xoong 1 tháng. Mùa đông cũng như mùa hè, gia đình chị Cải ngâm chân trong thứ nước đen đặc, dậy mùi này khi bóng tối còn bao phủ.

Khúc sông Tô Lịch chảy qua thôn ám vào từng lá cây ngọn cỏ nơi này mùi đặc trưng của nó. Giống như nhiều người làng khác, chị Cải sống bám vào khúc sông, ngày vài lượt xách thùng ra sông múc thứ nước đen sánh về tưới cho ruộng rau.

Rau hái xong, cả nhà gồng gánh ra cái ao chung của thôn để rửa. Xong bó lại từng bó, chuyển cho các đầu nậu rau chở đi bỏ mối ở các chợ nội thành Hà Nội. “Cả nhà tôi trông vào 2  sào rau đủ loại. Có bữa rau được giá nhưng cũng có khi ế ẩm, vài trăm đồng một mớ. Tuy nhiên vẫn còn hơn bây giờ”-Chị Cải thở dài.

Bây giờ không riêng ruộng rau nhà chị Cải, nhiều nhà khác cũng chung số phận ế ẩm. “Đài, báo, các đoàn kiểm tra về đây làm đảo lộn cuộc sống của chúng tôi. Nay đoàn nọ, mai đoàn kia. Sắp tới nghe đâu họ lại về lần nữa”-Chị Cải nói thêm.

Bà N., có ruộng rau muống ngay sát ruộng nhà chị Cải, chỉ vào bè rau đã già, bực bội: “Không ai mua, ruộng rau đành bỏ cho lợn, cho cá ăn không hết!”

Chị P. vừa phun thuốc mỡ lá cho rau muống,  một loại hóa chất mùi vô cùng khủng khiếp, vừa trả lời dè chừng: “Từ xưa đến nay chúng tôi vẫn tưới rau bằng nước sông Tô Lịch có sao đâu. Thuốc trừ sâu, thuốc mỡ lá thi thoảng mới dùng. Chúng tôi sống bằng rau nên chỉ khai thác vài vụ là cấy bè mới, gọi là rau xơ mới. Vì thế rau non, mỡ màng chứ đâu phải do thuốc kích thích tăng trưởng”

Sau khi Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm (FA) công bố rau Hoàng Mai đạt các tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế, rau nhúc nhắc bán được. Mới đây, cũng FA công bố phát hiện tồn dư của bốn loại thuốc bảo vệ thực vật không có trong danh mục, rau Hoàng Mai lại một phen lao đao.

Mỹ Hằng
(thực hiện)

MỚI - NÓNG