Rối chia tiền bồi thường của Vedan

Dân băn khoăn vì cách chia tiền chưa rõ ràng
Dân băn khoăn vì cách chia tiền chưa rõ ràng
TP - Hôm qua, 22-12, Ban chỉ đạo chi trả tiền bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng do Cty Vedan Việt Nam gây ô nhiễm môi trường tỉnh Đồng Nai đã họp dân xã Tam Phước (huyện Long Thành) bỏ phiếu lấy ý kiến. Tuy nhiên, cách chia tiền vẫn rối như canh hẹ...

>> BR-VT: Một số hộ dân không nhận tiền bồi thường của Vedan

 Dân băn khoăn vì cách chia tiền chưa rõ ràng
Dân băn khoăn vì cách chia tiền chưa rõ ràng.

Cào bằng vùng ô nhiễm

Theo thống kê, Đồng Nai có số hộ bị thiệt hại lớn nhất (so với Bà Rịa-Vũng Tàu và TPHCM). Theo thống kê của Viện Môi trường Tài nguyên vùng ô nhiễm trên địa bàn 4 xã của hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch là hơn 10.000 hécta. Tỉnh Đồng Nai có trên 6.000 đơn của người dân yêu cầu Cty Vedan bồi thường thiệt hại. Tổng số tiền Cty Vedan bồi thường cho người dân bị thiệt hại ở Đồng Nai là gần 120 tỷ đồng.

Hiện nay, cơ sở để xác định bồi thường dựa vào cách tính của Viện Môi trường Tài nguyên. Theo tính toán của Viện này, mức độ ô nhiễm phân chia thành ba vùng: Vùng ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng, vùng ô nhiễm nghiêm trọng và vùng ô nhiễm. Tuy nhiên, việc xác định chính xác từng vùng rất khó khăn.

Sau khi tính toán, tỉnh Đồng Nai quyết định lấy ý kiến người dân, theo hướng đối với nhóm nuôi trồng thủy sản sẽ không phân biệt vùng ô nhiễm mà đền bù theo diện tích nuôi thực tế bị ô nhiễm, được tính theo phương thức nuôi, và số tiền chi trả bình quân của một héc-ta mặt nước bị ô nhiễm sẽ căn cứ theo tổng giá trị thiệt hại.

BCĐ sẽ căn cứ vào mức độ đầu tư của từng phương thức để chi trả theo hệ số quảng canh, bán thâm canh và thâm canh. Đối với những hộ dân khai thác thủy sản cũng không phân biệt vùng ô nhiễm mà căn cứ vào mức độ đầu tư của từng nghề khai thác để chi trả tiền. Việc tổ chức lấy ý kiến người dân trên quan điểm đồng ý hay không đồng ý theo phiếu thăm dò.

Ông Trần Như Độ, Chủ tịch Hội Nông dân Đồng Nai nói: “Việc chi trả bồi thường là rất quan trọng, không khéo sẽ xảy ra so bì, khiếu kiện. Quan điểm của tỉnh Đồng Nai là chia hết tiền bồi thường cho dân và việc chi trả tiền phải được thực hiện xong trước Tết Nguyên đán, nhưng phải xác định kỹ để không bỏ sót người bị thiệt hại và không để người không bị thiệt hại lợi dụng kê khai nhận tiền”.

Băn khoăn

Tuy nhiên, hàng trăm người dân có mặt tại xã Long Phước đều tỏ ra bối rối trước cách lấy ý kiến của tỉnh. Bởi phiếu thăm dò chỉ lấy ý kiến theo kiểu đồng ý hay không đồng ý với cách mà BCĐ đưa ra.

Anh Dương Văn Tạo, ấp Lập Thọ, xã Long Phước nói: “Chúng tôi đồng ý không phân biệt vùng ô nhiễm, nhưng BCĐ không đưa ra con số cụ thể mỗi héc-ta bị thiệt hại được chia bao nhiêu tiền nên chúng tôi thấy tù mù quá. Tôi hỏi BCĐ thì họ cũng không biết mà kêu tôi tự ước tính lấy. Lẽ ra BCĐ phải đưa ra phương cách tính, chia như thế nào cho dân hiểu, thì chúng tôi mới bày tỏ ý kiến đồng ý hay không”.

Ông Châu Duy Phúc ở xã Long Thọ (Nhơn Trạch) cũng đồng tình với việc không phân biệt vùng ô nhiễm, nhưng phải chỉ cho tôi cách chia tiền cụ thể như thế nào. Còn ông Võ Tấn Hưng ở xã Long Phước thì khiếu nại: “Tôi có 1,5 héc-ta nuôi tôm từ năm 1987, đến năm 2002 thì cho người khác thuê, bây giờ người thuê thì có tên trong danh sách được nhận bồi thường còn tôi thì không được xét”.

Ngay cả những cán bộ từ huyện Nhơn Trạch sang dự cuộc họp để rút kinh nghiệm cho việc lấy ý kiến người dân tại địa phương mình cũng không hiểu được cách thực hiện của BCĐ. Ông Huỳnh Văn Chiến, Thường vụ Hội Nông dân huyện Nhơn Trạch cho rằng tổ chức phát phiếu lấy ý kiến như thế này người dân sẽ không hiểu, BCĐ phải tính toán đưa ra mức nuôi quảng canh, thâm canh, bán thâm canh mỗi héc-ta là bao nhiêu tiền để người dân có cơ sở tính toán trước khi bỏ phiếu đồng ý hay không đồng ý.

Trước đó, nhiều hộ dân tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã nhận bồi thường. Toàn tỉnh có 1.255 hộ nằm trong diện bồi thường. Số tiền cụ thể mỗi hộ dân nhận được tính bằng cách lấy số tiền mỗi hộ dân tự kê khai thiệt hại trước đây nhân với tỷ lệ 24,7% (đây là tỷ lệ giữa số tiền hơn 216 tỷ đồng - tiền tổng thiệt hại kinh tế do ô nhiễm sông Thị Vải gây ra đã được thẩm tra, xác minh và hơn 53,6 tỷ đồng là số tiền Vedan chấp nhận bồi thường cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Đến nay, cơ bản tỉnh này đã chi trả bồi thường hết cho dân, chỉ còn vài chục hộ tại xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành chưa chịu nhận tiền vì cho rằng cách chia không công bằng giữa hộ bị thiệt hại nhiều và ít. 

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...