Rối loạn tâm thần do lên đồng

Rối loạn tâm thần do lên đồng
TP - Số bệnh nhân đến điều trị ở Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia ngày càng tăng bởi nhiều nguyên nhân (Tiền Phong đã phản ánh trong loạt phóng sự Mê quá hóa tâm thần). Gần đây, xuất hiện chứng bệnh ít được đề cập là rối loạn tâm thần do lên đồng.

Mê quá hóa tâm thần
> Nhập viện vì nghiện chat sex
> Nguyên nhân và cách chữa trị

Từ chuyện đi tìm mộ

Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng T4 (Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia), đưa chúng tôi tới thăm khám bệnh nhân Nga (ngoài 50 tuổi, quê Thạch Thất, Hà Nội) bị tâm thần sau khi đi tìm mộ chồng. Khi nhập viện, bệnh nhân thần sắc lờ đờ, môi thâm tái, nói lảm nhảm. Có những lúc, bệnh nhân Nga tự nhận mình là thần thánh, có thể hô thần nhập tượng...

Tương tự, bệnh nhân Hương (63 tuổi, trú tại Ngọc Hồi, Hà Nội) cũng nhập viện sau nhiều lần đi tìm mộ chồng. Sau khi nuôi hai con trưởng thành, bà Hương quyết định tìm đến nhà ngoại cảm để áp vong gọi hồn, mong sớm tìm được hài cốt của chồng để đưa về quê. Dù nhờ đến nhiều thầy, mất nhiều công sức, tiền bạc, nhưng càng tìm bà Hương càng u mê khi không biết mộ chồng ở đâu. Dần dà, bà Hương trở nên hoang tưởng, hát hò suốt ngày, gia đình lo lắng phải đưa vào viện điều trị. Tại đây, bà Hương phải dùng tới thuốc an thần liều cao mới tạm bình thần được.

BS Dũng cho biết, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia từng điều trị cho những bệnh nhân có tình tiết đặc biệt hơn. Bệnh nhân Loan (36 tuổi), một phụ nữ nhan sắc, làm kinh doanh ở phố Minh Khai (Hà Nội) nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, la hét, kích động. Trước đó, chị cùng gia đình thuê xe ô tô xuống một nhà ngoại cảm ở Xuân Trường (Nam Định), và thức ở đó 2 đêm liền để nhà ngoại cảm hô thần nhập tượng, mong sớm tìm được hài cốt của người thân hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Được sự chỉ dẫn của nhà ngoại cảm, gia đình chị Loan bắt đầu hành trình hàng trăm cây số vào Quảng Trị tìm thân nhân. Tới nơi, gia đình đào rất sâu theo hướng dẫn, song chỉ lấy được ít bùn mang về. Sau quá trình tìm mộ, chị Loan như bị vong nhập, hành động lúc nào cũng như đang cúng bái, hát cả ngày không mệt. Sự việc này khiến gia đình rất lo sợ bởi sức khỏe chị Loan trước đó hoàn toàn bình thường, không có biểu hiện gì về tâm thần. Người nhà vội đưa người bệnh gặp lại thầy để trừ tà, hay rời vong. Thầy cúng nhiều ngày nhưng vong vẫn không ra. Thấy người bệnh tiếp tục gào thét, gia đình phải đưa vào viện điều trị. Sau hơn hai tuần điều trị, tinh thần bệnh nhân mới bắt đầu trở lại bình thường.

Mai (19 tuổi, nhà ở khu phố cổ Hà Nội) là bệnh nhân tâm thần do lên đồng trẻ tuổi nhất được điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia. Theo lời kể của gia đình, trong lần nhờ nhà ngoại cảm tìm mộ liệt sỹ, Mai bỗng xuất hiện một số cử chỉ, hành động (như hút thuốc lào) giống hệt ông trước đây. Sau đó, Mai cùng gia đình vào Tây Nguyên, khẳng định mộ của ông nằm dưới mô đất bên một dòng suối, hài cốt đựng trong túi nilon. Sau khi tìm mộ được một thời gian, Mai bỗng dưng nói cười, khóc lóc, thỉnh thoảng lại bảo nhìn thấy ông. Lúc đó, Mai đang học năm đầu đại học, bố mẹ phải xin bảo lưu kết quả để con chữa bệnh.

Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia cũng điều trị không ít bệnh nhân ở các tỉnh từng đến một số trung tâm tìm kiếm mộ liệt sỹ để tìm mộ người thân. Bệnh nhân Hà (quê ở miền Trung, đã tốt nghiệp đại học), trở thành nạn nhân của tình trạng áp vong khi cùng gia đình đi tìm mộ của anh trai mẹ. Không rõ từ nguồn cơn nào, Hà bỗng dưng như bị bác nhập vào, rồi chỉ đường cho gia đình vào Quảng Trị tìm mộ. Hành trình tìm mộ kết thúc không như mong muốn, đồng thời biến Hà trở thành người tâm thần bấn loạn, thỉnh thoảng lại khoa chân múa tay như người lên đồng. Không chịu đựng được, cô gái phải nhờ tới bác sỹ chuyên khoa tâm thần điều trị vài tháng liền mới đỡ.

Vì đâu nên nỗi?

Người bị vong nhập sẽ bị những ám thị lạ và tự ám thị mạnh, có những biểu hiện rối loạn của người lên đồng, nhiều khi muốn thoát ra khỏi tình trạng này không được. “Đây là một căn bệnh còn khá xa lạ với người dân, được gọi là các rối loạn lên đồng và bị xâm nhập”, BS Dũng nói.

BS Dũng cho biết, những người tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm thường ngồi tập trung giống như thiền, để đầu mình trống rỗng trong trạng thái vô thức. Khi cơ thể chìm vào vô thức, tiềm thức của bộ não sẽ hoạt động mạnh. Lúc này những giọng nói từ bên ngoài của nhà ngoại cảm dễ được bộ não ghi lại, tự ám thị thành những hình ảnh đặc biệt. Nếu tự ám thị là liệt sĩ, người bị vong nhập sẽ biến thành liệt sĩ. Thế là những người mắc hội chứng bị xâm nhập này tự cho mình được điều khiển bởi một thế lực cao siêu nên có những hành vi hoang tưởng, có cử chỉ của người đã khuất mà không điều khiển được hành vi của mình. Đến khi không tìm thấy mộ người thân, họ bị sang chấn tâm lý sinh ra lo lắng, tiếc của, thất vọng... dẫn tới tâm thần. “Những người bị các rối loạn lên đồng và bị xâm nhập thường có cảm xúc bất ổn định, thần kinh yếu, lập trường hay thay đổi nên dễ đi theo dòng suy nghĩ của nhà ngoại cảm. Từ đó kích thích cơ thể sản xuất ra một chất làm tăng lượng ảo giác (seretolin) làm bệnh nhân hưng phấn, gây ra trạng thái hoang tưởng nhận nhầm”, BS Dũng nói.

PGS.TS Trần Văn Cường, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, nhìn nhận, khả năng ngoại cảm có nhiều điều chưa giải thích được. Tuy nhiên, đối với những người bị rối loạn lên đồng và bị xâm nhập có thể lý giải theo cơ chế giọt nước cuối cùng. Nghĩa là bản thân người đó đã có vấn đề về thần kinh ở mức độ nặng hoặc nhẹ, đến khi chịu sự tác động của nhà ngoại cảm thì việc họ có mắc bệnh hay không tuỳ thuộc vào sức đề kháng của bộ não. Đối với người mầm bệnh đã ủ đầy, chỉ chờ giọt nước cuối cùng, tức sự tác động của ngoại cảm là phát thành cơn.

BS Dũng cho biết: “Đối với các bệnh nhân bị rối loạn lên đồng và bị xâm nhập đều phải điều trị liều an thần kinh cao kết hợp với các biện pháp chữa trị bằng tâm lý như giải thích, nói chuyện, phân tích... Thông thường, các bệnh nhân điều trị khoảng vài tuần thì ra viện, có trường hợp phải chữa trị vài tháng”.

Để phòng tránh căn bệnh này, BS Dũng khuyên: Tìm mộ liệt sĩ là việc làm đúng, nhưng nếu lao vào đó một cách thái quá mà không lo giữ gìn sức khoẻ thì dễ dẫn tới sang chấn tâm lý, rối loạn tâm thần. Hơn nữa, tại các trung tâm tìm mộ liệt sỹ, không khí luôn ngột ngạt, người hò hét, kẻ khóc lóc, để vong nhập phải đợi không ít thời gian nên rất mệt mỏi, nhất là với những người thần kinh yếu. Đến khi ủ bệnh, họ còn mất nhiều ngày lặn lội, đào bới tìm hài cốt nên việc phát bệnh chỉ là vấn đề thời gian. Hầu hết, bệnh nhân tâm thần điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia đều phát bệnh sau khi đi tìm mộ về.

Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG