Rơi máy bay quân sự: Người thân, hàng xóm xót thương phi công tử nạn

Rơi máy bay quân sự: Người thân, hàng xóm xót thương phi công tử nạn
TPO - Biết tin vụ máy bay quân sự Su-22 rơi tại Nghệ An, nhiều người thân cùng xóm làng đã tới gia đình trung tá Khuất Mạnh Trí (SN 1978, quê thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội), một trong hai phi công tử vong chia buồn.

Chiều 26/7, trong ngôi nhà nhỏ tại phố Phạm Ngũ Lão, phường Lê Lợi (Sơn Tây, Hà Nội), hàng chục người dân cùng tổ dân phố tới động viên, chia sẻ với gia đình phi công Khuất Mạnh Trí (SN 1978), một trong hai phi công gặp nạn tử vong khi bay huấn luyện tại Nghệ An trưa cùng ngày.

Thất thần trước thềm nhà, chị Khuất Minh (em họ trung tá Khuất Mạnh Trí) vẫn như chưa tin người anh họ là phi công gặp nạn. Chị cho biết, trước đây lần nào nắm thông tin máy bay rơi, chị cũng nhắn hỏi “có biết thông tin chưa và anh bay ổn không” thì đều nhận hồi âm “cô yên tâm, anh bay ổn”.

Tuy nhiên, trưa 26/7, khi hay tin vụ việc ở Nghệ An, chị nhắn tin thì điện thoại báo không gửi được, chị tiếp tục gọi điện thì tổng đài báo không có liên lạc. “Lúc đó, trong đầu tôi vẫn không nghĩ máy bay của anh không rơi. Tới 14h cùng ngày, khi nhận tin dữ từ người thân, tôi rụng rời tay chân”, chị Khuất Minh đau buồn cho biết.

Chị Minh cũng chia sẻ, anh Trí sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Sơn Tây. Là người anh cả trong gia đình, từ nhỏ anh Trí rất chăm học và luôn lo lắng, quan tâm tới mọi người trong gia đình. Tốt nghiệp cấp 3, anh đỗ Đại học Bách khoa và Học viện Phòng không nhưng lại chọn theo nghiệp bố, vào quân đội. Từ đó, anh bay liên tục, ít về nhà.

Rơi máy bay quân sự: Người thân, hàng xóm xót thương phi công tử nạn ảnh 1 Người dân khu phố và người thân tới chia buồn với gia đình  trung tá Khuất Mạnh Trí. Ảnh: Quân Nguyễn.

Một người dân ở đường Phạm Ngũ Lão cho biết, anh Trí rất khiêm tốn. Mỗi lần đi công tác về, anh đều mặc thường phục nên hàng xóm chỉ biết anh Trí công tác trong quân đội chứ không biết là một phi công giỏi. 

"Khi nghe về vụ việc máy bay quân sự rơi tại Nghệ An, mọi người đều cầu mong có một phép màu nào đó để Trí bình an trở về nhưng điều đó đã không xảy ra. Người dân cả khu phố đã tới động viên, chia buồn với gia đình, vợ con phi công Khuất Mạnh Trí”, một người hàng xóm chia sẻ.

Thông tin chính thức từ Bộ Quốc phòng cho biết, lúc 11h16 ngày 26/7, máy bay Su-22U, số hiệu 8551 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân thực hiện bay huấn luyện, mất liên lạc lúc 11h35 và rơi tại làng Dừa, xã Nghĩa Yên (Nghĩa Đàn, Nghệ An).

Hai phi công bay huấn luyện đã hy sinh, gồm: Trung tá Khuất Mạnh Trí - Phó Trung đoàn trưởng Tham mưu trưởng (SN 1978; quê quán: phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) và Thượng tá Phạm Giang Nam - Chủ nhiệm bay Trung đoàn 921 (SN 1972; quê quán: Thụy Bình, Thái Thụy, Thái Bình). 

Sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân phối hợp với các đơn vị liên quan trên địa bàn tổ chức cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.