Rời nhiệm sở, trăn trở vẫn còn

TP - Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội chiều 8/4, ít phút trước khi Quốc hội công bố kết quả kiểm phiếu miễn nhiệm, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) Phạm Thị Hải Chuyền đã chia sẻ những trăn trở và mong muốn trước khi bà rời nhiệm sở.

Bà Chuyền cho biết, trong nhiệm kỳ bà làm bộ trưởng đã có 6 dự án luật được thông qua, trong đó có Luật Lao động, Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm... giúp mối quan hệ giữa người lao động với chủ lao động có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, bà còn nhiều trăn trở đối với chính sách cho người lao động, người có công. Với trên 8 triệu người có công, gần 3 triệu người được hưởng trợ cấp thường xuyên, nhưng mức trợ cấp chưa cao, thậm chí với nhiều lý do, đến nay vẫn còn một số người chưa được hưởng chế độ chính sách.

Rời nhiệm sở, trăn trở vẫn còn ảnh 1

Bà Phạm Thị Hải Chuyền. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Liên quan đến mặt bằng tiền lương của người lao động, theo Bộ trưởng Chuyền, dù Chính phủ đã có lộ trình nâng lương tối thiểu vùng hàng năm, nhưng so với nhu cầu tiêu dùng tối thiểu thì người lao động bình thường vẫn khó khăn. “Chính phủ rất trăn trở nhưng khi nghe tình hình của doanh nghiệp, nếu lương tăng cao nữa sẽ rất khó cho họ. Chính bởi vậy phải làm thế nào cởi được nút thắt, để doanh nghiệp có điều kiện phát triển tốt hơn, từ đó đời sống của người lao động sẽ được cải thiện hơn. Đó là cách tốt nhất chứ không phải yêu cầu doanh nghiệp nâng lương cho người lao động khi họ còn khó khăn. Ngược lại cũng không thể chấp nhận khi doanh nghiệp làm ăn tốt mà đời sống người lao động lại thấp”, bà Chuyền nói.

Trước thực trạng 200 nghìn cử nhân thất nghiệp, bà Chuyền cho rằng, nguyên nhân đầu tiên do cơ cấu đào tạo hiện nay chưa phù hợp. Lao động kỹ thuật cao vẫn thiếu và vẫn phải nhận lao động từ nước ngoài. Theo bà Chuyền, giải pháp khắc phục tình trạng này là phải học và đào tạo theo yêu cầu của thị trường chứ không theo cái mình muốn. Bà cảnh báo, tới đây, khi đã hội nhập TPP và ASEAN trở thành một cộng đồng chung, nếu trình độ, kỹ năng của người lao động như hiện nay sẽ rất khó có việc làm tốt. 

“Cùng với việc Nhà nước tạo các cơ chế, tôi mong muốn người lao động phải đảm bảo chất lượng lao động của mình, như kỹ năng, ý thức và chuyên môn nghiệp vụ để có được việc làm tốt hơn. Đối với các bạn trẻ, nếu có kiến thức rồi thì nên chủ động vay vốn, mở doanh nghiệp, chủ động tìm hướng đi mới, đó chính là hướng đi tốt nhất để tạo được nhiều việc làm”, bà Chuyền nói.

MỚI - NÓNG