Rơi rớt thời bao cấp

Rơi rớt thời bao cấp
TP - "Bộ Tư pháp có thành văn phòng luật sư?" - bài viết của Tiến sỹ Nguyễn Quang A trên Tiền Phong ngày 10-1 đang gây chú ý từ đông đảo bạn đọc giới luật học.

Các bộ được lập ra là để thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với một lĩnh vực cụ thể, mà không có chức năng hoạt động dịch vụ sinh lợi. Bộ Tư pháp cũng vậy. Cơ quan này có chức năng quản lý các hoạt động bổ trợ tư pháp, và một số việc khác, trong đó có tham gia xây dựng pháp luật. Việc nhân danh Bộ Tư pháp để ký hợp đồng dịch vụ pháp lý, đương nhiên cần được xem lại.

Từ bài viết của Tiến sỹ Nguyễn Quang A, có hai vấn đề cần đặt ra.

Thứ nhất, người ta có quyền đặt câu hỏi: Trước khi nghĩ đến chuyện tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp này công ty nọ, Bộ Tư pháp đã làm tốt chức năng của mình, chẳng hạn, tham gia tốt việc xây dựng pháp luật chưa?

Trong cuộc tọa đàm với đại diện luật sư các tỉnh, thành phố tháng 12-2009 vừa qua (có ông Bộ trưởng Tư pháp tham dự), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu con số: Chính phủ hiện đang nợ 43 Nghị định; tính đến đầu năm 2010, dự kiến con số nợ sẽ lên tới ba chữ số.

Đến khi nào Chính phủ sẽ trả đủ món nợ đó? Bao giờ chúng ta mới thoát cảnh luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư? Phải chăng Bộ Tư pháp cũng có một phần trách nhiệm trả lời những câu hỏi này?

Vấn đề thứ hai: Khi công chức hoạt động dịch vụ pháp lý, liệu họ có làm tốt không?

Trong nhà "nhất mẹ nhì con", "đóng cửa bảo nhau", "dĩ hoà vi quý". Nhưng khi tham gia giải quyết các tranh chấp các phiên toà quốc tế, cán bộ trong các cơ quan công quyền của ta liệu có đủ trình độ, kinh nghiệm để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam, và trong một số trường hợp, bảo vệ lợi ích của Chính phủ Việt Nam?

Vấn đề này cũng đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trong cuộc tọa đàm với các luật sư. Thủ tướng nói: Trong một số vụ việc, Chính phủ phải chi ngoại tệ để thuê dịch vụ của các hãng luật nước ngoài, không phải là không xót.

Theo Luật Luật sư, đã là công chức thì không được hành nghề luật sư. Công chức nào đó muốn xé rào, muốn làm thêm làm nếm như thời bao cấp, có lẽ cũng không dễ. Không phải nhà tư vấn chuyên nghiệp, không có gì đảm bảo họ sẽ cung cấp được dịch vụ tốt cho khách hàng. Hơn nữa, điều kiện hành nghề không đầy đủ, trách nhiệm của họ với khách hàng khó được ràng buộc chặt chẽ.

Vậy thì hãy để các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động đúng chức năng, nghiệp vụ của họ, đã được pháp luật quy định. Nếu công chức nào đó e ngại các luật sư không thể làm tốt dịch vụ tư vấn cho các doanh nghiệp, kể cả các tập đoàn đi nữa, e rằng đó chỉ là lối lo lối nghĩ rơi rớt của một thời bao cấp. 

MỚI - NÓNG