Rơi vào mắt bão...

Rơi vào mắt bão...
TPCN - Buổi chiều ngồi bên vịnh Mân Quang tái xám xác tàu vật vờ như lá. ám ảnh trong chúng tôi là những đứa trẻ giữa tiếng thét cuồng nộ của bão tố.
Rơi vào mắt bão... ảnh 1
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm hỏi gia đình bà Phạm Thị Hựu (xã Hòa Sơn, Hòa Vang, Đà Nẵng)

Theo các nhà chuyên ngóng trời đo gió đếm mưa, mắt bão hay còn gọi là tâm bão, giống như một cái ống khổng lồ được xoắn bằng mây, thường có đường kính 40 cây số, với năng lượng nước bốc hơi tương đương 5 quả bom hạt nhân/1 giây!

Còn theo thuyết tương đối hẹp của A. Einstein, mắt bão là vùng “không – thời gian (continuum)”. Một khái niệm toán học hoàn toàn vô nghĩa với những đứa trẻ gầy gò gồng lưng cùng cha mẹ cõng từng bao cát nặng để chặn không cho sóng đập vào nhà nơi chân sóng Nam Ô 12 giờ trước bão mà chúng tôi đã gặp.

 Và xa lạ với hàng trăm đứa trẻ  tóc cháy vì biển mặn đang cùng người lớn kéo những chiếc thuyền khổng lồ qua đường nấp bão tại vịnh Mân Quang. Ngơ ngác hàng trăm đôi mắt thơ dại nhìn ra từ những lớp học của trường tiểu học Lý Tự Trọng phường Thọ Quang – Sơn Trà 6 giờ trước bão.

Lớp học giờ ngổn ngang bừa bộn chăn chiếu, xoong nồi của trên 300 hộ gia đình sơ tán bão. Mái trường, bàn ghế giờ trở thành nơi ẩn nấp cuối cùng. Những đôi mắt ấy đang rơi vào mắt bão. 

Nửa ngày sau bão tan, chúng tôi qua khu nhà chồ, rồi tới xóm Cồn Thông nơi sông Hàn gặp biển. Cả xóm 31 ngôi nhà, thì 29 nhà đã bị san bằng, không còn một viên gạch lớn.

Dưới mấy tấm tôn rách, bạt thủng che tạm bợ, những đứa trẻ cùng người lớn vừa trải qua thêm một đêm mưa gió. Bên tấm ảnh cưới còn nguyên vẹn treo trên bức tường đổ sụp, người bố trẻ Nguyễn Thiên Mỹ (tổ 37 Nại Hiên Đông) bần thần nhặt lên chiếc màn chụp màu hồng còn rất mới chưa xếp lại.

Đêm qua, đứa con gái 3 tuổi Nguyễn Thị Kiều Ngân đã phải ngủ ngoài trời, giờ cháu đã đi nhà trẻ, nhưng đến tối về lại ở cùng ba mẹ dưới tấm tôn rách che tạm trên nền nhà trống. Dưới đống gạch vỡ, một chú gấu bông lấm lem nằm úp mặt.

Gần đó là hai chị em bé Trần Thị Thơ và Trần Thị Thu Vân ngồi gục đầu trên chiếc giường gãy. Mẹ đang nuôi cha bị thương do bão ở bệnh viện. Nhà bà nội và bà ngoại cũng đã sập. Chúng tôi hỏi gì các em cũng chỉ gật và lắc.

Những hình ảnh hoang tàn này có lẽ sẽ còn đọng lại một cái gì đó đau đớn trong ký ức tâm hồn các em. Chúng tôi về Thanh Khê Tây. Nắng non đã lên, những đứa trẻ lúi húi ngồi phơi sách bên những ngôi nhà tan tác, dù chưa biết sẽ đến trường lại bằng cách nào. 

Nơi mắt bão hình như còn có chiều thứ 5 trong cấu trúc continuum, đó là “không – con người”. Cái chiều thân phận ấy không phẳng, không cong, mà mang hình cầu của nước mắt, mang hình xoắn của tiếng thét.

Tiếng kêu “Cha ơi, con chết rồi” trong mưa bão và dòng nước cuồn cuộn cuốn phăng đứa con trai 12 tuổi tên Nguyễn Ngọc Nam khiến anh Nguyễn Ngọc Kỳ (tổ 33 phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) đến giờ vẫn gần như hoảng loạn.

Đêm bão, hai cha con ra giữ thuyền – nguồn sống duy nhất của cả nhà. Chiếc thuyền bị bão và sóng bẻ gãy đôi, hai cha con rơi xuống nước xiết. Rồi một khúc gỗ lao tới đâm ngang vào hai cha con ...

Tiếng kêu tắc nghẹn của bé Nguyễn Thị Thảo (11 tuổi, thôn Hòa Khê, Hòa Sơn) khi căn nhà đổ ập sau lưng, mẹ bị thương nặng, cha kéo em chạy ra đường bị cây đổ đánh văng, cha không đỡ nổi, em vĩnh viễn ra đi mà không kịp hiểu chuyện gì.

Có những đôi mắt trẻ thơ vĩnh viễn khép lại khi Tết Trung thu đã cận kề. Anh Trương Thành Nhân (37 tuổi, xóm 1 Hòa Ninh, Hòa Vang, Đà Nẵng) làm xe ôm, mấy hôm nay cố quần trên đống đổ nát để nhặt nhạnh những gì có thể được, đau đớn nhớ lại: “Thấy nhà rung, tui lôi mẹ con nó xuống gầm giường núp.

Nhưng tránh trời sao nổi anh ơi! Nhà đổ, đè nghiến lên giường. Tui gồng người cố đỡ cho cái giường khỏi sập, lôi mẹ nó ra, rồi  đến thằng út. Con Uyên nằm trong cùng, không kịp nữa rồi.

Cháu chết bầm giập, thảm lắm”. Chị Trần Thị Lượng – vợ anh bị đè gãy sống lưng, gãy tay còn đứa con trai 2 tuổi thì gãy chân. Mình anh Nhân xẻ mình vừa lo cho 2 mẹ con ở bệnh viện, vừa lo đám tang bé Uyên mới học lớp 4.

Lại có cái chết vô lý tới mức không ai tưởng tượng nổi. Cậu bé Lê Đức Phước Tựu học sinh trường Trần Phú (Đà Nẵng) cùng mẹ và các dì nấp bão trong ngôi nhà xây kiên cố. Nhưng một quả “bom tấn” xẻ đôi ngôi nhà tầng như người ta cắt chiếc bánh sinh nhật.

Chiếc cần cẩu khổng lồ bằng thép cao hơn trăm thước ngạo nghễ của sự tắc trách nơi công trình cao ốc Hoàng Anh Gia Lai sát cạnh đã gẫy đôi và  giáng xuống khiến em Tựu chết tại chỗ, mẹ và chị cùng 2 người dì của em bị thương nặng, hai ngôi nhà sát cạnh bị bật móng...

Mắt bão Xangsane, theo báo cáo của Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung bộ,  bắt đầu mở trừng ở Đà Nẵng chỉ đâu có chừng 1 tiếng, từ 9 đến 10 giờ sáng ngày 1/10, với đường kính trên 30 km. Sát bão, vào website vnbaolut.com, bỗng thấy con mắt ấy xanh trong lạ kỳ.

Nhưng chỉ riêng đuôi con mắt xoáy giật cấp 13-14 ấy suốt 10 tiếng đồng hồ trước đó đã “quét dọn” sạch sẽ 15.036 ngôi nhà, đập vỡ trên 251.000 ngôi nhà, hàng triệu con người bỗng chốc trở thành không nhà cửa, không chỗ đi về. 

Buổi sáng sớm ở Bình Minh. Biển, như chút gắng gỏi còn lại của bão, ầm ạt. Đón chúng tôi là hàng trăm thúng chai nát nhàu sấp ngửa trên cát. Trong bão, sóng tấp vào hơn hai mươi mét, liếm đến tận hàng rào của đồn biên phòng 264.

Cát đặc quánh dưới chân. Hình như chỉ có một người duy nhất ngồi ngó ra biển là chị. Sau lưng chị là đống ngổn ngang dừa nước, tre pheo tả tơi quăng quật. Gặng hỏi, chị mới cho hay tên là Phạm Thị Danh ở thôn Hà Bình (xã Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam).

Cái quán này là chỗ bấu víu sau cuối cùng cho hai đứa con ăn học, khi cơn lốc biển bất thần cướp đi người chồng vào năm 1998. Quán đổ, nhà sụp. Trắng tay. Khi chúng tôi đã đi xa, ngoái lại , thấy chị vẫn ngồi đó.

Câu trả lời ráo hoảnh chúng tôi nghe được suốt dặm dài dải biển từ Hội An cho đến Núi Thành, từ những ngư dân áo mục nước biển, một lần nữa vang lên từ chị: Biết cầu khấn điều chi bây chừ ?

Sau lưng hàng dương và con thuyền gãy gục trong bão kia, là những ngôi nhà bị vặn ngang mình, che chứa trong đó những gương mặt đã một lần biến dạng thảm khốc bởi cha, chồng, con, anh mình mới lâm nạn Chanchu.

Hôm qua về Duy Trinh, cái nơi suốt ngày rộn rã tiếng thoi đưa nổi tiếng tơ lụa mỹ miều, bây giờ chẳng còn tơ vò để mà rối. Chị Thanh không dám kể lại chuyện hôm bão. Chúng tôi phải ghi lại từ anh hàng xóm. Bão quần, nhà trên bay, chị chạy xuống nhà dưới.

Tốc mái, lại đâm đầu ra chỗ nhà dệt. Tôn bay veo véo ngang đầu. Cùng đường rồi. Sực tỉnh còn có mẹ già trong đó, chị bồng mẹ bỏ vào trong ngang nhà xí và khóa cửa lại. Bão tan, bà con đến, chị ú ớ không biết mẹ mình bây giờ ở đâu.

Ông Long ở thôn 4 Bình Dương, gió dỡ tung mái nhà. Ông liều mình ra mở dây thép trên cây xoài níu vào. Cánh bên phải, rắc vèo, ông nhảy sang cột nhánh bên trái. Roạt, nó gãy chụp ngay xuống chân. Hết phép, ông ôm ngay cái gốc, chết đứng. Mấy đứa con khóc ré khi chúng tôi đến thăm.

Lo bão nó thổi bay người, dân Thăng Bình đào hầm tránh bão. Những căn hầm vẫn còn đó. Nhìn lại cái dáng nửa nổi nửa chìm ùn lên trên cát, nhói lên trong chúng tôi suy nghĩ: Đường nào cũng chết, thì “sống trong cát chết vùi trong cát”.

Xác định chui xuống hầm, nghĩa là đã trở về với cát. Lời an ủi sau bao lần đi cứu trợ từ miệng chúng tôi, rằng gắng sống, làm lại, lắm khi làm chính chúng tôi lắm lúc nao núng.

Bão lớn quá, phạt ngang tất cả, như một trò chơi không để thiếu phần ai. Nhưng điều đáng sợ nhất là chúng ta nhắm mắt ôm mãi nỗi sợ hãi đó để cho những con sóng trong mắt bão tiếp tục càn quét cuộc đời mình.

Cả nước đang hướng về miền Trung, làm hết sức mình để góp phần xoa dịu nỗi đau cho những người đồng bào vừa rơi vào mắt bão… 

MỚI - NÓNG