Rốn lũ Mường La: Ký ức đêm định mệnh

Tan hoang Mường La.
Tan hoang Mường La.
TP - Cơn lũ chỉ kéo qua trong vài tiếng đồng hồ trong đêm 2 rạng sáng 3/8, nhưng nhiều bản dọc suối Nặm Păm (huyện Mường La, Sơn La) có hơn nửa số nhà bị xóa sạch hoàn toàn, với 15 người chết và mất tích. Nhớ lại thời khắc đó, người may mắn sống sót vẫn không khỏi rùng mình.

Ám ảnh

Dọc đường vào trung tâm huyện Mường La không có dấu hiệu nào cho thấy chúng tôi đang tới với rốn lũ vừa cách đây ít ngày làm 10 người chết, 5 người mất tích, gần 200 ngôi nhà bị cuốn trôi. Chỉ khi đi qua trụ sở huyện vài trăm mét, bùn đất tràn đầy đường, đập vào mắt là dòng suối đục ngầu, đá tảng, củi gỗ ngổn ngang trải ngút tầm mắt. Cây cầu bắc qua suối Nặm Păm nối liền thị trấn Ít Ong và 5 xã khác của huyện Mường La chỉ còn trơ nhịp giữa, 2 đầu cầu đã bị nước cuốn trôi.

Thị trấn Ít Ong bị ảnh hưởng, nhưng vẫn được xem là nhẹ so với các xã khác. Bản Huổi Hốc (xã Nặm Păm) có phân nửa số nhà bị xoá sạch. Hai bên đường nhựa qua bản sót lại 5-6 căn nhà gỗ còn lại một phần, vài lều bạt được dựng lên 2 bên đường. Tất cả đều liêu xiêu, hoang tàn và trơ trọi giữa cánh đồng đá tảng. Trong những căn lều tạm đó, phụ nữ bế con nhỏ ngồi nhìn ra đường và gần như bất động, mặt rầu rĩ. Gần chục đứa trẻ trong bản tập hợp nhau lại xếp đá chắn ngang 1 nhánh suối nhỏ thành vũng nước để tắm, cười khúc khích – những tiếng cười có lẽ là duy nhất ở bản những ngày qua. Trước đây vị trí vũng nước của lũ trẻ đang chơi từng là nếp nhà, nhánh suối đó mới được khai sinh sau trận lũ.

Anh Đường Văn Tưởng (44 tuổi, bản Huổi Hốc) nhớ lại, khi đó khoảng 11h, cả nhà đang ngủ thì anh Tưởng nghe tiếng ùng ục, biết lũ về anh hét cả nhà bật dậy bỏ chạy. Vợ con anh chạy trước, tiếc của, anh cố lấy được xe máy và chạy thẳng lên đoạn đường cao dẫn lên rẫy. “Khiếp lắm, đời tôi chưa bao giờ thấy lũ như thế. Nước lên nhanh, kéo theo từng khối đá lớn đập vào nhau kêu ùng ục giữa dòng nước. Chạy thoát thân nghĩ nhà không sao, nào ngờ nước rút quay về nhà đã không còn thấy căn nhà 5 gian đâu nữa, trâu bò, máy xát cũng bị cuốn theo dòng nước. Chỉ còn bãi đất đá, củi gỗ ngổn ngang”, anh Tưởng kể. Cạnh nhà anh về phía thượng nguồn là nhà văn hoá của bản được xây kiên cố, lũ đi qua chỉ còn một phần bức tường vài mét vuông.

Cũng mất nhà cửa, mọi tài sản, chị Quàng Thị Xinh (45 tuổi, cùng bản Huổi Hốc) dù tiếc tài sản, nhưng cảm thấy may khi gia đình chị 4 người vẫn an toàn. Căn nhà 5 gian của anh chị bị lũ cuốn trôi, dù nhà chị cách lòng suối tới hơn trăm mét. Ngồi trong túp lều tạm dựng trên nền nhà cũ, chị lặng lẽ nhìn khe suối nhỏ chảy qua, nơi trước đây từng là con đường bê tông nhựa.

Tang thương

Em Quàng Thị Xuân (15 tuổi, ở bản Hốc, xã Nặm Păm) kể lại trong nước mắt: Đêm hôm đấy, bố em đi sang nhà bác chơi, chỉ còn 3 mẹ con ở nhà. Đang ngủ thì bố em chạy về thức cả nhà dậy chạy lũ, em dậy nước đã dâng ngang thắt lưng. Em và mẹ chạy trước cùng nhà chú, còn bố và anh trai cố nán lại lấy ít đồ dùng. Mọi người tới được chỗ cao an toàn thì em bị rớt lại phía sau, nước chảy mạnh, dâng lên rất nhanh, em không còn nghĩ gì, gắng sức nhảy vào bờ. May khi đó chú đưa tay kịp túm lấy tay em kéo lên, không có lẽ em đã trôi theo dòng nước. Khi lên tới bờ, Xuân cùng người thân quay lại nhìn nhà mình và đợi bố cùng anh trai, nhưng lờ mờ trong đêm tối chỉ thấy 2 người đang leo lên nóc nhà hy vọng thoát thân. Nhưng chỉ trong chốc lát, cả nhà và người bị dòng nước lũ nuốt trọn. Đó là lần cuối cùng Xuân nhìn thấy bố và anh trai mình. Tới nay đã 5 ngày, bố và anh của Xuân vẫn chưa rõ tung tích, em và mẹ ở nhờ nhà chú. “Giờ em cũng không biết cần gì nữa, chỉ mong sao sớm biết tin về bố và anh”, Xuân nói.

Anh Cà Văn Uẩn (bản Huổi Liếng, xã Nặm Păm) thắt khăn tang ngồi lặng lẽ giữa lán bạt dựng trên nền nhà cũ. Dòng nước lũ đã cướp đi của anh tất cả, gồm vợ (Cà Thị Báu, sinh năm 1993) và 2 con (Cà Văn Cường sinh năm 2004 và Cà Thị Dược sinh năm 2012), cùng toàn bộ tài sản, nhà cửa. Anh Uẩn đặt trên nền đất giữa lều 3 bát nhang. Gọi là 3 bát nhang, nhưng chỉ có 2 trong đó đúng nghĩa là bát nhang do người dân trong bản ủng hộ, bát nhang còn lại anh Uẩn tận dụng chiếc chậu nhôm nhỏ xám xịt, móp méo kiếm được sau cơn lũ.

Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Mường La Đèo Thị Nhung cho biết, trong số những người bị thương do lũ đang điều trị tại bệnh viện có nhiều trường hợp rất thương tâm. Có em được cứu trong đống đổ nát, đất đá vùi lấp, có em bị nước cuốn trôi hàng trăm mét. Như trường hợp 3 chị em Sồng Thị Pạ Nhịa (sinh năm 2004), Sồng Thị Hua (sinh năm 2007) và Sồng Thị Cạ (sinh năm 2010) ở bản Púng Quài (xã Chiềng San). Cả 3 em mất bố, mẹ đi lấy chồng khác nên sống cùng với gia đình nhà chú. Khi nước lũ tới, 3 em không kịp chạy nên bị nước lũ cuốn theo, hai em Nhịa và Hua được người dân cứu khi bị nước cuốn trôi cách nhà gần 100m lúc đang bám vào mấy bụi cây ven suối. Nước lũ quăng quật các em bầm tím, trầy xước khắp người. Riêng Hua là em gái út đã tử vong, xác em được tìm thấy ngày hôm sau cách nhà hơn 5km.

Sáng 7/8, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã vào các bản bị thiệt hại do đợt lũ quét vừa qua của huyện Mường La (Sơn La) để nắm tình hình và thăm hỏi, động viên người dân khó khăn, đặc biệt gia đình có người chết và mất tích.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).