Rồng thiêng quần tụ phía bờ đông

Rồng thiêng quần tụ phía bờ đông
TP - “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” - câu sấm ấy của Trạng Trình (Nguyễn Bỉnh Khiêm) đã giúp Nguyễn Hoàng gây dựng nên một triều đại tồn tại mấy trăm năm. Và nay, không phải ngẫu nhiên mà nơi đây lại được chính vị Đại tướng lừng danh thế giới chọn cho mình làm nơi an nghỉ vĩnh hằng.

> Người Quảng Bình xúc động đón Đại tướng về quê
> Vũng Chùa - Đảo Yến trước giờ đón linh xa Đại tướng

Nằm nép mình dưới chân của dãy Hoành Sơn (Đèo Ngang), mặt hướng ra vịnh Hòn La, xã Quảng Đông thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình là vùng đất hẹp nhưng lại mang trong mình nhiều dấu mốc lịch sử của dân tộc.

Xưa, nơi đây là vùng chiến địa giữa Đại Việt và Chăm Pa, đến năm 1069, mới chính thức thuộc về Đại Việt. Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, vịnh Hòn La là nơi tàu Hồng Kỳ tiếp tế gạo cho quân và dân ta. Giặc Mỹ điên cuồng trút xuống đây hàng ngàn tấn bom đạn hòng cắt đứt con đường chi viện từ đường biển. Quân và dân xã Quảng Đông đã anh dũng chiến đấu, hy sinh lập nên nhiều chiến công oanh liệt góp phần thống nhất Tổ quốc.

Xã Quảng Đông có 5 thôn là Vĩnh Sơn, Thọ Sơn, Minh Sơn, Đông Hưng và 19-5, với bề dày hơn 500 năm. Xưa, ở Quảng Đông nhân dân xây dựng nhiều đình chùa, miếu mạo để thờ phụng trời phật và những người có công với nước.

Ngôi đình ở làng Vĩnh Sơn được miêu tả có cột bằng gỗ lim to hai người ôm không xuể. Còn phía biển, trên hòn Nồm có một ngôi chùa nép mình bên vách núi, được xem là nơi linh thiêng của những ngư dân ra khơi, vào lộng. Trải dài trên đất Quảng Đông là những chiến lũy, hầm hào, miếu thờ thần hoàng khai khẩn vùng đất này của người xưa để lại.

Theo ông Hoành, xưa nay người dân ở đây vẫn luôn xem Mũi Rồng là vùng đất thiêng, nơi đất trời hội tụ. Trên đỉnh Mũi Rồng người xưa đã đặt một tảng đá, gọi là hòn đá thề, một dạng như đàn tế trời, hàng năm dân làng đến đó để cung cáo trời phật, mong cầu sự bao bọc, chở che. Chính vì thế mà xưa nay, nơi đó không ai dám mạo phạm.

Ở Quảng Đông có ba dòng họ lớn, có công với quê hương, đất nước là Võ, Lê, Đinh. Người dân ở đây vẫn lưu truyền câu chuyện về ông Võ Câu.

Ông sinh ra trong một gia đình làm ruộng ở thôn Vĩnh Sơn, sức khỏe hơn người. Một hôm có chiếc tàu chiến của triều đình ghé vào lấy nước ở giếng làng. Một người lính dùng hai chiếc chum to để gánh nước với bộ dạng ra oai, khinh thường dân làng.

Lúc này, ông Võ Câu đang cày ruộng, thấy vậy, ông chậm rãi nhấc bổng con trâu mộng đi xuống bờ biển rửa chân cho trâu, trước sự kinh ngạc, thán phục của quan quân. Ông được tuyển vào lính và trở thành võ quan của triều Nguyễn. Ông đã anh dũng hy sinh trong một trận chiến trên đất Bắc. Tôn trọng vị tướng nghĩa hiệp, những người lính đã khiêng thi hài ông ròng rã hơn một tháng trời mới về đến quê. Mộ ông được táng ở đầu làng. Hiện con cháu dòng họ Võ và người làng vẫn thường xuyên chăm sóc phần mộ của ông.

Minh đường thủy tụ, huyền vũ cao dày

Là một cán bộ địa chính về hưu, đam mê nguyên cứu, sưu tầm, ông Lê Huy Hoành ở thôn 19-5 được xem là nhà văn hóa bản địa. Ông Hoàng cho rằng, vùng đất Quảng Đông, đặc biệt là Mũi Rồng là nơi tụ phong, tụ khí, tụ thủy. Ông cha nói, “đất lành chim đậu”.

Điều này quá đúng với Quảng Đông. Ngoài hòn Nồm (đảo Yến) đối diện với Mũi Rồng là nơi duy nhất loài chim yến còn tồn tại tính từ miền Bắc vào. Cách đó không xa là đảo chim với hàng chục vạn hải âu xám chọn làm vương quốc.

Chim ở đây không biết sợ người, bắt chúng như bắt gà trong chuồng. Dưới lòng biển biếc là muôn vàn sản vật riêng có, đặc biệt là bào ngư - một loại đặc sản mà muôn đời vua chúa ưa chuộng.

Ông Hoành trước ban thờ Đại tướng
Ông Hoành trước ban thờ Đại tướng.

Mũi Rồng là một hòn núi trong hệ Hoành Sơn ngạo nghễ chồm ra biển. Ngay vách đá có hai hang động nhỏ đối xứng. Mỗi lúc triều dâng, sóng biển tung bờm trắng xóa thọc sâu vào hang rồi phun ra, giống hệt một con rồng khổng lồ đang phun nước.

Hai bên Mũi Rồng, có hai bãi cát vàng trải dài theo chân sóng, với những bãi đá liếp xếp chồng lên nhau trông giống vảy rồng phát lộ. Đối diện Mũi Rồng là hòn Nồm, như bức bình phong giúp vịnh nhỏ Vũng Chùa tĩnh lặng bốn mùa.

Theo ông Hoành, xưa nay người dân ở đây vẫn luôn xem Mũi Rồng là vùng đất thiêng, nơi đất trời hội tụ. Trên đỉnh Mũi Rồng người xưa đã đặt một tảng đá, gọi là hòn đá thề, một dạng như đàn tế trời, hàng năm dân làng đến đó để cung cáo trời phật, mong cầu sự bao bọc, chở che. Chính vì thế mà xưa nay, nơi đó không ai dám mạo phạm.

“Lâu nay, người làng vẫn đồn truyền Mũi Rồng là huyệt mộ thích hợp cho những bậc khai quốc công thần uy trấn thiên hạ. Theo quan niệm người xưa, huyệt mộ của bậc kiệt xuất phải là vùng đất minh đường thủy tụ, huyền vũ cao dày, rồng cuộn, hổ phục. Tất cả những yếu tố đó Mũi Rồng đều đáp ứng: Nơi miền núi miền biển đều hợp về, đứng giữa hai miền Nam Bắc. Biển cả giữ phía trước, núi cao giữ phía sau, hình thế vững chãi, ấy là do trời đất xếp đặt. Khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn Mũi Rồng làm nơi an nghỉ, dân làng ai cũng mừng” - ông Hoành tâm đắc nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG