Rót gần 5000 tỷ đồng giải cơn khát nước sạch cho Thủ đô

Khởi công xây dựng hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông giai đoạn II. Ảnh: Duy Linh.
Khởi công xây dựng hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông giai đoạn II. Ảnh: Duy Linh.
TP - Ngày 7/10, sau nhiều lần lỡ hẹn, dự án đường ống dẫn nước sông Đà số 2 về Hà Nội cũng được khởi công. Một số dự án nước sạch khác sẽ sớm được thực hiện, tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại tình trạng nơi thừa nước nơi thiếu nước sẽ diễn ra.

Rót 1.047 tỷ đồng để sử dụng hết công suất

Theo ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Cty CP nước sạch Vinaconex (Viwasupco)-chủ đầu tư dự án khởi công đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây-Hoà Lạc-Xuân Mai-Miếu Môn-Hà Nội-Hà Đông (giai đoạn 2) dẫn nước sạch từ sông Đà về Hà Nội có chiều dài 45,8km. 

Trong đó, ưu tiên làm trước 21km đường ống chạy dọc Đại lộ Thăng Long (đoạn từ nút giao Đại lộ Thăng long - Quốc lộ 21 đến cầu chui dân sinh Km 9+656). 

Tổng kinh phí dự án giai đoạn 2 gần 5.000 tỷ đồng, trong đó chỉ riêng đoạn đường ống dài 21km là 1.047 tỷ đồng, với mục đích nhằm khai thác hết công suất còn lại của nhà máy giai đoạn 1 hiện nay, đồng thời giảm tải cho tuyến ống số 1 và hỗ trợ tuyến ống này khi có sự cố. 

Đường ống dài 21km sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng vào tháng 5/2016, nâng thêm lưu lượng lên khoảng 80.000 m3/ngày đêm. Như vậy, với việc “rót” 1.047 tỷ đồng, đơn vị này mới khai thác hết công suất của nhà máy giai đoạn 1 hiện là 300.000m3/ngày đêm. Đoạn đường ống dài 21km đơn vị chọn thi công trước là khu vực thường xảy ra sự cố vỡ đường ống số 1.

Đại diện Viwasupco cho hay, rút kinh nghiệm từ những lần vỡ đường ống số 1 sử dụng ống composite cốt sợi thuỷ tinh, vật liệu đường ống lần này là ống gang dẻo và ống thép có đường kính DN 1800. Ông Vũ Quý Hà-Tổng giám đốc Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), đồng thời là Chủ tịch HĐQT Viwasupco cho biết: 

“Việc khởi công dự án đường ống số 2 là nỗ lực làm việc gần 3 năm nay. Chúng tôi cũng rất cân nhắc lựa chọn ống gang dẻo. Cả tư vấn thiết kế và các chuyên gia kỹ thuật quyết định và đề xuất sử dụng đường ống loại này để đảm bảo sự vững chắc của đường ống”, ông Hà nói.

Ông Hà cho rằng, nếu toàn bộ hệ thống giai đoạn 2 hoàn thành thì đơn vị có thể truyền tải được 600.000m3/ngày đêm cho Hà Nội. “Với 21km đường ống làm trước này sẽ hỗ trợ tốt cho đường ống số 1, vừa giảm tải vừa tạo cơ hội để sửa chữa nâng cấp đường ống số 1. 

Chúng tôi cam kết về tiến độ đường ống số 2 đảm bảo trước 30/5/2016 hoàn thành. Đồng thời cũng hy vọng trong năm 2016, nhất là vào mùa nóng việc cấp nước cho Hà Nội sẽ được ổn định”, ông Hà nhấn mạnh.

Rót gần 5000 tỷ đồng giải cơn khát nước sạch cho Thủ đô ảnh 1

Ông Bùi Phạm Khánh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hùng  - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cùng lãnh đạo các ban, ngành dự lễ động thổ khởi công dự án. Ảnh: Duy Linh.

Cần phát triển hệ thống đường nhánh phân phối

Theo đánh giá của một số chuyên gia ngành nước, việc khởi công thêm đường ống truyền dẫn nước trong bối cảnh đường ống số 1 nước sông Đà liên tục bị vỡ, là cần thiết. Tuy nhiên, việc cùng lúc thực hiện nhiều dự án sản xuất nước với công suất lớn sẽ dẫn đến nguy cơ bội thực về nguồn nước. 

“Ngoài dự án đường ống số 2, Hà Nội cũng triển khai đường ống khẩn cấp, rồi nhiều dự án nước mặt công suất lớn khác. Trong khi các đơn vị sản xuất, kinh doanh nước sạch lại ít chú trọng vào việc đầu tư phát triển hệ thống đường nhánh phân phối, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng nên dẫn đến tình cảnh có nơi thừa nước có nơi lại thiếu nước”, vị chuyên gia phân tích.

Theo tính toán của cơ quan chức năng Hà Nội, tổng sản lượng nước cung cấp trong năm 2015 khoảng 900.000m3/ngày đêm. Trong khi dự báo nhu cầu cao điểm mùa hè tăng từ 5-7%, tương ứng với lượng nước thiếu hụt của toàn thành phố từ 40.000-60.000 m3/ngày đêm. 

Hiện hai đơn vị cung cấp nước chủ yếu cho thành phố là Công ty Nước sạch Hà Nội với công suất 585.000 - 620.000 m3/ngày đêm và Nhà máy nước sạch sông Đà với công suất từ 220.000-240.000 m3/ngày đêm, còn lại là của nhà máy nước sạch Hà Đông và Sơn Tây.

Với cuộc chạy đua về thị trường nước sạch, việc triển khai hàng loạt dự án như kế hoạch thì lo ngại về nguy cơ bội thực nước của Hà Nội là có cơ sở.

Chỉ riêng nhà máy nước sạch sông Đà của Viwasupco, nếu hoàn thành cả 2 giai đoạn là 600.000m3/ngày. Và trong định hướng của dự án này đến năm 2030 sẽ nâng công suất đạt 1.200.000m3/ngày đêm. Trong khi đó nhiều dự án đầu tư xây dựng mới cũng đang được Hà Nội gấp rút thực hiện. 

Mới đây, lãnh đạo thành phố có văn bản đề xuất Thủ tướng cơ chế đặc thù xây dựng cấp bách tuyến đường ống truyền dẫn từ Quốc lộ 21 về đường vành đai 3 với công suất khoảng 60.000 đến 70.000m3/ngày đêm, kinh phí 864 tỷ đồng. Đồng thời giao Sở Xây dựng và Công ty 

Nước sạch Hà Nội sớm hoàn tất các thủ tục đầu tư và động thổ nhà máy nước mặt sông Hồng công suất 300.000m3/ngày đêm; dự án nâng công suất nhà máy nước Bắc Thăng Long-Vân Trì lên 50.000m3/ngày đêm cũng dự kiến khởi công vào ngày 22/10 tới. 

Thêm vào đó, mới đây thành phố yêu cầu khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, nâng công suất nhà máy nước sạch Sơn Tây thêm 10.000m3/ngày đêm…

Lý giải điều này, theo Viwasupco, việc phát triển nguồn nước mặt sông Đà đáp ứng nhu cầu nước lâu dài cho khu vực Hà Đông, Sơn Tây, Hoà Lạc, Xuân Mai, Miếu Môn và đặc biệt là trung tâm Hà Nội. Viwasupco cho rằng, thị trường nước sạch không chỉ được các doanh nghiệp trong nước mà doanh nghiệp nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm. 

“Năm 2010, chúng tôi đã chuyển nhượng 43,6% cổ phần của Viwasupco cho đối tác nước ngoài là Acuatico. Đối tác hiện đang giúp cho chúng tôi rất lớn về kỹ thuật, về chuyên môn quản lý”, vị lãnh đạo Viwasupco nói.

Ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Viwasupco, cho biết, sau 15 lần vỡ đường ống nước sạch sông Đà về Hà Nội, số tiền mà đơn vị phải chi để khắc phục sự cố là trên 10 tỷ đồng. Về lo ngại có sự chồng chéo, lãng phí khi cùng lúc Viwasupco khởi công 21km đường ống số 2, còn Hà Nội triển khai 21km đường ống khẩn cấp, ông Tốn nói: “Đến nay chúng tôi cũng chưa biết Hà Nội sẽ triển khai đường ống khẩn cấp trên trục này như thế nào, nhưng theo tôi thành phố sẽ phải tính đến hiệu quả của việc đầu tư để không chồng chéo với dự án của chúng tôi”. 

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.