Rủi ro đời thợ lặn

Phu lặn chuẩn bị lao xuống đáy biển
Phu lặn chuẩn bị lao xuống đáy biển
TP - Nữ phóng viên Tiền Phong lần đầu tiên trải nghiệm một nghề vô cùng nặng nhọc và rủi ro - có thể nói là đổi bát máu lấy bát cơm. Nếu dây hơi bị gấp khúc, bị đứt (do tàu cá khác chạy qua vô tình đụng phải), hỏng máy hơi, mất ôxy, phu lặn chắc chắn sẽ mất mạng trong lòng biển.

Bài 1: Tôi đi làm phu lặn

Hai phút là thời gian để phu lặn cởi bỏ đồ đạc, vụt nổi lên mặt biển khi đường dây dẫn khí bị gấp khúc bất chợt. Nếu chậm tay không kịp tháo chốt khối chì đeo bên hông, thợ lặn sẽ trào máu tai, máu mũi, liệt tay chân, chết tức tưởi.

Gieo mình xuống đáy biển sâu 60m

Qua nhiều mối quan hệ, tôi mới có thể gặp, xin theo học nghề lặn ở thị trấn Cô Tô (huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh). Trước khi theo phu lặn lên thuyền ra khơi từ bãi biển Vàn Chải (Đồng Tiến, Cô Tô), tôi được truyền dạy kỹ năng “ăn hơi” bằng miệng, thông tai... Phu lặn sò cách bờ biển vài chục cây số, độ sâu đáy biển khoảng 15-20m. Phu lặn cá phải ra các ngư trường xa như vùng biển giáp đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), vùng biển xa về phía đông bắc, làm việc ở độ sâu 40-60m…

“Phu lặn sâu 40-60m, tối đa trong 2 phút từ khi mất hơi phải nổi lên. Nếu muộn hơn 2 phút, không còn ôxy đến cơ thể, áp suất nước đè nén, các cơ tay, chân tê liệt, máu sộc ra từ mũi, miệng, tai, phu lặn coi như bỏ mạng”

Phu lặn Nguyễn Văn Hòa

Khoảng 7h sáng, tôi theo thuyền lặn sò của anh Lê Văn Hùng ra vùng biển gần đảo Cô Tô con (thuộc quần đảo Cô Tô). Sau gần 2 giờ di chuyển, chiếc thuyền thả neo, phu lặn bắt đầu ngày làm việc. Thuyền gồm anh Hùng và 3 phu lặn khác cùng sống ở thị trấn Cô Tô. Đó là các anh Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Quốc và Lê Văn Hòa. Anh Hòa và anh Hùng trực tiếp xuống biển, anh Quốc và anh Đức ở trên thuyền thả dây hơi và sẵn sàng ứng cứu.

Đồ nghề lặn gồm bộ quần áo người nhái (làm từ chất nỉ và bông vừa để giữ ấm, vừa giúp chống chọi áp suất nước biển), kính đeo mắt, găng tay, giày nhựa, dây chì nặng 15kg (cột vào thắt lưng để phu lặn chìm nhanh xuống đáy biển). Dây nén hơi là loại dây tuy ô nhựa, đường kính khoảng 1cm, dài 100m. Phu lặn mặc quần áo, đeo kính, khoác đai chì ngang lưng, dùng chiếc đũa ăn cơm làm chốt, đeo chiếc túi vào cổ để đựng ngư cụ và sò bắt được. 

Nếu lặn cá có thêm súng kích điện, bắn vào khiến cá tê liệt tạm thời. Để mặc bộ quần áo, phu lặn phải nín thở, người bên cạnh cố sức kéo tuột chiếc áo từ trên đầu xuống, bó sát toàn thân. Kính bảo hộ đơn sơ đeo vào, chụp luôn mũi, phu lặn thở bằng dây hơi ngậm trong miệng. Đeo đồ đạc xong, ùm một cái, thợ lặn rơi vào lòng biển, từng đợt bọt sủi tăm rồi mất dần, chỉ mờ mờ thấy dây nén hơi dần đi xa thuyền.

Rủi ro đời thợ lặn ảnh 1

Phóng viên Tiền Phong trong ngày đầu tiên học nghề phu lặn

Phu lặn luôn miệng hút thuốc trước và sau khi lặn nhằm giữ ấm cho cơ thể. Mùa đông phải nhúng tay vào nước nóng trước khi xuống biển để chống chọi với cái rét cắt da cắt thịt. Khi hai thợ lặn chính chìm xuống đáy biển, phu lặn Quốc và Đức ở lại trên thuyền bắt đầu “truyền nghề” cho tôi.

Thở bằng ôxy… dầu nhớt

Hệ thống máy lặn gồm một đầu máy nổ (có động cơ chạy bằng dầu và nhớt), nối liền với máy nén hơi nhỏ, nén hơi vào chiếc bình nén bằng inox tròn (đường kính 20cm, dài 50cm). Đường ống hơi dài 100m, nối trực tiếp từ bình nén hơi, đi thẳng vào miệng phu lặn. Máy lặn đặt dưới gầm tàu lênh láng dầu nhớt pha lẫn nước đen, hôi hám. Cuộn dây hơi đặt cạnh thùng xốp đựng hải sản chết (do không tiêu thụ kịp) bốc mùi tanh, thối.

Theo hướng dẫn, tôi bịt mũi, há miệng ngậm đầu dây hơi có bọc miếng vải nhỏ (nhằm tăng ma sát với răng, tránh việc dây hơi trơn tuột khi ở dưới đáy biển) ám đầy dầu nhớt. Hơi từ máy phát nổ qua dây dẫn, thổi phì phì vào thẳng họng. Dây hơi vừa vào tới miệng, tôi có cảm giác cả khuôn mặt, mũi, mắt tôi to phình, đỏ ửng . Tôi ho sặc sụa. Mùi dầu nhớt tràn đầy khoang miệng, mũi. “Em không được thở bằng mũi, từ từ ăn hơi vào miệng và dùng miệng điều tiết việc hít vào thở ra, giống người đang hút thuốc lá. Mới đầu sẽ bị sặc, nhưng cứ ngậm dần sẽ quen”, anh Quốc hướng dẫn.

Sau 2 giờ đồng hồ, tôi dần quen việc ăn hơi, nhưng đầu lưỡi đã ám đầy dầu nhớt. Nhìn tôi nhăn nhó lấy áo lau dầu nhớt trên lưỡi, anh Quốc cười nói: “Ăn dần sẽ quen, chút dầu nhớt vậy chưa thấm vào đâu. Do lượng hơi chạy thẳng từ động cơ dầu nhớt, chưa qua bất cứ bộ lọc nào nên dầu nhớt xuyên thẳng vào mũi, miệng và phổi. Sau ngày lặn còn có cả lớp dầu nhớt đen sì, bóng nhẵn dày cục bám lên lưỡi”.

Tiếp theo là bài học thông tai bằng hơi. “Há miệng rộng, hít hơi vào đầy khoang miệng. Sau đó ngậm miệng, bịt mũi, nín thở để lượng hơi này thoát ra bằng tai thì đã thông tai xong. Mỗi khi xuống sâu dần đáy biển, cần thông tai để cân bằng áp suất. Nếu tai không thông được, bị ù, độ tăng áp suất sẽ khiến em ngất đi”, phu lặn Đức giải thích. 

Rủi ro đời thợ lặn ảnh 2

Số ngao, sò phu lặn kiếm được sau một lần lặn biển

Khi đã quen với việc ngậm hơi, thông tai, tôi nín thở để anh Đức kéo bộ quần áo người nhái từ đầu xuống thân. Bộ quần áo bó sát, ép chặt toàn thân, tai tôi cũng bắt đầu ù đi. Tôi mới tập lặn nên không có dây chì bên hông và túi đựng sò, cá. Tôi được thả xuống độ sâu vừa phải để tập thở, tập thông tai; hai phu lặn trên thuyền quan sát, sẵn sàng kéo tôi lên nếu tôi không chịu được. Vừa chìm xuống mặt biển, tai ù đi, cảm giác đau nhói khiến tôi vội vàng nổi lên. Cứ chìm xuống, nổi lên, hết ngày đầu tiên, tôi đã quen với độ lặn sâu vừa phải.  

Tôi ngồi nghỉ sau những đợt lặn đầu tiên, bỗng từ xa một chiếc thuyền đi tới theo hướng dây hơi của anh Hùng dưới đáy biển. Tôi thót tim, anh Quốc nhanh chóng giơ cao dây hơi lên trời, hướng về chiếc thuyền cá lạ la hét, khoát tay ra phía ngoài. Chiếc thuyền dần bẻ lái, tránh xa điểm neo của chúng tôi. “Người trên thuyền phải tập trung quan sát xung quanh, chỉ một phút lơ đễnh để thuyền khác đi vào khu vực thợ đang lặn, dây hơi bị cánh quạt thuyền làm đứt, tính mạng phu lặn không giữ được”, anh Quốc dặn dò.

Bất chợt, phu lặn Hòa nổi lên mặt nước, hai anh Quốc, Đức vội vàng kéo lên boong thuyền. “Tôi nhìn thấy một con mực to, đang nín thở cố bước theo để bắt, thấy dây hơi nặng, kéo mạnh thì không còn hơi thổi vào miệng, chắc do dây bị gấp khúc. Tôi rút ngay chiếc đũa chốt dây đai chì, vứt túi đựng đồ nghề, để nổi lên”, anh Hòa kể lại cơn nguy hiểm vừa gặp phải. 

Nếu dây hơi bất chợt bị gấp khúc, bị đứt hay máy hơi bị hỏng, phu lặn phải ngay lập tức rút chốt đai chì bên hông, bỏ túi đựng hải sản khỏi đầu để nổi lên. Ở độ sâu 15-20m, phu lặn có thể nổi lên trong vòng 10-15 giây, thợ lặn sâu 40-60m, tối đa trong 2 phút từ khi mất hơi phải nổi lên. Nếu muộn hơn 2 phút, không còn ôxy nuôi cơ thể, cơ tay, cơ chân tê liệt, máu sộc ra từ mũi, miệng, tai, phu lặn coi như bỏ mạng. Người may mắn thoát chết cũng tàn tật suốt đời.

Bữa cơm trưa trên boong tàu chật chôi có cơm, canh và vài miếng thịt kho mặn chát diễn ra chừng 20 phút. Khi trên người còn vướng bộ quần áo bó sát, phu lặn trệu trạo nhai từng miếng cơm khô khốc cho xong, rồi tiếp tục lặn đến 4h chiều, đưa thuyền trở về sau một ngày làm việc.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, Cô Tô có khoảng 150 thuyền của phu lặn. Ngoài ra, lượng phu lặn từ Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An… về đây hành nghề rất nhiều. Việc đánh bắt ồ ạt khiến hải sản cạn kiệt, phu lặn càng phải ra xa, xuống sâu đáy biển, đồng nghĩa rủi ro, hiểm nguy càng tăng.

(Còn nữa)


MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.