Rừng bị phá nát sau khi 2 hộ dân “bao thầu” quản lý hơn 200 ha

Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trạng rừng
Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trạng rừng
TPO - 6 năm sau khi giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn 4 (xã Lộc Phú, Huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng), ban ngành chức năng phát hiện thực chất chỉ có 2 hộ dân quản lý tới 231 ha rừng, đất rừng. Hậu quả, phần lớn diện tích rừng bị tàn phá.

Ngày 22/8, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cho biết ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm đã ký ban hành kết luận thanh tra về việc thực hiện phương án quản lý, bảo vệ, trồng, chăm sóc rừng và sản xuất nông lâm kết hợp tại các tiểu khu 438A và 439 xã Lộc Phú.

Theo đó, ngày 25/9/2013, UBND huyện Bảo Lâm bàn giao hơn 231 ha rừng và đất rừng cho 9 hộ thuộc cộng đồng thôn 4 (do ông Nguyễn Đức Dạo làm tổ trưởng), bo gồm 192,78 ha giao để quản lý bảo vệ, 32,59 ha giao trồng rừng keo và 5,85 ha để sản xuất nông lâm kết hợp.

Mục đích giao đất giao rừng để tạo thêm việc làm, thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo…; đồng thời nâng cao hiệu quả của công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng.

Thế nhưng qua đợt thanh tra mới đây, huyện “té ngửa” vì thực chất chỉ có 2 hộ dân là Nguyễn Đức Dạo và Phạm Quang Thọ “bao thầu” toàn bộ 231 ha nói trên. 7 hộ khác đăng ký trong danh sách nhưng không tham gia thực hiện phương án.

Hậu quả là, hai hộ này đã để mất hơn 24ha rừng; để dân lấn chiếm hơn 42,5 ha để trồng cà phê và một số cây trồng khác; trồng rừng và các cây nông nghiệp khác không đúng phương án đã được phê duyêt với diện tích lên tới 78,39 ha…; nghiêm trọng hơn, còn có dấu hiệu chuyển nhượng đất trái phép.

Rừng bị phá nát sau khi 2 hộ dân “bao thầu” quản lý hơn 200 ha ảnh 1 Cà phê lấn dần vào rừng.

Đoàn thanh tra phát hiện có 9 trường hợp không phải là người thuộc cộng đồng thôn 4 nhưng đang canh tác sản xuất tại khu vực này. Trong đó, ông H.V.H thừa nhận đã chuyển nhượng lô đất từ ông Nguyễn Văn Dũng và Nguyễn Văn Khánh (là bố và chú ruột của ông Nguyễn Đức Dạo) với giá 290 triệu đồng. Ông L.V.B trình bày đã đưa cho ông Dũng và ông Khánh 160 triệu đồng để được quản lý, bảo vệ 5ha đất rừng xen keo.

Ông Phạm Tấn Hùng (cán bộ một ngân hàng tại huyện Bảo Lâm) được ông Nguyễn Đức Dạo giao cả chục héc ta rừng tại lô c, lô g khoảnh 5, TK 439 từ năm 2015 theo hình thức “hợp đồng” để nuôi dê dưới tán rừng. Tuy nhiên đến nay gần như toàn bộ cây rừng đều bị phá sạch, nhường chỗ cho trang trại dê, cà phê, bơ, muồng, sầu riêng…

Ông Hùng vừa bị Công an huyện khởi tố bắt giam vì thuê người hủy hoại rừng tại TK 460 (xã Lộc Ngãi), cũng thuộc địa bàn huyện Bảo Lâm.

Trước tình hình đó, UBND huyện Bảo Lâm đã giao Công an huyện chủ trì phối hợp Hạt Kiểm lâm và các đơn vị có liên quan tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý các hành vi phá rừng, hủy hoại rừng, lấn chiếm, mua bán, chuyển nhượng đất, rừng trái pháp luật tại khu vực này.

Rừng bị phá nát sau khi 2 hộ dân “bao thầu” quản lý hơn 200 ha ảnh 2 Cây rừng bị cưa hạ.

UBND huyện cũng đã giao Phòng TN&MT và các đơn vị có liên quan thực hiện các trình tự, thủ tục và tham mưu cho chính quyền thu hồi toàn bộ diện tích đất, rừng đã giao cho cộng đồng thôn 4, để giao lại cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ; giải tỏa đất rừng bị lấn chiếm, trồng lại rừng…

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.