Rừng Đắk Nông có nguy cơ biến mất

Rừng Đắk Nông có nguy cơ biến mất
Năm 2007, tỉnh Đắk Nông có gần 300 vụ phá rừng, với diện tích bị tàn phá là hơn 200 ha. Tuy nhiên, thực tế rừng bị phá lớn hơn gấp nhiều lần với thủ đoạn tinh vi.

Tiếng Việt |  English |  Français |  Español | 

Rừng Đắk Nông có nguy cơ biến mất

Nếu tỉnh Đắk Nông không có giải pháp đồng bộ, cấp bách và hiệu quả trong việc bảo vệ, phát triển vốn rừng thì 190 ngàn ha rừng có nguy cơ biến mất.

Đối tượng phá rừng chủ yếu vẫn là người dân di cư tự phát ở các tỉnh phía Bắc vào Đắk Nông lập nghiệp. Đa số các hộ này thuộc diện nghèo nên phá rừng để làm rẫy. Nhiều người dân ở các tỉnh giáp với Đắk Nông như Bình Phước, Lâm Đồng và Đồng Nai có nhu cầu đất lập trang trại, đến Đắk Nông mua đất giá cao dẫn đến người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số phá rừng để bán.

Hiện nay, tình trạng phá rừng ở tỉnh Đắk Nông không còn diễn ra nhỏ lẻ, mà có quy mô tổ chức lớn, có đường dây móc nối mua bán đất lâm nghiệp, xúi giục đồng bào dân tộc thiểu số địa phương phá rừng, gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị nông thôn.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng chủ yếu vẫn là rừng gần như vô chủ. Các lâm trường, ban quản lý bảo vệ rừng và Cty lâm nghiệp được giao diện tích rừng rất lớn, từ 10.000 - 50.000 ha rừng/đơn vị, nhưng với lực lượng bảo vệ rừng mỏng, trung bình mỗi nhân viên phải bảo vệ 1.000 ha và nguồn tài chính eo hẹp, các chủ rừng gần như bất lực trong việc bảo vệ rừng.

Chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cấp xã gần như không có trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng và xem đó là nhiệm vụ của chủ rừng. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ rừng rất yếu kém, không hiệu quả, nhiều khi còn cản trở nhau; thậm chí cấu kết với nhau phá rừng và mua bán đất lâm nghiệp với diện tích lớn...

Để bảo vệ và phát triển vốn rừng, tỉnh Đắk Nông cần tổ chức và sắp xếp lại những lâm trường, ban quản lý bảo vệ rừng; làm tốt công tác định canh định cư, nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung nguồn vốn cho đầu tư quản lý bảo vệ và trồng rừng, chuyển đổi hàng chục ha rừng nghèo sang trồng cây công nghiệp như cao su, điều để giải quyết việc làm cho bà con dân tộc thiểu số ở địa phương.

Tỉnh cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh thuê đất trồng rừng, trồng cây công nghiệp phủ xanh đồi núi trọc; đẩy nhanh giao khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cộng đồng thôn buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời phát triển kinh tế rừng, khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư chế biến lâm sản xuất khẩu...

Theo Trần Hữu Hiếu
TTXVN

MỚI - NÓNG