Rừng phòng hộ biển Đông bị “bức tử”

Rừng phòng hộ biển Đông bị “bức tử”
"Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Những cán bộ trục lợi đất người nghèo, “bức tử” rừng phòng hộ xung yếu biển Đông có chịu trách nhiệm như Luật Bảo vệ và phát triển rừng?

Con đê biển đang được đào đắp, san bằng, lu ủi làm đường giao thông chia đôi mảng rừng phòng hộ xung yếu và rất xung yếu ven biển Đông thuộc địa bàn xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Lợi, Cà Mau). Tương lai không xa, khu vực này có diện mạo đẹp, giàu có của những cán bộ, gia đình cán bộ có thế lực “núp bóng” dân nghèo không đất.

Ông Nguyễn Ái Bọ - Bí thư Huyện ủy, có 2 ha đứng tên chàng rể Trần Chí Linh, Phó Trưởng công an xã Vĩnh Hậu. Các ông Dương Minh Ngọc- Trưởng ban Dân vận, Đào Ngọc Tháo- Phó Chủ tịch UBND, ông Võ Văn Minh- Phó Chủ tịch HĐND, Trần Thanh Tâm- Trưởng ban tổ chức Huyện ủy, Nguyễn Đức Dũng- Chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra Đảng, bà Trần Ngọc Mai- Phó Chủ tịch UBND (do chồng đứng tên), ông Phan Thành Lập, Trưởng phòng CSGT đường bộ Công an tỉnh Bạc Liêu, ông Chung Tuấn Kiệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Bạc Liêu, ông Lê Tấn Dũng, UBDSGĐ-TE tỉnh… đều được chia đất rừng phòng hộ.

Do uy tín hay do đối tượng nghèo trong diện cấp đất, các bà Cao Thị Trắng, Cao Thị Thủy- em ruột ông Cao Anh Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, được giao khoán đất rừng phòng hộ ven biển Đông.

Gần hết 362 ha rừng phòng hộ ven biển Đông thuộc Trạm kiểm lâm Cái Cùng- xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Lợi) bị xé nát. Lợi dụng chủ trương thu hồi đất các đơn vị, cá nhân sử dụng không đúng mục đích, Chi cục kiểm lâm Bạc Liêu “bắt tay” Hội đồng cấp đất huyện Vĩnh Lợi giao khoán cho cán bộ, gia đình cán bộ.

Ông Đào Ngọc Tháo, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi được nhận 4,5 ha, giao khoán lại cho ông Cổ Tân Xuyên, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh 45 triệu đồng/3 năm.

Ông Cổ Tân Xuyên  khoán lại cho ông Điệt giá 65 triệu đồng. Anh Hoàng Văn Biên, anh Ninh Văn Toản (Hải Hậu, Nam Định) bán đất, gửi con cho cha mẹ, dẫn vợ vô đây thuê đất của những “địa chủ mới” để nuôi tôm.

Anh Hoàng Văn Biên an ủi: “Anh em chúng tôi ở xứ xa đến phải thuê lại người khác, không quen biết nên khó thuê trực tiếp, phải chấp nhận giá cao. Muốn thuê phải trả tiền ngay một lần cho thời hạn 3 năm hoặc 5 năm tùy theo hợp đồng. Đã bỏ tiền ra thì phải cố làm, lỡ tôm chết là lỗ vốn, phải “bay” về Bắc”.

Rừng phòng hộ xung yếu bị “bức tử”

 Tiền phong số 69 ra ngày 7/4/2005 đăng bài “Vĩnh Lợi- Bạc Liêu: Đất dân nghèo “cấp nhầm” cho cán bộ”. Họ đã cho thuê, giao khoán diện tích “nuôi tôm kết hợp với bảo vệ rừng” cho người lao động nghèo.

Hàng chục héc- ta rừng phòng hộ ven biển đông thuộc xã Vĩnh Thịnh, bị xẻ thịt, bao ví, bơm nước làm rừng mấm “chết ngộp”.

Hơn một năm thay đổi “địa chủ mới”, trên vùng đất hai bên đê biển không còn màu xanh của đước, rừng mấm quen thuộc vùng bãi bồi ven biển. Tỷ lệ giao khoán của Chi cục kiểm lâm Bạc Liêu với người đất rừng phòng hộ phải đảm bảo 30% nuôi thủy sản, 70% trồng rừng.

Tỷ lệ này bị đảo ngược khi lợi ích con tôm mang lại mà người làm thuê phải chịu hai tầng “địa chủ mới”. Người lao động nghèo huy động hết vốn liếng để nhận khoán đất rừng từ “địa chủ mới”. Không đất phải thuê khoán lại nên họ cố sức mở rộng diện tích để nuôi tôm, triệt hạ cây rừng, nhằm thu lợi đủ “nộp tô”, nuôi sống gia đình.

Dãy rừng phòng hộ là cây mấm, cây đước từ đê biển trải dài sát mé biển có chiều rộng từ vài trăm mét đến 1.500m, bị vuông tôm lấn dần, xác sơ rừng phòng hộ.

Ông Lê Ngọc Bội, Hạt phó Hạt kiểm lâm liên huyện rừng phòng hộ biển Đông, cho chúng tôi biết: Diện tích rừng mấm ở xã Vĩnh Thịnh bị chết khoảng 25 ha, tỷ lệ chết 70%. Lúc đầu, chúng tôi tưởng do sâu ăn lá cây mấm. Chờ mãi không thấy ra lá non mới phát hiện rừng mấm chết thiệt. Nhưng những số liệu cụ thể, nguyên nhân chết phải hỏi Chi cục kiểm lâm. Hàng năm, Chi cục đều có điều tra rừng chết để đầu tư trồng lại.

“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Những cán bộ trục lợi đất người nghèo, “bức tử” rừng phòng hộ xung yếu biển Đông có chịu trách nhiệm như Luật Bảo vệ và phát triển rừng?

MỚI - NÓNG