Rừng phòng hộ xung yếu lại bị đốn hạ

Rừng phòng hộ xung yếu lại bị đốn hạ
TP - Vụ phá rừng nghiêm trọng ở vùng rừng đệm Phong Nha-Kẻ Bàng vừa mới khép lại bằng một loạt các xử lý vi phạm,  hậu quả khôn lường của nó không dễ gì khắc phục được trong ngày một ngày hai.
Rừng phòng hộ xung yếu lại bị đốn hạ ảnh 1
Một góc rừng vừa bị thảm sát

Thế nhưng ở ngay những cánh rừng phòng hộ xung yếu của hồ chứa nước Phú Vinh, sát TP Đồng Hới lại vừa xảy ra một cuộc “tàn sát” rừng trắng trợn và liều lĩnh chưa từng có trên đất Quảng Bình.

Ngày nghỉ cuối tuần, máy di động của tôi đổ chuông, phía đầu dây không xưng danh tính, chỉ một thông tin rất vội vàng: Các anh làm gì đi chứ, bọn họ đang cạo trắng những khoảnh rừng cuối cùng của phía tây TP Đồng Hới. Muốn đến đó thì vào Nông trường Việt - Trung rẽ trái chừng mươi cây số là đến. Chỉ thế và cúp máy.

Theo những con đường vừa mới được xe cơ giới mở, chúng tôi vượt qua 4 dốc cao. Đường sau mưa trơn tuột, chúng tôi đánh vật suốt 5 giờ đồng hồ để lên tới đỉnh. 

Cảnh rừng tan hoang không khác gì những cánh rừng Trường Sơn thời chiến khi bị bom B52 rải thảm. Rừng đã bị đốn hạ không thương tiếc. Những thân cây có đường kính từ 40-50 cm bị “hạ sát” bằng rìu và cả cưa máy nằm ngổn ngang, chồng lớp lên nhau.

Rừng phòng hộ xung yếu lại bị đốn hạ ảnh 2
Một cây rừng lớn vừa bị chặt hạ

Lán trại của những kẻ phá rừng còn nguyên đó với đầy đủ xoong, nồi, bát đũa và cả một chiếc võng chưa kịp tháo. Một cuộc đại tàn sát rừng quy mô và có tổ chức.

Đứng ở đỉnh cao nhất (người ta gọi là đỉnh 314 và theo bản đồ lâm nghiệp thì vùng này thuộc tiểu khu 355 của lâm phần Lâm trường Đồng Hới) mới bao quát hết cuộc thảm sát khủng khiếp này.

Sau phía chân đồi kia là hồ chứa nước Phú Vinh, có dung tích 22 triệu mét khối, đảm nhiệm tưới cho hơn 600 ha lúa 2 vụ của Đồng Hới và quan trọng hơn, nó là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu cho hơn 10 vạn dân của thành phố.

Thế mà, hơn 100 ha rừng phòng hộ xung yếu đang bị lâm tặc ngang nhiên  tàn phá. Những khoảnh rừng còn sót lại với những cây gỗ cao 15-20 m, đường kính phổ biến từ 30-40 cm đã bị lửa bắt vào đỏ quạch như tôm luộc. Có thể, chỉ trong nay mai chúng sẽ tiếp tục bị đốn hạ.

Một cuộc đại tàn sát rừng được tính toán và thực hiện rất bài bản. Nghĩa là chặt hạ, cưa xẻ những thân gỗ to và vận chuyển gỗ ra khỏi rừng tiêu thụ, rồi sau đó hạ nốt những cây nhỏ còn lại và phi tang bằng một trận hỏa thiêu.

Ngày 26/11, trao đổi với phóng viên ông Nguyễn Hữu Hoài - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình - tỏ ra khá bất ngờ.

Ông nói: “Đến giờ phút này tôi chưa hề nhận được bất cứ thông tin nào từ Chi cục Kiểm lâm TP Đồng Hới báo cáo về vụ phá rừng nghiêm trọng trên. Từ nguồn thông tin này, tôi sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc. Nếu có ai đó cố tình bưng bít thông tin để ém nhẹm vụ việc, chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật".

Theo một nguồn tin, lãnh đạo xã Thuận Đức, TP Đồng Hới, Kiểm lâm, Lâm trường đã có mặt tại hiện trường của vụ phá rừng nghiêm trọng trên, nhưng thật lạ, không hiểu sao họ lại không có bất cứ báo cáo nào cho lãnh đạo tỉnh.

Tất cả được tiến hành gọn ghẽ đến mức sát nách các cơ quan chức năng nhưng tịnh không thấy họ động tĩnh gì. Hơn 100 ha rừng ở trạng thái 2A (rừng tự nhiên bảo vệ phục hồi sau khai thác) với nhiều chủng loại gỗ “tên tuổi” như lim, gõ, sến, táu...

Hơn thế nữa, đây là rừng phòng hộ xung yếu cho hồ chứa Phú Vinh và đầu ngọn Rào Chéo (một ngọn chủ yếu cấp nước cho hồ Phú Vinh). Thế mà đến cả tháng nay, hơn 1 triệu mét vuông rừng tự nhiên cứ từng ngày, từng ngày bị hủy diệt.

Những kẻ phá rừng ngang nhiên thuê xe cơ giới mở đường ầm ầm suốt ngày đêm, với tổng chiều dài của các tuyến đường hơn 10 km, nhưng Lâm trường Đồng Hới, lực lượng Kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm Đồng Hới, chính quyền xã Thuận Đức...vẫn không hề hay biết thì quả là lạ.

Theo thông tin riêng của chúng tôi thì những kẻ phá rừng ở đây gồm 19 hộ dân của thị trấn Nông trường Việt-Trung. Để có mươi héc-ta đất rừng họ sẵn sàng chi phí đến trăm triệu đồng thuê xe mở đường và cả lực lượng “đao phủ” tàn sát rừng.

Họ cạo trọc rừng tự nhiên có trữ lượng gỗ khá lớn với độ tuổi 50-60 năm để trồng rừng sản xuất. Những cây bạch đàn và cây keo bé xíu như que tăm đã được họ trồng vội vàng mấy hôm trước trên những cánh rừng vừa bị đốt cháy trọc trơ đá sỏi đã nói lên điều đó.

MỚI - NÓNG