Rừng tan tác dưới đỉnh Mo Ray

Rừng tan tác dưới đỉnh Mo Ray
TP - Khu bảo tồn Quốc gia Chư Mo Ray có hệ động thực vật thuộc diện đa dạng, phong phú và quý hiếm bậc nhất của nước ta nhưng những cánh rừng nguyên sinh của Khu bảo tồn đang hàng ngày bị… xẻ thịt!
Rừng tan tác dưới đỉnh Mo Ray ảnh 1
Người phụ nữ chúng tôi bắt gặp cũng đang chặt hạ cây rừng

Theo trưởng thôn A Năng làng Đăk Đe, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy (Kon Tum), năm 2004, hơn 30 hộ trong tổng số 107 hộ gia đình của làng đã kéo vào khu vực rừng đệm, Khu bảo tồn thiên nhiên Chư Mo Ray để... chặt phá rừng làm nương rẫy.

Chúng tôi có mặt tại các đám rẫy, những thân cây gỗ to cháy nham nhở, nằm ngổn ngang, phía dưới là những gốc lúa đã được thu hoạch. Ước tính hơn 20 ha rừng đã bị xóa sổ.

Gắn với “chiến tích” phá rừng này là việc A Uyn người làng Đăk Đe đã phải ra trước vành móng ngựa, bị TAND huyện Sa Thầy xử phạt 2 năm tù treo và buộc nộp 32 triệu đồng. Cùng chung “cảnh ngộ” với A Uyn còn có thêm A Gái ở tận làng Khúc Loong cũng chịu hình phạt tương tự.

Rừng đang bị tàn sát

Tưởng qua việc 2 người dân đã bị pháp luật trừng trị như vậy thì nạn phá rừng sẽ được ngăn chặn! Nhưng ai dè  bước sang năm mới 2006, nạn phá rừng ở Rờ Kơi vẫn không hề thuyên giảm.

“Tấm gương” của A Uyn và A Gái đi đâu cũng được người dân nhắc tới, vậy mà... Chúng tôi theo chân trưởng thôn A Khem làng Ya Xiêng, lặn lội qua nhiều đèo cao suối sâu, men theo những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn.

Rừng vắng vẻ, đi được một hồi lâu bỗng nghe tiếng búa rìu vang lên chát chúa. Khi đến nơi phát ra tiếng kêu, chúng tôi bắt gặp một phụ nữ và một cháu nhỏ.

Rừng tan tác dưới đỉnh Mo Ray ảnh 2
Ông trưởng thôn A Khem đang chỉ về những cánh rừng nguyên sinh vừa bị tàn sát

Hỏi tên người phụ nữ kia, trưởng thôn bảo: “Em không biết” và giải thích chị ta ở tận làng Khúc Loong, đã sang “bắt chồng” là A Pang người làng mình. Chị ta theo chồng đang sinh sống ở trong làng, nhưng khi hỏi tên tuổi thì trưởng thôn chịu.

Trước mắt chúng tôi là những cánh rừng nguyên sinh đã bị chặt hạ không thương tiếc. Hỏi trưởng thôn A Khem, để rừng bị tàn phá nhiều như thế này mà không có biện pháp gì ngăn chặn hay sao?

Anh ta hồn nhiên trả lời: “Có chứ! Mỗi lần đi giao ban trên xã mình bị phê bình miết, đau đầu lắm! về nhà đã họp dân 3-4 lần, cũng “quán triệt” dữ lắm mà bà con không nghe, mình chẳng biết làm sao cả!”.

Hỏi danh tính những người chặt hạ rừng này, A Khem lặng thinh một lúc lâu, suy nghĩ rồi “tiết lộ” rằng: “Rừng bị chặt phá khoảng trên 20 ha, còn số lượng hộ gia đình tham gia phá rừng thì mình không biết!”.

Chúng tôi gặng hỏi tên tuổi cụ thể những người đã “tiên phong đi đầu” trong việc phá rừng, anh đọc tên từng người. Mặt A Khem có vẻ quan trọng: “Mình phê bình, kiểm điểm họ nhiều, họ không thích đâu. Lợi dụng lúc uống rượu say, họ cứ đưa mình ra mà chửi tầm bậy. Tức lắm!”.

Thiết nghĩ các ngành chức năng tỉnh Kon Tum cần có biện pháp xử lý kịp thời về tình trạng chặt phá rừng đang xảy ra trên địa bàn xã Rờ Kơi, chấm dứt tình trạng xâm hại nghiêm trọng đến Khu bảo tồn thiên nhiên cấp Quốc gia Chư Mo Ray.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.