Rừng và kiểm lâm: Ðể giữ rừng căn cơ, bền vững

Du khách tận ngắm cổ thụ thông hai lá nghìn năm ở VQG Bidoup - Núi Bà
Du khách tận ngắm cổ thụ thông hai lá nghìn năm ở VQG Bidoup - Núi Bà
TP -  Sau nhiều bài học kinh nghiệm đắt giá, những cách làm mới hiệu quả, thiết thực hơn trong công tác quản lý bảo vệ rừng đã xuất hiện. Trong đó, đặc biệt đáng chú ý là các mô hình kinh tế gắn với môi trường rừng tự nhiên một cách hài hòa, bền vững, vừa bảo đảm được mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái, vừa đem lại lợi ích chính đáng cho các bên liên quan.

Niềm tin bền bỉ

Trong những điển hình bảo vệ rừng, luôn có các nhân tố cộng đồng tích cực. Với đồng bào vùng cao, rừng không chỉ là nguồn sinh thủy, là lá phổi bảo vệ môi trường sống cho con người, mà rừng còn là không gian linh thiêng lưu giữ các phong tục tập quán, giá trị và bản sắc văn hóa nghìn năm. 

Bảo vệ rừng với ý thức tự giác luôn đạt kết quả tốt hơn cách giữ rừng theo mệnh lệnh hành chính. Ở Lâm Đồng, thương binh K’Ten ở thôn Ka Long, xã Hiệp An thuộc huyện Đức Trọng được gọi là “người rừng”, vì đã hơn 30 năm sống chủ yếu trong rừng với mức lương “tượng trưng”. K’Ten giữ trọn cam kết bảo vệ nguyên vẹn 32 hecta rừng, trong đó có quần thể Thông đỏ đặc biệt quý hiếm tại khu vực núi Voi.

Tỉnh Đắk Lắk, ở xã Ea Tu ngoại thành Buôn Ma Thuột có 2 vạt rừng xanh tươi diện tích gần 3 hecta và rừng đồi Cư H’Lăm đầy cổ thụ, rộng gần 19 hecta rợp mát một quãng đường dọc tỉnh lộ vào huyện Cư Mgar do cộng đồng 2 buôn K’Mrơng Prông A, K’Mrơng Prông B gìn giữ. Giao thông thuận lợi, nhưng không nhóm lâm tặc nào dám bén mảng phá rừng.

Nếu không có cộng đồng người Mạ ở xã Đắk Som, huyện Đắk G’long nhận khoán bảo vệ rừng, thì kiểm lâm tỉnh Đắk Nông khó giữ mảng rừng quý còn lại của Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng. Bằng niềm tin rừng gắn liền sinh mệnh, đại họa sẽ giáng xuống nếu làng để mất rừng, cứ mỗi cây rừng bị chặt, làng phải hiến tế một con trâu làm lễ tạ tội, làng đã bảo vệ rừng nguyên vẹn giữa các dãy đồi trọc bao quanh.  

Tương tự, công đầu bảo vệ toàn vẹn “vương quốc Pơ mu” trên độ cao 1.500 mét thuộc về cộng đồng người Cơtu các xã Axan và Tr’hy, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Đồng bào ở đây gọi Pơ mu là Cây linh thiêng, tin đó là chỗ trú ngụ của thần linh, nơi hồn người về nương náu, nên họ thẳng thừng từ chối mọi cuộc ngã giá bán mua.

No ấm dưới tán rừng

Chính thức triển khai trên cả nước từ đầu năm 2011, việc lập Quỹ và chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là thành tựu nổi bật trong các chính sách lâm nghiệp. Tiền DVMTR thu chủ yếu từ các nhà máy thủy điện và các dự án công nghiệp đã trở thành nguồn tài chính ổn định, hỗ trợ hữu hiệu hoạt động QLBVR trên cả nước; giảm mạnh áp lực chi cho lâm nghiệp bằng ngân sách nhà nước. Năm 2019, Quỹ DVMTR thu được hơn 2.800 tỷ đồng, trả công QLBVR 6,3 triệu hecta, chiếm 43% tổng diện tích rừng toàn quốc. Ứng dụng công nghệ, tiền dịch vụ môi trường rừng được chuyển khoản nhanh chóng, đầy đủ, minh bạch càng khiến các chủ rừng phấn khởi làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, vẫn cần có thêm nhiều sáng kiến, cách làm mới để giúp dân làm giàu được dưới tán rừng, chứ không chỉ chật vật đủ sống. Tiêu biểu như mô hình “cộng đồng bảo vệ rừng và phát triển sinh kế”, do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển vùng cao (CERDA) triển khai tại 2 tỉnh Thái Nguyên,  Thanh Hóa, sau 5 năm ứng dụng đã rõ kết quả khả quan, cần nhân rộng. Gần 7.000 ha rừng “vô chủ” được giao quyền sử dụng 50 năm cho gần 5.500 hộ dân, sau những đợt tập huấn trang bị đầy đủ kiến thức, hỗ trợ vật tư, cây giống, hướng dẫn kỹ thuật phục hồi hệ sinh thái và cách làm kinh tế rừng bền vững. Độ che phủ đã được nâng lên, nhiều loài động thực vật hoang dã hồi sinh. Nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông thay vì phá rừng để kiếm sống như trước, nay trở thành các chủ lâm trại có mức thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Rừng và kiểm lâm: Ðể giữ rừng căn cơ, bền vững ảnh 1 Không gian văn hóa cồng chiêng dưới tán rừng được gìn giữ ở làng Cù Lần

Nhà đầu tư lý tưởng

Là đơn vị tiên phong tổ chức dịch vụ du lịch dưới tán rừng, đã thành công với điểm hẹn “Làng Cù Lần” sau 9 năm đi vào hoạt động ở xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), mới đây Công ty TNHH GBQ đã được Bộ TNMT và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng nhất trí cho thuê môi trường của 216 hecta rừng đặc dụng của VQG Bi Doup Núi Bà để thiết kế các tours du lịch sinh thái, dự kiến khai trương vào dịp Quốc khánh 2020. Du khách sẽ có cơ hội tham quan quần thể Thông hai lá nghìn năm kỳ vĩ, tên khoa học là Pinus Krempfii, còn được gọi là “Sứ giả thời tiền sử”, do đã xuất hiện trên cao nguyên Langbiang từ hàng triệu năm về trước, cùng thời với loài khủng long.

Trao đổi với chúng tôi, doanh nhân đồng thời là nhạc sĩ Văn Tuấn Anh, chủ công ty GBQ cho biết lâu nay GBQ trả lương tháng bình quân 8 triệu đồng/người cho 145 lao động biên chế, chưa kể hàng nghìn công lao động thời vụ mỗi năm, hơn 80% người bản địa. Năm 2019, Làng Cù Lần đón 580 nghìn du khách, riêng vé vào cổng 100 nghìn đồng/người, đóng góp được nhiều khoản thuế phí, trong đó có thuế DVMTR. Chuẩn bị nhân sự cho 8 cung đường du lịch Đại Ngàn, GBQ vừa nhận thêm 20 đôi vợ chồng trẻ người K’ho, giao nhà ở đủ tiện nghi, bảo đảm cho họ sống no ấm, yên tâm gắn bó dài lâu.

“Tôi nghĩ nước ta hoàn toàn có thể nhân rộng mô hình khai thác du lịch từ môi trường rừng, làm giàu cho địa phương nơi sở hữu cánh rừng đó. Chuẩn bị mở các tuyến du lịch xuyên rừng, cán bộ nhân viên của GBQ ngoài việc tuyệt đối không gây tổn hại tới môi trường rừng dưới bất kỳ hình thức nào, còn tham gia trồng dặm thêm rất nhiều thông và hoa dọc các lối đi. Du khách luôn được nhắc “Không lấy gì về từ rừng ngoài những tấm ảnh. Không để gì lại rừng ngoài những dấu chân”. Ông Văn Tuấn Anh khẳng định.

Là vị lãnh đạo hiểu rõ tầm quan trọng, giá trị của rừng tự nhiên với ngành du lịch, tiến sĩ Phạm S-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng xác nhận: “Tình yêu đại ngàn sâu sắc trong nhạc sĩ Văn Tuấn Anh không chỉ thể hiện qua nhiều ca khúc nổi tiếng do anh ấy sáng tác, mà còn được chứng minh qua nhiều việc anh ấy đã làm. Ðây là nhà đầu tư lý tưởng đầu tiên được tỉnh Lâm Ðồng chọn để triển khai mô hình khai thác du lịch trên môi trường rừng bền vững ”.

MỚI - NÓNG