Rừng vẫn ở tay quan chức

Rừng vẫn ở tay quan chức
TP - Sau loạt bài “Dân thiếu đất, rừng về tay quan chức",  về lại xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu, Nghệ An, phóng viên được chứng kiến cuộc sống ngày một cơ cực của người dân, đất vẫn ở trong tay quan chức!

Trở lại bản Hạnh Tiến, thấy phóng viên đến, một số người dân khiếp sợ không dám tiếp chuyện. Vì lần trước báo Tiền phong đăng bài phản ánh sự việc này, sau đó một số người dân đã bị đe dọa. Thậm chí ông Trần Ngọc Lan, Bí thư chi bộ bản Hạnh Tiến cũng bị chúng đe dọa, vì nghi ngờ ông đã cung cấp thông tin cho phóng viên.

Nhà của bà Lương Thị Khuê, người dân tộc Thái (người từng được báo Tiền phong phản ánh) được người dân địa phương ví là nhà “chị Dậu”. Bà Khuê được bản làng xếp vào diện ưu tiên để xóa nhà tranh tre dột nát, nhưng ông Trần Văn Mỹ (trước đây là Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, nay là Bí thư Huyện ủy) không cho bà Khuê làm.

Những cán bộ huyện Quỳ Châu nhận đất khoán rừng dài hạn

- Ông Trần Văn Mỹ - Bí thư Huyện ủy Quỳ Châu nhận 14.183 m2, tại khu vực núi Què
Ông Võ Văn Hồng-Chồng bà Phan Thị Dung-Phó Chủ tịch UBND huyện nhận 18.641 m2, tại Khe Bấn;
- Ông Nguyễn Đình Cẩn-Chánh văn phòng UBND huyện nhận 2 lô: trên 100.000 m2 tại Khe Bấn;
- Ông Lô Đình Nguyên-Phòng LĐTB và XH nhận: 12.234 m2 tại Khe Bấn và 28.533 m2 tại Khe Dến;
- Ông Nguyễn Đình Trưng- Cán bộ Ban định canh định cư nhận: 98.813 m2, tại Khe Bấn; Bà Vi Thị Xinh-vợ của nguyên Phó Bí thư Huyện ủy: 53.889 m2 tại Khe Bấn;
- Ông Lang Văn Xuân- Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy nhận 2 lô: 17.856 m2 tại Khe Nghèo Nọi và 6.968 m2 tại Khe Nghèo;
- ông Lang Văn Dung-Nguyên Chủ tịch UBMTTQ xã Châu Hạnh nhận gần 80.000 m2 tại Khe Bấn...

Ông Mỹ cho rằng, mảnh đất mà gia đình bà đang ở là của ông.

Trả lời phóng viên Tiền phong trước đây, ông Mỹ hứa sẽ giao cho địa phương tìm và cấp đất mới để bà làm nhà, nhưng đến nay vẫn chẳng thấy huyện có động tĩnh gì.

Đã thế, mới rồi bà Khuê đào được cái giếng nước thì bị người ta đập phá tan tành. 

Ba hộ dân, gồm hộ ông Trần Văn Thắng, Nguyễn Văn Huy, Nguyễn Văn Duy được coi là những người khai khẩn đầu tiên ở bản Hạnh Tiến, nhưng đất rừng của họ cũng bị cán bộ huyện lấy mất, nay chỉ còn lại mảnh đất vườn và đất ở. Nhưng mới đây, bà Vi Thị Xinh -Vợ của nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Quỳ Châu đã đến yêu cầu họ di dời nhà cửa và cây cối để bà lấy đất.

Bà Xinh cho rằng, phần đất mà các hộ trên đang ở là đất của bà. Thấy cán bộ ép dân quá đáng, cả 3 hộ đã viết đơn trình lên Tòa án nhân dân huyện. Chỉ khi cả 3 hộ trình trước tòa 3 bìa đỏ, có chữ ký và dấu đỏ của chính quyền cấp, có ghi rõ diện tích đất của từng chủ hộ bà Xinh mới chịu.

Đáng nói là trước đây, khi Nghị định 02 và 64 (chỉ được cấp rừng, không được cấp đất) đang được thực hiện thì không thấy “ông quan”, “ bà quan” nào nhận rừng. Nhưng đến khi thực hiện Nghị định 163 (ổn định giao đất lâm nghiệp lâu dài cho hộ gia đình, trong đó có cả tập thể) thì ở huyện Quỳ Châu từ Bí thư cho đến Chủ tịch, Phó Chủ tịch... mỗi người “ôm” một đến hai mảnh rừng. Trong khi đó người nông dân yếm thế thì chẳng được giao một tấc đất sản xuất.

Chặt phá rừng vô tội vạ

Nghiêm cấm việc khai thác rừng phòng hộ

Trao đổi với Tiền phong, ông Nguyễn Tất Dứ - Chi cục trưởng Cục kiểm lâm Nghệ An, nói: “Rừng phòng hộ và khoanh nuôi thì không được khai thác, dù là rừng do cán bộ hay dân thường quản lý khi khai thác đều phải xin phép. Không được khai thác trái phép, không được chuyển rừng khoanh nuôi sang rừng khai thác. Lâu nay chúng tôi triển khai chống tiêu cực trong nội bộ ngành rất tích cực, nếu đằng sau vụ việc này có cơ sở cho thấy cán bộ kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc thì chúng tôi sẽ xử lý, dù người đó là ai”.

Trong khi chúng tôi về điều tra sự việc thì một số bà con vừa đi trong rừng ra báo tin:

Rừng khu vực khe Bấn của nhà anh Trần Văn Lê (con trai ông Trần Văn Mỹ) đang bị khai thác bừa bãi.

Lập tức phóng viên cùng một số người dân nơi đây vào tận nơi chứng kiến gỗ đã khai thác đang vứt ra hai bên khe.

Được biết, khu vực này là rừng khoanh nuôi bảo vệ, nhưng thường xuyên bị khai thác.

Ban ngày gia chủ chặt cây rừng, đêm đến họ cho xe công nông vào chở gỗ đi. Điều đáng nói là rừng bị chặt phá như thế, nhưng không có ai dám đứng ra ngăn chặn.

Theo điều tra của chúng tôi, lâu nay tại huyện miền núi Quỳ Châu không riêng gì ở rừng khe Bấn bị khai thác trái phép mà ở một số điểm khác cũng đang bị chặt phá bừa bãi, gây bất bình trong nhân dân.

Phan Sáng

MỚI - NÓNG