Rút giấy phép hãng bay để khách vật vờ?

Hành khách bị chậm, hủy chuyến bay phải ngồi chờ ở sân bay Nội Bài-Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu
Hành khách bị chậm, hủy chuyến bay phải ngồi chờ ở sân bay Nội Bài-Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu
TP - Cuộc họp tại Bộ GTVT ngày 11/7 vỡ ra nhiều chuyện: Không có thang cho khách xuống máy bay, khách vào ga gặp cửa khóa trái, sân bay không đuổi được chim, tắc đường hàng không khiến máy bay phải vòng vèo, chậm, hủy chuyển... Đây thực sự là nỗi xấu hổ của ngành hàng không.

Nỗi xấu hổ của ngành hàng không

Chủ trì cuộc họp, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng nói rằng, việc chậm, hủy chuyến gia tăng gần đây là một sự xấu hổ của ngành hàng không, gây bức xúc trong nhân dân. Ông Thăng kêu gọi các hãng hàng không “nói thẳng, nói thật, không ngại va chạm để tìm giải pháp khắc phục”.

Tổng GĐ Hãng Hàng không Quốc gia (VNA) Phạm Ngọc Minh nói rằng, nhiều năm qua, VNA cùng Cục Hàng không, Quân chủng Phòng không - Không quân tìm mọi cách để rút ngắn thời gian bay từ Hà Nội đến TPHCM còn khoảng 1 giờ 35 phút đến 1 giờ 38 phút. Nhưng nay, thời gian bay thực: Từ 1 giờ 45 đến 1 giờ 50 phút.

Nguyên do là đến sân bay Nội Bài hoặc Tân Sơn Nhất, máy bay phải chờ chỗ đỗ để hạ cánh. Có khi, máy bay VNA phải lượn ra tận Vũng Tàu rồi mới bay vòng lại để hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất. “Chúng ta có nhiều nỗ lực để tiết kiệm thời gian bay 5-7 phút, nhưng cứ đến sân bay, các nỗ lực đó mất hết”, ông Minh nói.

GĐ điều hành của VietJet Lưu Đức Khánh kể nỗi khổ của một hãng chịu cảnh đi thuê đến 80% dịch vụ tại sân bay với nhiều trường hợp oái oăm. Đầu tháng 6, máy bay Vietjet hạ cánh tại Hải Phòng, nhưng không có xe thang nên khách xuống chậm 45 phút.

Rút giấy phép hãng bay để khách vật vờ? ảnh 1

VietJet Air cam kết sẽ cải thiện tình hình chậm, hủy chuyến. Ảnh: Đình Thắng

Bi hài hơn, tại sân bay này, phi công VietJet phải đứng lỳ trên thang để giữ thang cho khách xuống khi bị nhân viên mặt đất (tại đây) điều thang cho hãng khác. Ông Khánh còn kể các nguyên nhân “trời ơi” khác như thiếu xe buýt đón khách trong sân bay (Sân bay Cam Ranh); máy bay bị chậm 60 phút vì sân bay dọn vệ sinh (Sân bay Vinh). 

Với hàng không, tần suất sử dụng máy bay cao, chuyến này chậm kéo theo chuyến khác. Ông Lê Hồng Hà, Tổng GĐ Jetstar Pacific, đề nghị, nếu Tổng Cty Cảng hàng không không có tiền đầu tư, hãng sẽ đưa xe thang đến sân bay Cát Bi và Vinh để tự phục vụ. Ông Hà và ông Khánh cùng đề nghị Cục Hàng không cho phép đón khách lên máy bay trong quá trình bơm xăng để tiết kiệm thời gian.

Cục hàng không nhận trách nhiệm

Tại cuộc họp, Bộ trưởng GTVT nhiều lần nhắc đến trách nhiệm của Cục Hàng không. Bị dồn nhiều, Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh thừa nhận không làm tròn trách nhiệm, đặc biệt chưa điều phối tốt giữa các bên. Ông Thanh nói rằng, từ trước đến nay, chưa nghiên cứu, xem xét kỹ nguyên nhân và giải pháp để khắc phục việc chậm, hủy chuyến. “Các anh nói hành khách là “thượng đế”, sao cứ để “thượng đế” vật vờ tại sân bay như thế? Nguyên nhân của việc này là sự vô cảm, thờ ơ. Trách nhiệm chậm, hủy chuyến trước hết của Cục Hàng không, Vụ Vận tải, các cơ quan tham mưu của bộ, cuối cùng mới là hãng hàng không”, ông Thăng nói.

Tại cuộc họp này, VietJet cam kết sẽ giảm 50% số chuyến bị hủy, chậm trong tháng 7 và 8; đến tháng 9 sẽ giảm 95%; Jetstar Pacific cam kết giảm 85% vào tháng 11. Bộ trưởng GTVT yêu cầu, VNA không được thụt lùi, lấy lại đúng số chuyến bay đúng giờ như trước đây (89%). Ông Thăng đề nghị, phải bổ sung ngay vào dự thảo Luật Hàng không chế tài xử lý việc chậm, hủy chuyến. “Hãng hàng không chậm, hủy chuyến phải bị xử lý, thậm chí rút giấy phép. Phải quy định trách nhiệm cụ thể, không thể để chậm, hủy chuyến mà vẫn hòa cả làng như hiện nay”, ông Thăng nói.

“Quản lý nhà nước phải nhảy xuống bơi cùng doanh nghiệp. Phải bơi để biết họ khổ sở thế nào, nước lạnh hay nóng, sóng to hay nhỏ. Có như thế mới hiểu được doanh nghiệp cần gì, phải làm gì để gỡ khó cho doanh nghiệp”.

Bộ trưởng GTVT

Đinh La Thăng

Ông Thăng cũng đề nghị các doanh nghiệp trong ngành, các hãng hàng không phải hợp tác vì lợi ích chung của ngành, của đất nước. Cụ thể, từ đề xuất của VietJet, tư lệnh ngành GTVT đề nghị Cục Hàng không chủ trì buổi làm việc để các hãng có thể sử dụng chung kho phụ tùng (VietJet muốn mua của VNA phụ tùng dự trữ vì khi máy bay hỏng hóc, đặt mua ở nước ngoài bị chậm đến 3-4 ngày). Ông Thăng cũng chỉ đạo nghiên cứu việc lập đội tàu bay dự trữ chung để sử dụng khi xảy ra tình trạng chậm, hủy chuyến. 
Bộ trưởng GTVT chỉ đạo Cục Hàng không đăng ký lịch làm việc với Bộ Tổng Tham mưu, Quân chủng Phòng không Không quân (Bộ Quốc phòng) để giải quyết các vấn đề liên quan việc rút ngắn đường bay trên trục Bắc - Nam và các quy định cất, hạ cánh để hạn chế tình trạng chậm, hủy chuyến.

Kỷ luật 9 người trong vụ VietJet bay nhầm

Tin từ Cục Hàng không ngày 11/7 cho biết, có 9 cá nhân cả trong và ngoài hãng hàng không VietJet bị kỷ luật trong vụ máy bay VietJet đưa khách bay Đà Lạt, nhưng hạ cánh xuống Cam Ranh ngày 19/6. Cụ thể, Cơ trưởng chuyến bay Pavel Ondrej, cơ phó Amin Hassiri và tiếp viên trưởng Phan Thị Hương Trang bị rút giấy phép trong vòng 30 ngày. Giám đốc Trung tâm Điều hành bay của Vietjet Air, ông Elvis Gilbert, bị đình chỉ đến ngày 1/8 để hãng kiểm điểm, huấn luyện lại.

Trưởng và Phó trưởng cơ sở thủ tục bay Nội Bài, nhân viên thủ tục bay của Cơ sở thủ tục bay Nội Bài; nhân viên kiểm soát viên không lưu của Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài bị đình chỉ. Cục Hàng không cũng yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm cá nhân và tập thể đối với Tổng Cty Cảng Hàng không Việt Nam, Tổng Cty Quản lý bay Việt Nam, Cảng vụ Hàng không miền Bắc.

Sỹ Lực


MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.