Rút hồ sơ tự ứng cử vì không thể 'đóng hai vai'

Rút hồ sơ tự ứng cử vì không thể 'đóng hai vai'
Ở góc nhìn sâu với tâm niệm đại biểu Quốc hội không thể kiêm nhiệm, phân tâm, sau hơn một ngày tĩnh tâm kể từ lúc xin rút hồ sơ tự ứng cử, ông Đặng Văn Khoa đã có buổi gặp gỡ với phóng viên.
Rút hồ sơ tự ứng cử vì không thể 'đóng hai vai' ảnh 1
Rút hồ sơ tự ứng cử vì đặt kỳ vọng quá lớn vào vai trò đại biểu dân cử.

>> Tôi muốn mình là đại biểu thật sự của dân

Gương mặt đầy tâm trạng, ông cho biết: "Tôi xin rút hồ sơ tự ứng cử vì đặt kỳ vọng quá lớn vào vai trò của một đại biểu dân cử, chứ không phải vì thất vọng điều gì".

Ông Khoa nói tiếp: "Sau khi nộp hồ sơ tự ứng cử, tôi vạch ra chương trình hành động cụ thể và nhận rõ hơn một điều: Nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội, thì phải dành hết thời gian, trí tuệ, công sức vào công việc này. Trong khi việc kinh doanh và việc gia đình chưa cho tôi điều kiện đó, mặc dù tôi đã cố công thu xếp: chấp nhận từ chối một vị trí có mức lương hàng nghìn USD một tháng để dành thời gian làm đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội không thể vướng bận việc khác".

Đại biểu không thể có vai trò khác?

Tuy nhiên, thưa ông, Quốc hội bây giờ có tới 75% đại biểu kiêm nhiệm, dự kiến ở khóa XII, số đại biểu chuyên trách tăng lên, số đại biểu kiêm nhiệm sẽ còn 70%. Việc đại biểu kiêm chức vụ gì đó, hoặc "vướng bận" gì khác là chuyện phổ biến?

Với tôi, người đại biểu Quốc hội ngoài tâm thế đại biểu của dân ra không thể có một tâm thế gì khác cho một vai trò khác. Giữ một tâm thế khác, vai trò khác thì rất khó làm tròn vai trò đại biểu.

Khi tiếp xúc với báo giới, tôi thường yêu cầu không giới thiệu "chức vụ kiêm" của tôi là Giám đốc công ty... bên cạnh tư cách đại biểu HĐND. Bởi vì tôi muốn khi nói lên tiếng nói gửi gắm của người dân, tôi thuần túy là đại biểu HĐND, hoàn toàn vô tư, trong sáng. Tôi thấy áy náy khi một số báo đài đã không thực hiện việc đó.

Từng có đại biểu HĐND nói với tôi: "Ông là người ứng cử tự do nên ông có thể phát biểu rất thẳng thắn, đúng với tâm huyết của mình. Chúng tôi là người của bộ máy, nên nhiều khi phải né tránh".

Từ khi trở thành đại biểu HĐND, đi đâu và làm gì, tôi đều nghĩ tôi là "hội đồng Khoa".

Nhưng công tác HĐND của ông được cho là rất tốt, có hàng trăm thư độc giả từ mọi miền của cả nước ủng hộ ông tự ứng cử đại biểu Quốc hội. Một số người sẵn sàng làm việc miễn phí cho ông để hỗ trợ kiến thức lập pháp. Có người cho rằng, giữ tâm thế, chất lượng công việc như vậy, lại được ủng hộ, nhất định ông sẽ làm tốt vai trò đại biểu Quốc hội?

Tôi dự định nếu trở thành đại biểu Quốc hội, sẽ lập một văn phòng riêng với một số người giúp việc, lập website cá nhân để liên hệ mật thiết hơn với cử tri. Tôi còn tự vạch ra từng việc tỉ mỉ nếu như mình trở thành đại biểu Quốc hội.

Tuy nhiên, trong hơn một tháng qua kể từ khi nộp đơn tự ứng cử, càng lập kế hoạch tỉ mỉ càng thấy trách nhiệm của đại biểu Quốc hội quá lớn, công việc quá nhiều.

Thời gian qua, tôi càng nhận thấy sự kỳ vọng của người dân vào mình quá lớn. Hơn nữa, qua tổng kết Quốc hội khóa XI, tôi thấy nhiệm vụ Quốc hội khóa tới rất nặng. Quả thật, đây là những điều tôi chưa tính hết khi nộp đơn.

Riêng với vai trò đại biểu HĐND, mỗi ngày tôi nhận được hàng chồng đơn thư với khoảng mười cuộc tiếp dân. Tôi thường phải xử lý đơn thư đến tận 23 giờ đêm. Tôi sợ đến một lúc nào đó, mình không đáp ứng được kỳ vọng của người dân.

5 năm, một nhiệm kỳ quả là quãng thời gian dài đằng đẵng, đầy vất vả của một người đại biểu. Nếu không dồn hết công sức thì không thể nào hoàn thành trách nhiệm được.

Trong khi đó, việc bản thân tôi và gia đình tôi vẫn chưa được thu xếp xong. Các con tôi còn nhỏ, vợ tôi vẫn cần sự hỗ trợ rất nhiều. Tôi đã phải trằn trọc nhiều trước khi đưa ra quyết định khó khăn này. Và rất lấy làm tiếc, tự thấy mình có lỗi...

"Không thể là đại biểu với tâm thế được cử nên phải làm"

Dư luận vẫn phản ánh về việc nhiều đại biểu suốt thời gian dài không hề lên tiếng ở nghị trường, trong khi ông vẫn có thể nói tiếng nói thẳng thắn. Liệu ông đã tuyệt đối hóa vai trò của đại biểu, và quá khắt khe với mình?

Đại biểu của dân là một tư cách thiêng liêng. Tôi vẫn nghĩ đã là đại biểu thì làm việc hết mình, không thể vào Quốc hội, HĐND với tâm thế vì "tổ chức cử ra nên phải làm", hoặc là dự cho có.

Ông có nhắn gửi gì với cử tri, nhất là những người viết thư, gọi điện ủng hộ ông và bây giờ có thể thắc mắc về tương lai của ông?

Không loại trừ khả năng tôi ra tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII. Còn trước mắt, tôi sẽ vẫn là "hội đồng Khoa" và đóng góp cho xã hội hết khả năng có thể.

Tôi sẵn sàng tiếp bà con ở nhà tôi số 74A Nơ Trang Long, Bình Thạnh như lời hứa khi vận động cử tri ngày trước.

Xin cảm ơn ông!

Tự thấy không đủ tiêu chuẩn thì xin rút

Tính đến hết ngày 27/3, đã có 21 người xin rút hồ sơ tự ứng cử tại TP.HCM.

Ông Lê Hải Trà, phó giám đốc Trung tâm Giao dịch chứng khoán 45-47 Bến Chương Dương, thạc sỹ ĐH Havard (xin rút với lý do chính: không có thời gian dành cho công việc đại biểu Quốc hội, vì bận rộn công việc chuyên môn).

Ông Đàm Xuân Anh, thạc sỹ ngành kinh tế phát triển, doanh nhân, người dành được 40/41 phiếu tín nhiệm ở cơ sở (xin rút với lý do bận giảng dạy, làm luận án tiến sỹ, không đủ điều kiện làm tốt nếu trúng cử).

Ông Nguyễn Văn Dũng, Công ty đầu tư xây dựng dầu khí Kim Hiệp (xin rút vì tự xét thấy không đủ tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội)...

Theo Phạm Cường
VietNamNet

MỚI - NÓNG