Rút khỏi "quan trường" nhường cho lớp trẻ

Rút khỏi "quan trường" nhường cho lớp trẻ
Trong xã hội hiện nay có một số người tìm mọi cách, ngay cả dùng các thủ đoạn, tiền bạc...để thăng quan tiến chức. Nhưng Trà Vinh có một cán bộ không tham danh lợi, khẳng khái từ chối quyết định của cấp trên bổ nhiệm vào các chức vụ cao hơn.

Đó là Thượng tá Nguyễn Thành Thiên (Bảy Thiên), Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, nguyên Trưởng Công An huyện Cầu Kè.

Vào năm 1999, dư luận ở tỉnh Trà Vinh xôn xao với chuyện Thượng tá Bảy Thiên, từ chối quyết định Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh bổ nhiệm vào cương vị Quyền Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè và tiếp đó từ chối đề nghị của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ bố trí anh chức vụ Bí thư huyện uỷ.

Vào thời điểm đó, anh mới tròn 50 tuổi, cộng với thành tích lẫy lừng trong chiến đấu và có không ít người cho rằng anh đã muốn hướng tới một chức vụ cao ở ngành Công an tỉnh. Hai năm sau (năm 2001), mọi người quý trọng khi biết anh tự nguyện viết đơn xin nghỉ hưu và được Bộ Công an chấp thuận.

Về thăm ấp Bưng Lớn, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè gặp lại anh, thật sự ngỡ ngàng trước khu vườn xum xuê, trồng toàn những cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như: Cam sành, bưởi da xanh, măng cụt...Tuy mới bắt đầu cho trái, năng suất chưa cao nhưng năm 2005, gia đình anh đã thu được gần 50 triệu đồng. Khu vườn rộng gần 2 ha, trước đây chủ yếu trồng cây tạp.

Khi về hưu mặc dù đang ở cái tuổi “ tri thiên mệnh” với những vết thương đầy mình do chiến tranh đã cướp của anh 60% sức khoẻ (thương binh 2/4). Tuy muộn, anh vẫn bàn với chị đầu tư cải tạo lại khu vườn, lúc đầu bao khó khăn chồng chất tưởng chừng không vượt qua nổi.

Nhờ có nỗ lực và đồng thuận của gia đình, anh đốn bỏ những cây tạp, đào hệ thống kênh mương...Anh tham gia đầy đủ các lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn trái hoặc nghe đâu có giống cây ăn trái mới anh chèo thuyền đến đó tìm mua và vừa trồng vừa rút kinh nghiệm.

Khi nói chuyện về việc “ từ quan”, anh tâm sự, lúc nhỏ gia đình nghèo lắm và tuổi thơ của anh phải vật lộn ruộng vườn để mưu sinh nên không được đến trường. Khi vừa trưởng thành, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh Thiên đã lên đường theo các anh, các chú làm cách mạng, do cuộc chiến khốc liệt nên không có điều kiện học tập.

Theo anh, đi đánh giặc là nghĩa vụ cao đẹp nhất và danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân mà anh có được là do một phần đóng góp không nhỏ của đồng đội đã hy sinh trong chiến đấu; công lao của các cha, các mẹ, các chị...dù nghèo khó, đôi khi phải hy sinh cả tính mạng vẫn hết lòng đùm bọc, chở che và người vợ trẻ ở quê ngày ngày phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để thay chồng nuôi, dạy đàn con khôn lớn.

Chiến tranh kết thúc, lao vào xây dựng đất nước, nhiều đêm suy nghĩ mới nhận ra rằng mình còn nhiều hạn chế, khó có khả năng đảm đương trách nhiệm lớn mà Đảng, Nhà nước giao phó. Trong khi đó, lực lượng cán bộ trẻ, có trình độ, phẩm chất đạo đức tốt đã đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ, anh chọn con đường rút lui để trở lại với mảnh vườn, thửa ruộng.

Rất cảm động trước suy nghĩ sâu rộng của một người có công nhưng không công thần tự xét thấy năng lực có hạn sẵn sàng rút lui khỏi “ quan trường '' nhường bước cho lớp trẻ có năng lực hơn gánh vác. Nghe qua thật đơn giản nhưng để thực hiện được điều ấy không phải dễ dàng, nhất là đối với những người đang “có quyền'' và có đà thăng tiến như anh Bảy Thiên.

Theo Huy Hoàng

TTXVN

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...