Rút ngắn thời gian sản xuất vắc-xin COVID-19

Các nhà khoa học Vabiotech tiêm thử nghiệm vắc-xin ngừa COVID-19 trên chuột Ảnh: T.Hà
Các nhà khoa học Vabiotech tiêm thử nghiệm vắc-xin ngừa COVID-19 trên chuột Ảnh: T.Hà
TP - “Cần thúc đẩy nhanh quá trình nghiên cứu vắc-xin, đồng thời có cơ chế đặc biệt để có thể tiếp cận nguồn vắc-xin trên thế giới nhanh nhất”- quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói tại hội thảo triển khai nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký, sử dụng vắc-xin COVID-19 tại Việt Nam, ngày 22/7.

Ông Long nói, việc sản xuất vắc-xin là ưu tiên của tất cả các quốc gia, viện nghiên cứu, nhà sản xuất. Tuy còn nhiều vấn đề về virus SARS-CoV-2 cần tiếp tục tìm hiểu, nhưng theo ông, giải pháp hiệu quả nhất để thực sự đẩy lùi dịch bệnh này là vắc-xin COVID-19.

“Có nhiều ý kiến khác nhưng nếu không có vắc-xin thì khó có thể cuộc sống bình thường như trước đây. Đây là thách thức lớn với toàn cầu, toàn nhân loại”- GS.TS Nguyễn Thanh Long nói. Vì thế, theo ông, Bộ Y tế rất quan tâm làm sao Việt Nam sớm có vắc-xin.

Hiện nay tại Việt Nam có 4 đơn vị đang nghiên cứu vắc-xin COVID-19, dự kiến cuối năm thử nghiệm lâm sàng trên người. Bộ Y tế sẽ rút ngắn quy trình cấp phép. Việc nghiên cứu vắc-xin của 4 đơn vị này (Vabiotech, Polyvac, Ivac và Nanogen), bước đầu đều cho kết quả khả quan. Ivac sử dụng công nghệ nuôi cấy trứng gà có phôi để bào chế vắc-xin. Ivac đã sản xuất được vắc-xin cúm, nay đang ứng dụng công nghệ này để sản xuất vắc-xin COVID-19. Còn Vabiotech phối hợp với trường đại học Oxford của Anh nghiên cứu tiền lâm sàng trên động vật. Kết quả thử nghiệm cho thấy vắc-xin đáp ứng miễn dịch tốt.

Việt Nam là một trong 42 quốc gia có thể sản xuất vắc-xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng. Đồng thời là một trong 38 quốc gia có cơ quan quản lý về vắc-xin đạt chuẩn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình thẩm định, cấp phép đăng ký sử dụng vắc-xin COVID-19 để năm 2021 có thể có vắc-xin. Bộ Y tế sẽ đề xuất rút ngắn thời gian các quy trình: nghiên cứu sản xuất; kiểm định; thử nghiệm lâm sàng, cấp phép lưu hành; theo dõi sử dụng vắc-xin.

Cụ thể, ở một số khâu, việc theo dõi, kiểm định sẽ được rút ngắn về hồ sơ, thời gian và song song tiến hành nhiều khâu. Ví dụ như trong khâu thử nghiệm lâm sàng sau khi có kết quả giai đoạn 1 có thể chuyển sang thử nghiệm giai đoạn 2 và tiếp tục theo dõi giai đoạn 1.

“Tuy nhiên, dù rút ngắn thời gian nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng của vắc-xin, có tác dụng phòng nhiễm virus gây COVID-19 dựa trên những bằng chứng khoa học, tuân thủ theo các nguyên tắc về đạo đức trong nghiên cứu y sinh học”- TS Quang nói.

Việt Nam vượt mốc 400 ca

Ngày 22/7, Bộ Y tế cho biết có thêm 12 ca dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 lên 408 ca. Các trường hợp này đều được cách ly ngay sau nhập cảnh, không lây ra cộng đồng.

Trong số 12 ca bệnh nói trên có 7 bệnh nhân mang quốc tịch Nga (nam giới), độ tuổi 42-55, là chuyên gia dầu khí. Ngày 11/7, các chuyên gia này từ Nga nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay IO4405. Hiện 7 bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bà Rịa. Trước đó đã ghi nhận 10 ca dương tính trên cùng chuyến bay, đang cách ly tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, không lây nhiễm trong cộng đồng.

Năm bệnh nhân còn lại có 4 người từ Nga (quá cảnh Belarus) về Sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN5062, được cách ly ngay sau nhập cảnh tại Trung đoàn 814, tỉnh Hòa Bình. Hiện cả 4 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Trước đó đã có 12 ca dương tính với SARS-CoV-2 trên chuyến bay này. Một bệnh nhân nữ, 58 tuổi, ở phường Trương Mỹ Tây, quận 12, TPHCM từ Mỹ về Sân bay Vân Đồn, được cách ly sau nhập cảnh tại Trung đoàn 125, Cộng Hòa, Chí Linh, Hải Dương. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới
Hải Dương.

Tính đến chiều 22/7, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khỏe tại các cơ sở y tế, hiện có 1 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 42 bệnh nhân dương tính với virus gây COVID-19.  

 Đến ngày 15/7, toàn cầu có 163 ứng viên vắc-xin COVID-19 được nghiên cứu phát triển. Trong đó, 23 vắc-xin đang ở giai đoạn thử nghiệm trên người, 140 ứng viên ở giai đoạn tiền lâm sàng (bao gồm vắc-xin của Việt Nam)...

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.